Chủ Nhật, tháng 11 05, 2006

7. NGUYEN VAN TUONG (1824 - 1886) -- THO -- VAI NET VE CON NGUOI, TAM HON & TU TUONG / Tệp 7

PHẦN THỨ BA:

THI TẬP


Bài 1

SƠ ĐÁO LẠNG SƠN



1. Khứ tuế Gia Định nam (*)
Kim niên Lạng Sơn bắc
Tây nhân kí chỉnh cư
Ngô đoàn diệc khổng cức
5. Thuyền pháo nan để đương
Lam chướng dị kinh hoặc
Tòng lai chư duyên biên
Vô như thử kiệt tặc
Bất chiến tịch dư oai
10. Xuất sư hữu hà lực
Tuy nhiên lang tử tâm
Khởi nghi ngọa tháp trắc
Ngô bối sỉ tố xan
Hà nhân đương nhục thực
15. Nguyện tương dữ đồ hồi
Hạnh vật đạo cô tức
Thiền uyên thất độ hà
Thằng trì tư phấn dực
Tư mã sá binh nhung
20. Thái tể thận cống chức
Tỉnh tuế lũ phong đăng
Quan binh đồng tâm đức
Cẩu túc đa tất thành
Thử chúng chiến tắc khắc
25. Tận diệt bỉ cừ khôi
Vô ô ngã viên bức
Dị loại tuyệt tanh (tinh) chiên
Lưỡng kì đồng quách thức
Duy thiên tác Nam bang
30. Chúng tinh củng thần cực
Khể thủ bái vạn niên
32. Vương hiến (du) ca doãn tắc.


TRẦN ĐẠI VINH
phiên âm

1

LẦN ĐẦU ĐẾN LẠNG SƠN

1. Năm ngoái Gia Định nam
Năm nay Lạng Sơn bắc
Bọn Tây đã chễm chệ
Lính Tàu cũng nguy cấp
5. Thuyền súng khó cự đương
Lam chướng dễ kinh sợ
Từ đó các vùng biên
Không đâu như nghịch tặc
Chẳng đánh, mượn oai thừa
10. Ra quân đâu có sức
Tuy nhiên lòng chó sói
Há để kề bên hông
Bọn ta thẹn ngồi không
Kẻ nào xứng ăn thịt
15. Nguyện cùng nhau lo toan
May dân khỏi bức bách
Vực sâu khó qua sông
Ao trời lo sải cánh
Tư Mã thuận binh nhung
20. Tể tướng thận tuyển cử
Xem xét năm được mùa
Nhìn lính cùng tâm đức
Nếu lúa nhiều ắt xong
Lính ấy đánh tất thắng
25. Diệt hết lũ cừ khôi
Khỏi ô uế bờ cõi
Diệt loài tanh khác tộc
Nam Bắc cùng một mối
Nhờ trời dựng nước Nam
30. Muôn sao chầu Tử cực
Cúi đầu chúc muôn năm
32. Ngợi đức vua thông suốt.


TRẦN ĐẠI VINH
dịch thơ

1

LẦN ĐẦU TIÊN ĐẾN LẠNG SƠN

1. Năm ngoái [vào] Gia Định [ở phía] nam
Năm nay [ra] Lạng Sơn [ở phía] bắc
Người Tây đã xong việc cướp đất (1)
Đoàn lính Ngô (2) cũng [đã] luồn thông gai góc (2)
5. Thuyền, [súng] pháo [lớn của ta] khó chống lại,
đương đầu
[Bởi] sương núi khí độc dễ [tạo thêm] nỗi e ngại
[và] sự mờ lấp
Cứ theo những việc đã qua thì các vùng ven [biển],
dọc các ải [núi]
Không [bọn giặc nào] như bọn giặc hung ác này
[Chúng] không đánh, [chỉ] mượn oai thừa
[của bọn Tây]
10. Ra quân, [chúng] nào có sức
Tuy nhiên, lòng chó sói quyết chết
[bởi ở thế cùng đường của chúng]
Chẳng lẽ [chúng] xứng đáng nằm
[trên] giường hẹp [thường được treo]
nghiêng [để dành tiếp khách quý] (3)?
Bọn ta xấu hổ [vì được ăn] cơm trắng [không độn]
[Còn] kẻ nào xứng đáng [với] thức ăn
[là] thịt [kia nữa]!
15. [Hãy] nguyện cùng nhau vạch kế sách
thu hồi [đất đai]
Tốt đẹp [là] đừng khiến đạo lí [bị] lẻ loi
[và bị] tiêu diệt mất
Vực [có tên là] Thiền [giữa dòng],
[chúng] hết [đường] qua sông
Ao [mang địa danh là] Thằng, [ta] lo làm mạnh cánh [bay]
Tư mã (4) phô trương (5) [lực lượng] quân đội
20. Thái tể (6) cân nhắc [trong việc] tiến cử,
đề bạt [quan chức]
Xét năm [nay] nhiều lần được mùa [lúa, khoai]
Thấy lính tráng [cùng các quan] đồng tâm đức
Nếu [thóc gạo] đầy đủ, dồi dào ắt đánh thắng
[Thì] lính ấy chiến đấu tất trị được [giặc]
25. [Phải] diệt sạch những tên cầm đầu ấy
[Để] khỏi ô uế ruộng vườn, bờ cõi [của] ta
[Đối với] bọn khác loài [Tây, Tàu xâm lược],
[phải] làm tiệt mùi tanh của dê,
cừu [ở chúng]
Hai kì (tả kì: Nam; hữu kì: Bắc)
cùng ý chí [và] cùng biên cương, thành trì
[Mong] vì [lẽ] Trời [mà] xây dựng nước [Việt] Nam (7)
30. Đông đảo ngôi sao [chầu] xoay quanh ngôi báu,
kinh vua
[Những ngôi sao ấy] cúi đầu, bái lễ vạn năm (8)
32. Mưu lược [của] nhà vua hát ca [về] biên cương
vững chãi [một cách] chính đáng (tin cậy).

(1) Chỉnh cư: chiếm lấy mà ở; giặc chiếm ở đất mình (Đào Duy Anh, Từ điển Hán – Việt, bản in lần thứ ba, Nxb. Trường Thi, Sài Gòn, 1957, tập thượng, tr. 175).

(2) Ngô: (từ chỉ chung người Tàu). Ngô đoàn, chỉ các đoàn quân phỉ vốn là tàn quân Thái Bình Thiên Quốc tràn sang nước ta, còn gọi là giặc Cờ (Đen, Vàng, Trắng). Pháp chỉ đạo Jean Dupuis, Puginier lợi dụng giặc này, hỗ trợ súng đạn cho bọn chúng để quấy rối Bắc Kì nước ta. Câu thơ còn chỉ chung về các triều đại phong kiến Trung Hoa: giặc Tàu đã nhiều lần chiếm cứ nước ta, như hiện nay ở sáu tỉnh Nam Kì (sau 1867), giặc Pháp đang “chỉnh cư”! (Xem chú thích (2) bản dịch nghĩa bài thơ số 4).

(3) Tác giả sử dụng điển tích cổ (sau đó Nguyễn Khuyến có dùng trong bài “Khóc Dương Khuê”: “... Giường kia treo cũng hững hờ...”). Theo điển tích đó, có một danh sĩ xưa, treo riêng một chiếc giường, đợi khi bạn quý đến mới hạ xuống để tiếp bạn, nhằm bày tỏ lòng quý trọng, ưu ái; về sau, bạn quý ấy mất, danh sĩ kia liền chẻ giường, như Bá Nha đập vỡ đàn khi Tử Kì không còn nữa (Nguyễn Khuyến: “... Đàn kia gảy cũng ngẩn ngơ tiếng đàn...”).

(4), (6) Tư mã, thái tể là hai chức không có dưới triều Nguyễn. Tác giả nhằm chỉ đến thượng thư Bộ Binh, thượng thư Bộ Lại, thường kiêm Cơ mật viện đại thần.

(5) Thượng thư Bộ Binh (7 âm lịch Kỉ tị, 1869) là Trần Tiễn Thành. Trước đó, Trần Tiễn Thành đã được sung làm khâm sai ra Bắc (ĐNLT., tập 4, sđd., tr. 164 - 165). Chữ “sá” này có nghĩa: phô trương, thị uy; không phải “thét” [lệnh]. Lúc này, Trần Tiễn Thành chưa lộ hẳn bản chất!

(7) Hẳn nhắc đến bài thơ “Thần” của Lí Thường Kiệt (xem VNSL., b. 1964, sđd., tr. 108).

(8) Về hai chữ “vạn niên”, xin xem thêm chi tiết b’ cuối chú thích (16) bản dịch nghĩa, bài thơ số 56.

1

LẦN ĐẦU ĐẾN LẠNG SƠN

1. Năm ngoái Gia Định nam
Năm nay Lạng Sơn bắc
Tây chễm chệ cướp đất
Gai góc giặc Cờ bươn
5. Súng, thuyền chống, khó đương
Lam chướng, dễ mờ lấp
Từ đấy, các vùng biên
Giặc ấy quả lạ khác! (1)
Chẳng đánh, mượn oai thừa
10. Ra quân, chúng đuối sức
Nhưng lòng sói quyết chết
Há nằm giường sẵn dành?
Bọn ra thẹn trắng cơm (2)
Kẻ nào xứng chén thịt
15. Nguyện cùng lo thu đất
May đạo lí khỏi tan
Vực Thiền, hết qua sông
Đầm Thằng, lo cánh vút
Bộ thị uy binh nhung
20. Viện tiến cử cân nhắc
Xét năm được nhiều mùa
Nhìn lính cùng tâm đức
Nếu thóc nhiều tất xong
Lính ấy đánh phải được
25. Diệt sạch lũ cầm đầu
Khỏi ô uế Đất Nước
Tiệt cừu tanh khác loài
Cùng một mối Nam Bắc
Vì lẽ trời, dựng Việt
30. Ngôi báu, muôn sao chầu:
Cúi đầu, lạy vạn năm
32. Biên vững, trí vua hát.


(bản biên soạn)

(1) Nguyên bản: “Không nơi đâu có bọn giặc hung tợn như thế”.

(2) Xấu hổ với người ăn cơm hẩm gạo mốc (người dân).


Cước chú của bài thơ số 1, thuộc Phần thứ III (Thi tập Nguyễn Văn Tường):

(*) Các bài dài, chúng tôi (TXA. [người biên soạn, viết tắt: nbs.]) tạm đánh số thứ tự các dòng thơ để tiện đối chiếu (không phải phân đoạn).


Bài 2

HỌA LẠNG VŨ (PHỦ) ĐẶNG
VỊNH CÚC
NGUYÊN VẬN


Tiểu xuân mai vị báo
Li hạ cúc phương khai
Chính sắc khi quần phổ
Kì hương yếm chúng tài
Tự phi chủ ý hảo
An đắc vãn hoa lai
Mạc vị tái phong lãnh
Tầm phương phụ thử hồi.


TRẦN ĐẠI VINH
phiên âm

2

HỌA NGUYÊN VẦN BÀI VỊNH CÚC
CỦA TUẦN VŨ LẠNG SƠN HỌ ĐẶNG

Mai chửa báo sơ xuân
Cúc đã nở ngoài giậu
Sắc thắm khinh muôn hoa
Hương thơm hơn mọi thức
Nếu không có ý tốt
Sao được hoa muộn màng
Chớ bảo gió biên lạnh
Phụ lòng, mà kiếm hương.


TRẦN ĐẠI VINH
dịch thơ

2

HỌA NGUYÊN VẦN BÀI “VỊNH CÚC”
CỦA TUẦN VŨ LẠNG SƠN HỌ ĐẶNG (1)

Hoa mai chưa báo tiết tiểu xuân (2)
Dưới hàng giậu, hoa cúc vừa mới nở
Sắc đẹp đích thực
[khiến] mọi sách phổ [chép về hoa] dối lòng (3)
Mùi hương lạ lùng
[làm] mọi chồi non [:tài năng trẻ] (4) nản [chí]
Bởi không [có] ý chuyên tốt lành (hoặc: chủ ý xong xuôi)
Sao được hoa [nở] muộn về sau (/ : đến [thăm]) [như thế]?
[Xin] chớ bảo gió biên ải lạnh lùng
[Mà] tìm danh thơm (5), [lại] phụ rẫy sự trở về này
[của cúc].

(1) Đặng Toán (căn cứ vào: Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, chính biên, Viện Sử học dịch, Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1971, tập 31, tr. 235, 287; và Đại Nam liệt truyện, bản dịch Viện Sử học, Nxb. Thuận Hóa, 1993, tập 4, tr. 294).

(2) Tiết tiểu xuân: tiết trời vào khoảng tháng mười âm lịch hằng năm.

(3) Nguyên văn: “khi” (dối lòng mình; lấn áp). Tất cả loại sách phổ (niên phổ, chủng phổ; ở đây là hoa phổ [: chép về phả hệ các loài hoa]) đều biểu hiện sự dối lòng trước một loại hoa đẹp, đẹp một cách đích thực, bằng sự hờn ghen, vô lễ. Trong tiếng Việt có các từ: khinh khi, khi dể, khi quân; trong đó, từ tố “khi” có các sắc thái ngữ nghĩa hơi khác nhau.

Cũng như câu thứ tư, câu này được sử dụng thủ pháp đảo trang (đảo ngữ): vị ngữ (“khi”, “yếm”) đứng trước chủ ngữ (“quần phổ”, “chúng tài”).

(4) Nguyên văn: “tài” (trồng trỉa; chồi non). Hiểu như một ẩn dụ toàn bài (trường dụ): Cái tài năng của hoa (người tài) chính là mùi hương (giá trị tinh thần, trí tuệ) cống hiến cho đời. Xem chú thích (5): “vãn tiết hoàng hoa”.

(5) Phương: danh thơm; mùi thơm. Tạm dịch: mùi trầm, khói trầm. Các quan ngày xưa thường đốt trầm tiếp khách quý hoặc để làm thơ, ngâm thơ, cũng có thể đốt chút trầm trong lồng ấp, sưởi cho ấm cúng khi trời rét. Với nhà thơ Nguyễn Văn Tường, hoa cúc nở muộn vào tháng mười, sắc vàng màu nắng, màu thật của cúc, cũng sưởi ấm mắt nhìn người lính ở biên phòng.

“Tầm phương”, nghĩa bóng còn là: “đi tìm tình nhân; thăm chỗ phong cảnh đẹp” (TĐHV., sđd., quyển hạ, tr. 246).

Ngoài hai nghĩa trên, hoa cúc nở vào tiết mùa đông còn là biểu tượng chỉ tiết tháo người quân tử thời loạn (TĐHV. sđd., tập hạ, tr. 536): “vãn tiết hoàng hoa”. Xin xem chú thích (2), bản dịch nghĩa bài thơ số 24.

2

“NGỢI CA HOA CÚC”

Họa thơ Đặng Toán

Xuân non mai hứa báo
Bừng cúc dưới chân thành
Sắc, hờn muôn sách đỏ (1)
Hương, nản vạn chồi xanh
Không lòng chuyên tốt giữ (2)
Được cúc muộn xinh dành? (2)
Chớ bảo gió biên rét
Phụ hoa về, dạo quanh!


(bản biên soạn 2/1)

Xuân chớm, nhựa mai hứa báo
Cúc vừa nở dưới giậu xanh
Thật sắc, khiến hờn hoa phả
Lạ hương, làm nản thảo danh
Không vì ý lành giữ ngọc (2)
Được sao cúc muộn lưu cành? (2)
Đừng bảo gió biên ải lạnh
Mặc hoa, trầm cứ kiếm quanh!


(bản biên soạn 2/2)

(1) Chữ “phổ” (phả); hiểu linh hoạt (tất nhiên không đúng nguyên văn): loại sách đỏ, viết về các loại động thực vật quý hiếm, cần được bảo vệ. “Sách đỏ” đối với “chồi xanh”. Ở bản 2/2 (lục ngôn biến thể), “hoa phả” sẽ được đối với “thảo danh” (: tên hoặc danh vị các loài hoa).

(2) “Tự”: bởi (đối với “an”: tại sao); không thể dịch là mình, tự thân. Giả định là “mình”, đại từ ngôi thứ nhất, được dùng như ngôi thứ hai để tỏ sự thân tình, xem bạn như mình: “Ý lành, mình không cốt, Hoa muộn, ấy sao thăm? Gió ải đừng than lạnh; Phụ hoa, lại kiếm trầm!”.

“Về sau” được thay bằng ý niệm “để dành”. Từ đó, có các cặp tiểu đối: “tốt giữ – xinh dành”; “giữ ngọc – lưu cành”.


Bài 3

SƯ THỨ CAO BẰNG


Bắc vọng quần sơn sơn chính cao
Thiên tương sơn thế tác ba đào
Địa liên Thanh giới phân đình chướng
Dân tạp Man Nùng đới kiếm đao
Phụ hiểm Mạc gia dư thổ lũy
Yết kì Trình thị xướng nhân hào
Tam Trung tinh sảng kim an tại?
Sơn sắc tuyền thanh nguyệt hạ xao.

TRẦN ĐẠI VINH
phiên âm

3

ĐÓNG QUÂN Ở CAO BẰNG

Trông phía Bắc, chồng chất núi cao
Trời nhân thế núi dấy ba đào
Đất liền Trung Quốc chia ngăn trở
Dân lẫn Mán Nùng vác kiếm đao
Hiểm yếu tăng thêm là lũy Mạc
Dựng cờ kêu gọi ấy Trình hào
Tam Trung linh khí nay còn mất?
Tiếng suối màu non bóng nguyệt xao.


TRẦN ĐẠI VINH
dịch thơ



3

ĐOÀN QUÂN CAO BẰNG (1)

[Xứ] Bắc ngẩng trông [các] cụm núi; núi sắp đặt
lại tầm cao
Trời định làm thế núi nổi sóng [như sóng biển] (1)
Đất [ấy] liền [với] biên giới nước Thanh (2),
[cùng] chia ra rào cản (bình phong) (3), nhà trạm
Dân [ở đó], [người] Thượng (4) [ở] lẫn [với]
[người] Nùng (5), [đều] đội kiếm đao (4) (5)
Cậy vào [thế] hiểm yếu, nhà Mạc (6) thừa thãi [hoặc: trơ ra]
lũy [đắp bằng] đất
Mở giăng [ngọn] cờ, [những người] họ Trình (7)
kêu gọi tài sức [của] con người
[Sự] trong sáng tinh thần [của] Tam Trung (8),
nay còn chăng?
Màu núi, tiếng suối, dưới trăng, xao xuyến.

(1) Cao Bằng là tên gọi của một vùng đất ở biên giới phía bắc nước ta, từ thời Tây Sơn, thời Nguyễn. Trước đó gọi là Cao Bình. “Bình” hay “Bằng” đều cùng một nghĩa, một mặt chữ Hán. Hai câu đề của bài thơ thể hiện sự cấu tứ từ địa danh. Đó là vùng đất bằng dậy sóng, núi cần phải cao hơn để chặn giặc Tàu, nhưng cũng vì thế nên nhà Mạc có nơi nương náu lúc suy vi, và lắm phỉ.

(2) Nước Thanh: Trung Quốc thời nhà Thanh có quốc hiệu là Đại Thanh.

(3) Đường ranh giới thời Nguyễn có rào gỗ hoặc lấy sống núi làm mốc. Có một ngọn núi như bức bình phong, gọi là núi Bình Phong.

(4), (5) Số người miền xuôi (Kinh, còn gọi là Nam) trung thành với nhà Mạc sau khi bị họ Trịnh (phù Lê) đánh bại. Những người Kinh này dần dà đã Tày, Nùng hóa (“Kinh già hóa Thổ”) [xem Trần Quốc Vượng, Việt Nam, cái nhìn địa văn hóa, Nxb. Văn hóa dân tộc, 1998, tr. 23]. Nhưng đó chỉ là một bộ phận, còn phần lớn người Kinh định cư ở đó qua nhiều thời kì khác nhau, kể từ thời cổ đại.

Chữ “man” Nguyễn Văn Tường sử dụng ở đây là theo ước lệ ngôn ngữ của thời đại ông. Ông cũng gọi bọn giặc Cờ là “man rợ”, mặc dù giặc Cờ là tàn dư Thái Bình Thiên Quốc (ở Trung Hoa, 1850 - 1864; xem Phan Khoang, Trung Quốc sử lược, in lần thứ ba tại ấn quán Hồng Phát, Chợ Lớn, 1958, tr. 363-368). Giặc Cờ hầu hết là người Hán, phù Hán tộc, chống nhà Thanh. Ông cũng gọi người Pháp (Phú Lãng Sa) là “bọn mọi rợ”, xét về bản chất thực dân của chúng và phong tục của người Phương Tây (phong tục Phương Tây theo mắt nhìn Việt Nam hồi đó là dã man). Nguyễn Văn Tường không có tư tưởng miệt thị dân tộc, nhân tộc, mà trái lại, như tác giả Hạnh Thục ca (Nguyễn Nhược thị Bích) đã ghi nhận:

“Nhưng người lấy đức rộng bao
Tín thành cảm đến Mọi, Lào mến ân...”

(Hạnh Thục ca, sđd, tr. 16)

Tác giả bài ca trên cho rằng, chính nhờ lòng yêu mến, trân trọng các nhân tộc ít người ở nước ta và ở nước láng giềng mà khâm sai đại thần Nguyễn Văn Tường đã chiến thắng giặc Pháp trên mặt trận ngoại giao, 1874, và sau đó, đã cảm hóa được khâm sứ Pháp Philastre, khi Nguyễn Văn Tường đã là Kì Vĩ bá [xem Delvaux, Ngoại vụ Paris tại Việt Nam, “Phái bộ Pháp ở Huế và những phái viên đầu tiên”, Những người bạn cố đô Huế (BAVH., 1916), tập 3, sđd., tr. 32, 36 - 37]. Không những “sài lang” Pháp phải “thói dữ chút răn, đất thành giao lại, quan quân tha về”, mà còn tự “dẹp thói lung lăng” (HTC., sđd., tr. 16) của chúng. Philastre đã “đầu hàng”, “phản bội” Puginier, Rheinart, bọn thực dân quyết tâm xâm lược Bắc Kì và một bộ phận dân Bắc Kì theo Pháp, tả đạo (Tsuboi, NĐNĐDVPVTH., sđd., tr. 117 và 237 - 238), lại “chịu ảnh hưởng”, tâm phục Nguyễn Văn Tường (Delvaux, bài viết trên, sđd., tập 3, tr. 36 - 37). Sự tâm phục đó là sự tâm cảm ý thức bình đẳng nhân tộc.

(6) Nhà Mạc: triều đại do Mạc Đăng Dung cướp ngôi nhà Hậu Lê dựng nên; về sau trở thành Bắc triều, chống cự với Nam triều của nhà Hậu Lê trung hưng do Trịnh Kiểm tôn phù. Nhà Mạc còn tồn tại ở đất Cao Bằng khá lâu, sau khi đã bị họ Trịnh quét sạch ở miền xuôi và ở các tỉnh miền núi khác, từ 1592 (tồn tại ở đấy thêm 96 năm).

(7) Họ Trình: chắc chắn không phải là Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, người góp ý cho nhà Mạc về việc chọn Cao Bằng làm nơi nương náu khi đã suy vong. “Trình” chỉ là mĩ hiệu (Trình [quốc công]). Họ Trình ở đây là Trình Văn Châu, Trình Văn Quang thời Minh Mạng có công dẹp phỉ. Trình Văn Châu với 36 xã thôn và nhiều người cùng có công khác được ban biển ngạch “Hiếu nghĩa tri phương” (hiếu nghĩa, danh thơm được biết đến). Trình Văn Quang được thờ ở đền Trung Nghĩa.

(8) Tam Trung: đền Tam Trung (“Tam Trung từ”) ở xã Gia Cung, huyện Thạch An, Cao Bằng, thời Nguyễn, thờ 3 liệt sĩ giữ thành, tử tiết do bị bè đảng của Nông Văn Vân ở Tuyên Quang vây đánh – Nông Văn Vân và Lê Văn Khôi ở Gia Định (Nam Kì) có liên can với nhau, trong việc nổi loạn, thời Minh Mạng. “Tam Trung” là Nguyễn Huy Tăng (bố chính sứ), Phạm Đình Trạc (án sát sứ), Phạm Văn Lưu (lãnh binh).

[Xem thêm: Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam nhất thống chí (ĐNNTC.), tập 4, Phạm Trọng Điềm dịch, Đào Duy Anh hiệu đính, Nxb. Thuận Hóa, 1992, tr. 401 - 430, về các chú thích trên].

3

ĐOÀN QUÂN CAO BẰNG

Ngàn núi Bắc trông, núi thẳng (1) cao
Trời toan: thế núi sóng vươn gào!
Đất liền Thanh ải, chia rào trạm
Dân lẫn Di Nùng đội kiếm đao
Cậy bẫy, Mạc tan, trơ lũy đất
Giăng cờ, Trình gọi, lắm anh hào
Tam Trung tâm sáng nay đâu nhỉ?
Tiếng suối màu non dưới nguyệt xao!


(bản biên soạn)

(1) Nguyên văn: “sơn chính cao”. Nếu chữ “chính” là động từ (làm vị từ cho cụm chủ – vị này), xin tạm dịch như ở bản dịch nghĩa. Bản dịch thơ này tạm xem như tính từ, không phải với nghĩa ngược với “phụ” (chính sơn), mà với nghĩa “[núi] ngay thẳng [cao vút]”. Có thể đây là một bài thơ chân cảm và dự cảm, với Phạm Thận Duật (nếu Phạm Thận Duật lấy hiệu Vọng Sơn từ núi Khâu Sầm, vốn là vọng sơn của tỉnh, một trong bốn quả núi được xem là “tứ trụ”; xem ĐNNTC., tập 4, sđd., tr. 409 – 410 (*)), lúc cả hai người đang ở đất Bắc vào những năm cuối thập niên sáu mươi, đầu thập niên bảy mươi, thế kỉ XIX. Có thể với Nguyễn Văn Tường, đây là một địa thế kháng chiến rất tốt. Ông đã từng quan tâm đến kinh nghiệm chiến đấu ở địa bàn miền núi của các đầu mục giặc (phỉ) Cao Bằng (vì không trung thành với nhà Lê) từ lúc chưa hề ra Cao Bằng, còn ở Thành Hóa (Cam Lộ), Quảng Trị để xây dựng thượng đạo nối liền từ Bình Định ra đến Nghệ An; từng đệ tấu xin vua Tự Đức đưa đầu mục phỉ Cao Bằng vào Thành Hóa (Cam Lộ), (xem ĐNNTC., sđd., tập 31, tr. 86 - 89, 103 - 104), để trực tiếp học tập kinh nghiệm và để cải tạo, sử dụng các đầu mục ấy. Tuy chỉ là suy diễn từ bài thơ này, nhưng người đọc cũng có thể hình dung tầm nhìn chiến lược của Nguyễn Văn Tường về các địa bàn miền núi của nước ta trong phương án kháng chiến chống Pháp và tiễu phỉ (giặc Cờ...), từ những năm ấy (1868 - 1873), kể cả quan điểm về công tác cải tạo, sử dụng đối tượng phạm nhân vốn là phỉ...

Nhưng đó chỉ là suy diễn mở rộng, đào sâu .

“Sơn chính cao” chỉ là núi cao thẳng đứng, một chi tiết để miêu tả, biểu đạt cảm nghĩ về non nước, lịch sử Cao Bằng yêu mến của tâm hồn Nguyễn Văn Tường, với niềm bâng khuâng về “tâm sáng Tam Trung”, hình ảnh cụ thể của một tiêu chí tư tưởng chính trị, lí tưởng thẩm mĩ ở ông, khi còn là quan tán lí quân vụ - nhà thơ (mãi cho đến lúc trở thành Kì Vĩ phụ chánh đại thần bị lưu đày và mất ở Tahiti).


Cước chú của bài thơ số 3, thuộc Phần thứ III (Thi tập Nguyễn Văn Tường):

(*) Ở tỉnh Ninh Bình cũng có một ngọn núi được xem là vọng sơn, nên hai chữ Vọng Sơn còn là danh từ riêng thứ hai của ngọn núi ấy.

Bài 4

SƯ THỨ HÀ DƯƠNG


Man yên lộ nhập cổ thanh trầm
Thùy trịch thiên kim mãi đấu tâm
Sơn bất dung phan duyên yếm tục
Thủy đa bôn hạ hảo (hiếu) vi thâm
Triêu lam bán tạp thanh vân khí
Tà nhật vi khai lục thọ (thụ) âm
Hồi thủ Hà Dương chinh chiến địa
Phi trần tận nhật ám hoang lâm.


TRẦN ĐẠI VINH
phiên âm

4

ĐÓNG QUÂN Ở HÀ DƯƠNG

Trống dồn, khói Mán tỏa đường lau
Ngàn lạng ai mua lòng giết nhau
Núi chẳng cho vin vì chán tục
Nước thì đổ xuống bởi ưa sâu
Che mờ sương sớm mây trong trẻo
Hé lọt nắng chiều bóng lá thâu
Ngoái lại Hà Dương vùng chiến địa
Bụi bay mờ mịt phủ rừng sâu.


TRẦN ĐẠI VINH
dịch thơ



4

ĐOÀN QUÂN HÀ DƯƠNG (1)

[Trên] đường vào, khói [bếp] người Thượng,
tiếng trống ẩm trầm
Ai quẳng ra (2) ngàn vàng, mua lòng giao tranh
[của bọn phỉ] (2)
[Núi] chẳng tiếp nhận (dung chứa) sự vin (leo)
[núi], [gợi nên] cái liên cảm chán ngán
thế tục [của vùng cao]
Nước đổ xuống nhiều (thường xuyên), [tạo
thành] sự tốt đẹp làm nên [nét] thẳm sâu
ở nơi đầu nguồn]
Sương sớm lưng chừng, lẫn [với] hơi mây trong trẻo
Nắng chiều khẽ (hé) mở [những] bóng cây xanh sẫm
Ngoảnh đầu lại: Hà Dương [là] vùng đất chiến trường
Bụi bay suốt ngày [ở bãi quần thảo],
làm ảm đạm [cả] rừng hoang!

(1) Hà Dương (địa danh), thuộc tỉnh Tuyên Quang (ĐNTL.CB., tập 31, tr. 98, 338, 383 - 385; tập 32, tr. 29, 214).

(2) Đoàn “du thám” Jean Dupuis (Đồ Phổ Nghĩa). Jean Dupuis vốn được phủ súy Pháp ở Gia Định và Puginier tài trợ, cho vay vốn để buôn súng đạn, cung cấp cho bọn phỉ “giặc Cờ” nhằm gây rối ở phía Bắc nưóc ta, kể cả việc mua chuộc chúng bằng tiền với mục đích ấy [xem ĐNTL.CB., tập 32, tr. 253 - 255, 272...; đặc biệt, xem Yoshiharu Tsuboi, Nước Đại Nam đối diện với Pháp và Trung Hoa, UB. Khoa học Xã hội Thành ủy TP. HCM. xuất bản, 1990 (bản dịch do Nguyễn Đình Đầu chủ biên), tr. 76 - 77, 86 - 93...] (*).

4

ĐOÀN QUÂN HÀ DƯƠNG

Đường vào, khói Thượng, trống trầm sâu
Ai ném vàng, mua lòng bắn nhau?
Núi cấm giặc leo, quen (1), ghét xấu (1)
Tâm tuôn thác đổ, tốt, nên sâu (2)
Ố nhem sương sớm, mây rờn biếc
Hé lọt nắng chiều (3) lá rợn màu (3)
Ngoảnh lại Hà Dương, vùng trận mạc
Suốt ngày bay bụi: rừng hoang nâu!


(bản biên soạn)

(1) Quen: quan hệ, mối liên hệ, giao tiếp (nhân duyên, tình duyên). Cũng có thể hiểu, sự giao tiếp được tác giả nhân hóa, cho rằng tự nó cũng có phản ứng chán ngán thói xấu mua chuộc (thủ đoạn của Jean Dupuis, Puginier, phủ suý Pháp...).

(2) Lòng tốt của nhân dân miền núi trong vắt như nước đầu nguồn tuôn chảy về đồng bằng, tuôn chảy mãi mãi. Lòng tốt làm nên sự bền lâu, sâu đậm (thâm giao, hảo hiệp, giao hảo).

(3) Hai câu luận là một bức tranh lụa treo gần một bức sơn mài, vẽ phong cảnh miền núi cao bằng ngôn từ. Đó là hai bức tranh thiên nhiên, thanh thoát tiếp liền hoe hoắc, của sớm mai bảng lảng mây sương, chiều hôm rực nắng quái với ánh mặt trời úa tàn (“tà nhật”: ác tà) xuyên lọt qua bóng cây liền nhau, liên thâu (“duyên thụ âm”) hoặc có màu xanh lá (“lục thụ âm”) (**), đã bị súng gươm, vó ngựa làm nhuốm bụi (“tạp”), rờn rợn âm khí (“khí”, “âm”). Nhà thơ Nguyễn Văn Tường đã “luận” về chiến tranh, nỗi khổ Hà Dương bằng hình tượng thơ ca.

Cũng như hai câu thực, hai câu luận này được (bị?) dịch thoát cho rõ ý.


Cước chú của bài thơ số 4, thuộc Phần thứ III (Thi tập Nguyễn Văn Tường):

(*) Xin lưu ý: Về cách phiên âm tên nhân vật, bản dịch cuốn sách trên có lẽ căn cứ vào âm đọc chữ Hán của người Nhật qua chữ Pháp hay có sự nhầm lẫn thế nào đấy trong nguyên bản. Vì vậy, cho nên có khác với cách phiên âm của ĐNTL.CB. (bản dịch VSH.), chẳng hạn Từ Diên Húc, Vũ Trọng Bình lại thành Từ Đình Húc, Vũ Trung Bình v.v... Nhưng lại có một sự sai biệt khác nữa, như Vũ Trọng Bình ở ĐNTL.CB. lại thành Võ Trọng Bình ở QTCBTY.. Cũng như vậy, Lê Tuấn lại thành Lê Toán. Và ngay trong QTCBTY., Lâm Hoành ở đoạn này thành Lâm Hoằng ở đoạn khác! Nguyên nhân chính là do một chữ Hán có thể có nhiều cách đọc khác nhau (“Vũ” = “Võ”), thậm chí có trường hợp cùng một mặt chữ nhưng tuỳ theo cách đọc mà có nghĩa khác nhau (như “Trung” [:giữa] và “Trọng” [:nặng]). Nbs. đành đối chiếu và mở ngoặc đơn.

(**) Theo mặt chữ chép tay, “duyên thọ âm” có dạng nét như “lục thọ âm” (bóng của cây xanh). “Lục” đối với “thanh”.

Bài 5

CHU HÀNH TÚC VỊ XUYÊN

Triêu phát Tuyên Quang thành
Mộ lai Vị Xuyên trạm
Thọ cao thiên tế vân
Thạch chướng lưu trung hạm
Thân bất từ gian lao
Tích tiện vong kha khảm
Giang sơn nhược hữu linh
Kinh cức hà dung tạp.


TRẦN ĐẠI VINH
phiên âm

5

ĐI THUYỀN NGỦ ĐÊM Ở VỊ XUYÊN

Sớm giã từ thành Tuyên
Vị Xuyên, trạm chiều tới
Cây nâng mây ven trời
Đá chắn thuyền trên suối
Thân chẳng nề gian lao
Gập ghềnh thôi quên tuốt
Non sông mà linh thiêng
Sao chứa được gai góc?


TRẦN ĐẠI VINH
dịch thơ

5

ĐI THUYỀN NGỦ ĐÊM Ở VỊ XUYÊN (1)

[Lúc] sáng sớm, khởi hành [từ] thành Tuyên Quang (2)
Buổi chiều, đến trạm (3) Vị Xuyên
Cây nâng cao mây ven trời
Đá cản [chậm] thuyền giữa dòng [sông]
Thân xác chẳng từ chối nỗi khó nhọc
Dấu vết [chân đi] dễ thường quên bẵng [bởi] sự gập ghềnh
Non sông nếu có linh thiêng
Gai góc sao dung chứa [bọn phỉ / một cách] tạp nham?

(1) Vị Xuyên (tên huyện), thuộc tỉnh Tuyên Quang (ĐNNTC., tập 4, sđd., tr. 339 - 340, 343).

(2) Thành lũy Tuyên Quang, thuộc tỉnh Tuyên Quang ngày nay (ĐNNTC., tập 4, sđd., tr. 342).

(3) Dọc đường thiên lí, triều đình cho xây dựng nhiều nhà trạm. Trạm này cách trạm kia vài dặm đường. Ở mỗi nhà trạm luôn có một đội lính trạm, phu trạm với đủ các phương tiện giao thông, bưu chính như ngưạ, võng, và có cả chỗ nghỉ ngơi qua đêm.

5

ĐI THUYỀN NGỦ ĐÊM Ở VỊ XUYÊN

Sớm đi từ thành Tuyên
Tới Vị Xuyên chiều tắt
Cây nhấc mây ven trời
Đá ngăn thuyền giữa thác
Nhọc, thân lính chẳng từ
Chênh, dấu chân đành mất
Sông núi nếu thần thiêng
Cỏ gai sao chứa giặc?!


(bản biên soạn)

Bài 6

HỌA SƠN PHIÊN VÕ TỐNG NGƯ HÀM
NGUYÊN VẬN


Tâm tồn quỳ hoắc hướng xuân dương
Bất quản gian tân cửu bị thường
Dục đắc diêm mai điều đỉnh nại
Tầm thường an vấn giới nhi khương?


TRẦN ĐẠI VINH
phiên âm

6

HỌA NGUYÊN VẦN BÀI MUỐI CÁ
CỦA TUẦN VŨ SƠN TÂY HỌ VÕ (VŨ)

Lòng như quỳ, hoắc ngóng vầng dương
Chẳng quản gian truân đã đủ đường
Muốn được muối mơ trên vạc chảo
Cải gừng, sao hỏi kiểu tầm thường!


TRẦN ĐẠI VINH
dịch thơ

6

HỌA NGUYÊN VẦN
BÀI “ÁP TẢI MUỐI [ƯỚP] CÁ”
CỦA TUẦN VŨ SƠN TÂY HỌ VŨ (1)

Tấm lòng vẫn còn [có] hoa dã quỳ, hoắc hương (2), hướng về ánh mặt trời mùa xuân
Không ngại khó khăn, cay cực, đã lâu rồi nếm trải
đủ [điều]
Muốn được [là] muối, mơ [để] xào [trên] vạc chảo [ư] (3)?
Cải như gừng [ư] (4)? Sao hỏi [một cách] tầm thường [vậy]
(5)?

(1) Vũ Trọng Bình (Võ Trọng Bình), (ĐNTL.CB., tập 33, sđd., tr. 270).

(2) Dã quỳ: một loại hoa hướng dương (hoa mặt trời) nhỏ đóa, mọc hoang dại ở các triền núi, lưng đèo vùng cao nguyên. Đó là biểu tượng của kẻ sĩ Nho giáo, những người luôn tâm niệm lòng trung quân bên cạnh niềm ái quốc, ưu dân (yêu nước, lo cho dân). Hoắc hương: loại cây lá nhỏ, có vị thơm, dùng làm thuốc chữa bệnh. Đây cũng là biểu tượng cho kẻ sĩ, những người luôn canh cánh khát vọng cứu chữa cho các căn bệnh của đời (ba đối tượng của tam trung: dân, nước, vua) trong hạn chế của ý hệ Nho giáo.

(3) ĐNNTC., tập 1, sđd., tr. 281 ghi: “Quả mai (mơ) vị chua, dùng để nêm canh; Thiên Duyệt Mệnh trong Kinh Thư nói: Như điều canh, thì người như quả mai và muối, là thế”. TĐHV., tập thượng, sđd., tr. 278: “Điều canh: nêm canh. Nghĩa bóng: làm tể tướng. Vua Cao Tôn nhà Thương cử Phó Duyệt lên làm tướng, có nói rằng: người với ta nhờ nhau nhiều lắm, ví như nêm canh, cậy ngươi làm muối với mơ”. Xin xem từ “hòa canh” ở bài thơ số 65, chú thích (11) của bản dịch nghĩa.

(4) Gừng (cũng như quế) là loại củ (và vỏ) cay lâu, khô rồi vẫn còn cay. Nghĩa bóng: tính người kiên cường đến chết cũng không thay đổi, càng già càng kiên cường (TĐHV., tập thượng, sđd., tr. 475).

(5) Vũ Trọng Bình là người bạn chiến đấu thân nhất của Nguyễn Văn Tường ở mặt trận biên giới phía bắc, mặc dù hàm tước Vũ Trọng Bình vốn đã rất cao (nguyên thượng thư Bộ Lại, Cơ mật viện đại thần, hiệp biện đại học sĩ). Tình bạn đó kéo dài đến những năm tháng chuẩn bị cho phong trào Cần vương trước ngày Kinh Đô Quật Khởi (23.5. Ất dậu, 1885): Vũ Trọng Bình được nhóm chủ chiến phân công chuyên chở vàng bạc vào Quảng Nam (xem ĐNTL.CB., tập 37, tr. 171 - 172 (*)). Lúc Nguyễn Văn Tường sáng tác bài này, hẳn là khi Vũ Trọng Bình đã chán ngán Triều đình trong sự lũng đoạn ngấm ngầm của nhóm Trần Tiễn Thành lắm rồi. Xin xem thêm bài 23, “Gửi bang biện quân vụ họ Vũ”, và cả chú thích (1) của bản dịch nghĩa bài đó.

6

“ÁP TẢI MUỐI ƯỚP CÁ”

Họa thơ Vũ Trọng Bình
(Võ Trọng Bình)

Quỳ dại, hoắc hương, lòng hướng dương
Không nề cay cực, trải bao đường
Muối, mơ muốn được (1) xào trên vạc?
Cải giống gừng (2)? Sao hỏi quá thường!


(bản biên soạn)


Cước chú của bài thơ số 6, thuộc Phần thứ III (Thi tập Nguyễn Văn Tường):

(*) Bản dịch sai lỗi chấm câu! Nbs. đã phải đối chiếu với tập 36, sđd., tr. 197 và cuối tr. 233.


Bài 7

HỌA SƠN HƯNG TUYÊN
NGUYÊN ĐỐC NGUYỄN CÔNG
TẶNG HÀNH NGUYÊN VẬN


Trực cảm phong thanh dĩ tự tiên
Phi nhơn hiếu ố đắc hư truyền
Vọng phu Quách lão tam biên trọng
Hận vãn Hàn môn nhất thức duyên
Tá trợ tự tàm vô kế sách
Thất cơ khước cữu cập tuần tuyên
Lão thành ưng hữu điển hình tại
Bất viễn Trường Sa dạ tịch tiền.


TRẦN ĐẠI VINH
phiên âm

7

HỌA NGUYÊN VẦN
BÀI TẶNG LÚC LÊN ĐƯỜNG
CỦA NGUYỄN CÔNG, NGUYÊN TỔNG
ĐỐC SƠN HƯNG TUYÊN

Cảm nhận phong thanh là trước tiên
Chẳng do yêu ghét mà hư truyền
Trông chừng Quách lão biên cương nặng
Hận muộn Hàn công mới biết duyên
Mượn đũa thẹn thùng không kế sách
Thất cơ chuốc lỗi việc tuần tuyên
Già rồi nên có gương treo sẵn
Đêm tiệc Trường Sa đã tới miền.


TRẦN ĐẠI VINH
dịch thơ

7

HỌA NGUYÊN VẦN
BÀI “TẶNG LÚC LÊN ĐƯỜNG”
CỦA ÔNG NGUYỄN (1), NGUYÊN TỔNG ĐỐC SƠN HƯNG TUYÊN (2)

Trực cảm phong độ, cung cách lời ăn tiếng nói;
vốn [lấy đó] làm [cơ sở] trước tiên
Đâu do cái yêu, sự ghét [cũng vốn bị (được)]
lan truyền không thật
Ngóng [người] tin cậy được, [ông như] ông Quách (3)
[xem] ba biên cương là trọng
Hận [sự] muộn mằn, [tôi hệt] phái Hàn (4) [cho]
một [lần] nhận biết (một bài văn) là duyên
Mượn bút (4), [tôi] tự thẹn: không kế sách
Lỡ dịp, [ông] chối lỗi: kịp [việc] tuần [phủ],
tuyên [phủ sứ] (5)
Già cả rồi, nên có khuôn mẫu còn lại
Đêm [tiệc] Trường Sa (6) không xa chỗ ngồi (:chiếu ngồi) phía trước!

(1) Nguyễn Bá Nghi (ĐNTL.CB., tập 31, tr. 330 - 331).

(2) Sơn Tây, Hưng Hóa, Tuyên Quang.

(3) Quách Phác (Tây Tấn, Trung Hoa), giỏi thuật số, mất uy tín văn học. Quách Tử Nghi: danh tướng (Đường, Trung Hoa) và Quách Ngỗi…

Các nhân vật trở thành điển tích có họ Quách khá nhiều, như Quách Phác, Quách Tử Nghi nêu trên (TĐHV., tập hạ, sđd., tr. 148). Tuy nhiên, theo văn cảnh, với ý tưởng cụ thể của câu thơ thứ ba này, đó là “chiêu hiền đãi sĩ”, thì “Quách” phù hợp với nhân vật Quách Ngỗi hơn.

Quách Ngỗi, người thời Chiến quốc (Trung Hoa), giữ chức tướng quốc. Vua Yên Chiêu Vương cầu hiền, hỏi kế Quách Ngỗi. Quách Ngỗi hóm hỉnh tâu bày kế “mãi cốt” (mua xương), đó là xương ngựa quý, với giá cao! Tin lạ lùng đó lan truyền, nhân gian sẽ hiểu người mua xương ngựa ấy rất chuộng ngựa quý (người tài). Trước mắt, xin vua cứ xem Quách Ngỗi như bộ xương ngựa ấy! Vua nghe theo, rất trọng đãi Quách Ngỗi. Quả nhiên, kẻ sĩ kéo nhau đến giúp rất đông. (Xem Bửu Kế, Từ điển từ ngữ tầm nguyên, sđd., tr. 513).

Như những cây bút văn học cổ khác, Nguyễn Văn Tường chỉ sử dụng cái lõi của điển tích: “chiêu hiền đãi sĩ”, mà gạt bỏ các chi tiết phụ thuộc, bởi sự so sánh nào cũng khập khiễng (dùng điển tích là một dạng của thủ pháp ẩn dụ – so sánh ngầm).
Xin ghi một cách khá chi tiết để rộng đường cảm thụ.

(4) Phái Hàn: người theo phái Hàn Dũ, Hàn Thuyên.

Mượn đũa (nói khiêm tốn), ở đây là sự viết giúp (“tá trứ”; “trợ” = “trứ”). Tác giả lấp láy trong cách dùng từ, rất tế nhị và khiêm cung, mặc dù với hàm “trứ tác”, chỉ là hàm “thư kí”, soạn thảo công văn, thư từ... (ĐNTL.CB., tập 32, tr. 61 - 63), vào năm 1870.

Lúc này tác giả bị giáng xuống hàm trước tác (trứ tác).

(5) Chức vụ tổng đốc có trách nhiệm và quyền hạn lãnh đạo từ hai đến ba tuần phủ (tỉnh trưởng, chủ tịch tỉnh); tuần phủ có tuyên phủ sứ giúp việc với chức năng tham mưu là chính. Ở đây, “tuần tuyên” là chỉ công việc ở các tỉnh (nói một cách khiêm tốn); theo mặt chữ ở nguyên tác: “tuần tuyên” có nghĩa là thay mặt vua, đi xem xét (tuần), giáo hóa dân (tuyên), [TĐTNTN., sđd., tr. 620; HVTĐ., sđd., tr. 266], hoặc chỉ tuyên truyền đầy đủ sắc dụ [TĐHV., sđd., tập hạ, tr. 314, 320].

(6) Trường Sa: có lẽ nhắc đến Vạn Lí Trường Sa (quần đảo Hoàng Sa), ở quê hương Quảng Ngãi của Nguyễn Bá Nghi (xem Đại Nam nhất thống chí, tập 2, Nxb. Thuận Hóa, 1992, tr. 450 - 454)? Hẳn tác giả nói đến ngày sắp về hưu, mở tiệc tẩy trần, gác kiếm, ở quê nhà...

Dải bờ biển Quảng Trị, Thừa Thiên còn gọi là Đại Trường Sa, Tiểu Trường Sa (ĐNNTC., tập 1, sđd., tr. 174). Nhà thơ nổi loạn Cao Bá Quát cũng từng qua những bãi cát trắng xóa ở Quảng Trị: “Trường Sa! Trường Sa!” (Sa hành đoản ca). Trường Sa (đất liền) trong thơ Đường (Trung Hoa) lại là nơi gần như chốn đày ải, cho dẫu được bổ nhiệm làm quan ở đấy. Đó còn là chốn khí hậu cực độc. Thơ Tư Không Thự có nhắc đến nơi này. Lưu Trường Khanh đã viết về Giả Nghị:

“Giả Nghị thướng thư ưu Hán thất
Trường Sa trích khứ cổ kim liên!”

Giả Nghị dâng thơ lo nghiệp Hán
Trường Sa thương mãi cảnh đi đày


NGUYỄN BÍCH NGÔ
dịch
(Xem "Thơ Đường", tập 1,
Nxb. Văn Học,
1987, tr. 176, 193).

7

“TẶNG LÚC LÊN ĐƯỜNG”

Họa thơ ông (1) Nguyễn Bá Nghi

Trực cảm phong thanh là trước tiên
Đâu do yêu ghét vốn hư truyền
Ngóng thân (2), ông Quách, ba biên: trọng
Hận muộn, phái Hàn, một thức (3): duyên
Mượn bút, mình e (4): không kế sách
Lỡ cơ, người chối: kịp tuần tuyên
Già rồi nên có gương lưu lại
Đêm trải Trường Sa ngỡ trước hiên.


(bản biên soạn)

(1) Dưới chế độ phong kiến, vấn đề tôn ti được đặt nặng, căn cứ vào hàm tước, không kể đến tuổi tác. Do đó, mặc dù đây là bản dịch thơ, chúng tôi vẫn để nguyên cách xưng hô của tác giả (“công” là ông, không phải là công tước). Ở vài bài thơ khác, mặc dù tác giả dùng chữ “trình” (sự tỏ bày của cấp dưới đối với cấp trên), nhưng căn cứ vào nội dung tình cảm thân thiết trong các bài thơ ấy, chỉ dịch là “bày tỏ”, để tránh tính chất khách sáo (như với Hoàng Tá Viêm...). Xin xem thêm về từ “đại nhân”, chú thích (2), bài 31.

(2) Chữ “phu” (xin xem bản chữ Hán): [sự] tin cậy được; ở đây tạm dịch: “thân...” (thân quen) để đối với chữ “muộn”.

(3) “Thức” để đối với “biên” (từ Hán – Việt). Có thể dịch:

Ngóng thân, ông Quách, ba biên: trọng
Hận muộn, phái Hàn, một biết: duyên.


(4) Có thể đối chéo:

Mượn bút, thẹn mình: không kế sách
Lỡ cơ, người chối: kịp tuần tuyên.




Bài 8

HỌA SƠN PHIÊN VÕ
TỰ ĐẠO NGUYÊN VẬN


Đông hoàng điểm xuyết ngọc thiên chu
Khách cửu phùng xuân tứ chuyển du
Tuyệt tái kham liên hồng mãn dã
Cố viên vị ổn hạc thê chu
Mã phi Kí Bắc đa hoài xiễn (sạn)
Kiếm bất Long Tuyền ngộ dược lư
Mạc bả nhất ngu khinh tống đoạn
Tô ông tằng nguyện tử tôn ngu.


TRẦN ĐẠI VINH
phiên âm

8

HỌA NGUYÊN VĂN BÀI TỰ NHỦ
CỦA BỐ CHÁNH SƠN TÂY HỌ VÕ

Chúa xuân điểm xuyết ngọc nghìn cây
Đất khách xuân về man mác thay
Ải vắng thương chim hồng đặc đất
Vườn xưa chưa ổn hạc đậu trai
Ngựa đâu Kí Bắc thương chuồng cũ
Kiếm chẳng Long Tuyền thổi bễ nay
Chẳng bẻ cái ngu đưa vứt hết
Đông Pha từng muốn cháu con ngây!


TRẦN ĐẠI VINH
dịch thơ

8

HỌA NGUYÊN VẬN BÀI “TỰ NHỦ”
CỦA BỐ CHÁNH SƠN TÂY HỌ VŨ (1)

Vị chúa thần ở phương đông (2) tô điểm [đất trời
bằng] ngọc [trên cỏ, quanh] ngàn gốc cây
Khách (3) đợi chờ, [chợt] gặp mùa xuân, tâm tình
trở nên bâng khuâng, lo nghĩ
Ải vắng (: ải hiểm trở) [người] đành thương chim hồng [đỗ] đầy
nơi hoang dã
Vườn xưa, chưa ổn [cho] hạc [trắng] đậu [trên bãi,
trên cành] ngọc trai (4)
Ngựa không phải là Kí Bắc (5), [được] khen
[là biết] nhớ chuồng (kho) [cũ]
Kiếm [bị] bác bỏ là Long Tuyền (6), [vì trót] lỡ
nhảy [vào] lò [lửa hiện nay]
[Sao] chẳng nắm lấy [một] cái ngu giống nhau,
khinh bỉ [mà] quẳng gãy hẳn đi (7)?
Ông Tô (8) từng nguyện cháu con ngu dốt [bởi hiểu
biết nhiều chỉ chuốc lấy sự khổ tâm] (9)!

(1) Vũ Khoa (có nơi phiên âm thành Võ Khoa), (ĐNTL.CB., tập 31, sđd., tr. 346).

(2) Đông hoàng, là chúa xuân (dịch sát nghĩa như trên).

(3) Khách, đại từ chỉ người (chính khách, thi khách...). Đây chỉ người lính thú biên ải, hay chính là tác giả (tán lí quân vụ...).

(4) Chim hạc đậu giữa vườn ngọc trai. Châu: ngọc trai, hạt trai (TĐHV., sđd., tập thượng, tr. 156). Ngọc ở con sò trai dưới biển, do vết thương bởi cát có cạnh sắc cứa vào, tự lành mà thành (= nỗi đau, với sự nung nấu, trở thành tài năng, phẩm tiết cùng các thành quả làm đẹp cho đời). Hạc là loài chim biểu trưng cho sự cao khiết. Nỗi đau của chim hạc đậu giữa vườn cây trở thành muôn ngàn hạt ngọc trai (sương) là cách nói ghép hai ẩn dụ.

(5) Kí Bắc: một loại ngựa nổi tiếng mến chủ.

(6) Long Tuyền: một loại gươm quý báu.

(7) Nguyên văn: “nhất ngu” (cái ngu dốt như nhau, cái cùng ngu dốt). Ý nói: cái ngu về kiếm thuật, binh pháp, cái ngu trong quyền lực chỉ huy (biểu trưng bằng thanh gươm) của tướng sĩ. Mặc dù tự đay nghiến với nỗi đau đời, Nguyễn Văn Tường vẫn cố giữ tinh thần trách nhiệm, khuyên bạn đừng buông thả, tung hê tất thảy.

(8) Tô Đông Pha (Tô Thức, 1037 - 1101), thi sĩ Trung Hoa đời Tống. Ông đỗ tiến sĩ. Lúc làm quan dưới thời Tống Anh Tông, nghị luận có nhiều điều xúc phạm đến tể tướng Vương An Thạch, bị Vương đổi ra Hàng Châu. Đến đời vua Triệt Tông, ông được gọi về; làm quan lên đến chức thượng thư Bộ Binh (TĐTNTN., sđd., tr.608).

(9) Một cách nói cay đắng nhất thời của tác giả.

8

“TỰ NHỦ”

Họa thơ Vũ Khoa (Võ Khoa)

Phương đông điểm xuyết ngọc ngàn cây
Lính đợi gặp xuân man mác thay
Ải vắng, đành thương chim khắp đất
Vườn xưa, chưa ổn hạc sà trai (1)
Ngựa đâu Kí Bắc, thương chuồng cũ
Kiếm chẳng Long Tuyền, nhảy lửa cay!
Đừng nắm cái ngu, khinh, ném gãy
Ông Tô từng nguyện cháu con ngây!


(bản biên soạn)

(1) Tạm dịch:

Kim cương đông điểm óng ngàn cây
Lính đợi gặp xuân man mác thay
Ải vắng, thương cò soi ruộng cỏ
Vườn xưa, đau hạc nhả châu trai.



Bài 9

TÔ NGHỊCH PHẢN QUA
PHỤC VÃNG LẠNG


Mã quá xương giang duyệt kỉ tao
Hành nhân chu tử mỗi tương trào
Chiêu chiêu bất giải phong sương cấp
Bộc bộc ninh vi đạo lộ lao
Thảo thụ kinh thu nhưng điểm thúy
Kiêu si thất cước dục mưu sào
Cửu trùng niệm chú biên cương sự
Chuyên khổn hà nhân ác báo thao.


TRẦN ĐẠI VINH
phiên âm

9

GIẶC TÔ TỨ TRỞ GIÁO
LẠI KÉO TỚI LẠNG SƠN

Ngựa trải Xương Giang đã mấy tao
Đi thuyền đi bộ cũng cười nhau
Mọc mời chẳng quản phong sương gắt
Lăn lóc thà cam đường sá lao
Cây cỏ qua thu còn điểm biếc
Cú diều mất chỗ muốn gây sào
Chín tầng trăn trở yên bờ cõi
Chuyên trách nào ai rõ giặc nào.


TRẦN ĐẠI VINH
dịch thơ

9

GIẶC TÔ (1) TRỞ GIÁO,
LẠI KÉO ĐẾN LẠNG SƠN

Ngựa vượt [qua sông] Xương Giang (2), [việc ấy đã]
trải qua bao nhiêu lần
Tên đi bộ, đứa đi thuyền chỉ [biết] cười nhạo nhau (3)
[Nhiều bận] (4) tự chuốc lấy, không thoát khỏi gió
sương [thổi lùa] gay gắt
[Lắm lần] bị sai bảo (: làm đầy tớ [cho Pháp]), cam
[đem thân] làm đường sá khổ nhọc sao (5)?
Cây cỏ qua tiết thu vẫn tô điểm sắc xanh
[Cái] xấc láo không chịu phục tùng, ngu cuồng
[đã] mất chỗ ở trên núi, [còn] mưu tính
[tạo] sào huyệt (hang ổ)
Chín tầng (ngai vua) chú tâm, suy nghiệm việc biên giới
Người nào chuyên trách [việc thu nhận, xét đoán]
các thông tin [mà để] bọn [cọp] beo
hung ác lờn mặt, thao túng [thế này]!

(1) Tô Tứ: một đầu sỏ giặc Cờ (ĐNTL.CB., tập 32, sđd., tr. 39, 61 - 63).

(2) Xương Giang: một con sông thuộc tỉnh Bắc Ninh (ĐNNTC., tập 4, sđd., tr.86).

(3) Đúng như đầu đề, đây là bài thơ tác giả miêu tả: bọn giặc Cờ (bộ phận do Tô Tứ cầm đầu) lại trở giáo, từ Bắc Ninh vượt Xương Giang để lên Lạng Sơn gây sào huyệt. Nguyễn Văn Tường lúc này là tán tương quân vụ đạo quân đóng ở Lạng Sơn. Hẳn ông đang đứng ở một ngọn vọng sơn (núi quan sát) nào đấy, theo dõi bọn giặc Tô Tứ đang chuyển quân... “Nhân”, “tử” được dịch bằng từ có biểu cảm rõ, là “đứa”, để rõ chữ “nghịch” ở đầu đề và các chữ ở các câu kế tiếp (“kiêu si”, “ác báo”...).

(4) Nguyên văn, tác giả dùng điệp từ “chiêu, chiêu”, “bộc, bộc”, ngụ ý sự lặp đi lặp lại lắm lần.

(5) Nguyên văn có chữ “ninh” (thà [là]; sao ?). Đây là một câu hỏi. Hẳn tác giả nêu thầm câu hỏi đối với những người dân bị chúng bức hiếp hoặc cho chính chúng – bọn giặc Cờ – cam làm tôi tớ cho Charles Duval, Jean Dupuis, Puginier, cam làm kẻ lót đường cho thực dân Pháp, trong việc câu kết với tên tay sai của chúng là Pierre Tạ Văn Phụng (ĐNTL.CB., tập 30, sđd., tr. 284; tập 29, sđd., tr. 263).

9

GIẶC TÔ TỨ TRỞ GIÁO,
LẠI KÉO ĐẾN LẠNG SƠN

Ngựa vượt Xương Giang, trải mấy tao?
Kẻ thuyền đứa bộ cũng cười nhau
Chuốc mua, đâu thoát sương tê gắt
Đày đoạ, thà lót đường khổ lao?
Cây cỏ qua thu dồn điểm biếc
Cáo diều mất huyệt muốn gây sào
Chín tầng suy nghiệm niềm bờ cõi
Chuyên trách là ai? Beo lộng sao!


(bản biên soạn)



Bài 10

KÍ CÚC VIÊN TRƯƠNG CÔNG TỬ

Khách cửu phương tri khứ lộ xa
Nhung trường huống phục dị sa đà
Phong sương tranh nại tam biên tỏa
Kinh cức thiên hiềm sổ tuế đa
Bột Hải hà thời năng mại kiếm
Vũ Thành trùng bất đáo văn ca
Kịch liên cộng địa vô giai trạng
Mạc thác phùng thu luyến cúc hoa.


TRẦN ĐẠI VINH
phiên âm

10

GỞI CÔNG TỬ TRƯƠNG CÚC VIÊN

Đất khách ở lâu đường đến xa
Lại thêm chiến trận dễ sa đà
Gió sương giành giật biên cương khóa
Gai góc hiềm thêm tuế nguyệt qua
Nào thuở bán gươm bờ Bột Hải
Chẳng còn nghe khúc Vũ Thành ca
Quá thương đất giáp không nơi đẹp
Thu đến đừng vin luyến cúc hoa.


TRẦN ĐẠI VINH
dịch thơ


10

GỬI CÔNG TỬ TRƯƠNG CÚC VIÊN (1)

Người chiến binh (2) [đóng quân] lâu [ngày] mới
[thấm] hiểu nỗi trông ngóng đường đến [thăm]
Huống nữa chiến trường lại lần nữa dễ sa đà
(vấp ngã, lan rộng, kéo dài không dứt được!)
Gió sương sao xô giạt, tranh giật nhau, [cho] ba
biên giới [của ba tỉnh] khóa [chặt]?
Gai góc lệch về sự không vừa ý, [vẫn] nhiều năm
ngợi khen!
[Như] Bột Hải (3), thời điểm nào [người ta] có thể
bán [quách] gươm đao [đi]?
[Nếu] Vũ Thành (4), lần này lần khác đều giống
nhau là không đến [để] nghe khúc hát
[bi lụy ở đấy]
Xót thương mạnh (: mãnh liệt): đất chung
[ở nơi giáp ranh biên giới hai nước]
không có hình dáng (cảnh) đẹp
Đừng mượn [cớ (:vịn cớ)]: gặp gỡ mùa thu [nên]
thương mến không nỡ rời bỏ hoa cúc!

(1) Trương Quang Đản (con của quận công Trương Đăng Quế), (ĐNTL.CB., tập 32, sđd., tr. 142).

(2) Nguyên văn: “khách” [xem chú thích (3) ở bài “Họa nguyên vần bài “Tự nhủ” của Bố chánh Sơn Tây họ Vũ”, bài số 8].

(3) Bột Hải (biển Bột [Hải]): cảnh giới thần thoại, nơi có đảo Bồng (TĐHV., sđd., tập thượng, tr. 75).

(4) Vũ Thành, chưa rõ ở đâu. Có lẽ là thành phố Vũ Hán ở Trung Quốc ngày nay. Cũng có thể là thành lũy Vũ Huyệt, nơi nhà thơ Lí Bạch đã từng ở. Lí Bạch đã từng chôn cất bạn bên hồ Động Đình, rồi lại bốc mộ về táng tại Võ Xương (Vũ Xương).

10

GỬI CÔNG TỬ TRƯƠNG CÚC VIÊN

Thấm nỗi ngóng lâu, nẻo đến xa
Chiến trường huống nữa dễ sa đà (1)
Gió sương cố giật, ba đồn khóa?
Gai góc lệch hiềm, nhiều Tết ca!
Bột Hải, đâu thời gươm bán quách?
Vũ Thành, không điệp, nhạc nghe qua! (2)
Quặn thương đất giáp không miền đẹp
Thu đến, đừng vin: mến cúc hoa.


(bản biên soạn)

(1) Thành ngữ dân gian: “sa đà sa (say) máu”.

(2) Tạm dịch:
Bột Hải, mong chăng quăng huyết kiếm?
Vũ Thành, khỏi lặp nghe thương ca!


Tạm hiểu: Vũ Thành là biểu tượng về một nơi chốn phải chịu đựng nỗi đau chiến tranh (“khóc bạn”, chẳng hạn), nhưng chỉ chịu đựng, với nỗi niềm âm nhạc bi lụy, bạc nhược, rên rỉ, không biết dập tắt chiến tranh một cách hùng tráng, nhân bản, tích cực, sáng suốt và nhân hậu.

Dịch sát:

Bột Hải, thời nào cho bán [thanh] kiếm?
Võ Thành trùng chẳng đến nghe [bài] ca!


hoặc: với “[cái] thời” và “[sự] điệp”:

Bột Hải thời nào cho bán kiếm?
Vũ Thành điệp chẳng đến nghe ca
!


Bài 11

HỌA AN DŨNG HUYỆN DOÃN BÙI
NGUYÊN VẬN


Cuồng phân vũ báo bắc sơn biên
Phục việt nhân xưng Triệu Lí hiền
Bất sủy dung tài thao dữ tá
Cố linh nan bộ thất phù điên
Hà dương đới lệ tồn lao tích
Vô phụ giang sơn cửu thiệp duyên
Phương lược khả ư hình thế định
Thâm tâm nan đắc hoạch lai tiền.


TRẦN ĐẠI VINH
phiên âm

11

HỌA NGUYÊN VẦN THƠ CỦA
TRI HUYỆN AN DŨNG HỌ BÙI

Gió lùa dữ từ bắc sơn biên
Giấu búa đời khen Triệu Lí hiền
Chẳng liệu gỗ thường khôn chống đỡ
Cho nên khốn bước, lỡ phò nghiêng
Bao giờ sông núi ghi công trạng
Chẳng phụ non sông mấy nỗi niềm
Phương lược còn ra hình thế đặt
Trong lòng khó hoạch định ngay liền.


TRẦN ĐẠI VINH
dịch thơ

11

HỌA NGUYÊN VẦN THƠ CỦA
TRI HUYỆN YÊN DŨNG (1) HỌ BÙI (2)

Sương mù cuồng điên [thổi] tờ truyền tin có gắn
lông chim (3) [đến] núi biên giới [phía] bắc
Giấu cây búa hình phạt (4), người [đời] gọi Triệu, Lí (5)
[là những người] hiền [tài]
Không đo lường [loại] gỗ tầm thường (: tài xoàng)
[vốn] tham lạm giao hảo với [các] tướng
ngoại bang (hoặc tả tướng bên vua,
hoặc bọn tả đạo) (6)
Nên khiến [cho] khốn bước, [trót] sai lầm phò giúp
đỉnh cao nghiêng (7)
Bao giờ xứng đáng [cho dù] “non mài sông dải” (8) vẫn
còn [ghi nhận, bảo tồn các] công lao, chiến tích
Đừng phụ bạc núi sông [đã] nén chịu (chịu đựng)
[bao nhiêu] việc liên lạc (giao dịch)
[phải] trải qua (9)
Phương cách, sách lược có thể tùy theo địa hình,
tình thế [mà] định ra
Tâm trí sâu xa khó [bề] vạch [ra] được [từ] trước
[cho đến mãi] về sau (một cách cố định,
bất chấp sự chuyển biến của thời và thế).

(1) An (?) Dũng (tên huyện); ĐNNTC., tập 4, sđd., tr. 66 - 67, phiên âm là Yên Dũng, thuộc Bắc Ninh.

(2) Chưa rõ vị tri huyện họ Bùi này là ai.

(3) “Vũ báo”: tờ truyền tin có gắn lông vũ, biểu tượng cho việc thông tin khẩn cấp. Xem từ “vũ hịch”, TĐHV., sđd., tập hạ, tr. 566.

(4) “Phục việt”: giấu búa. Búa là vật biểu trưng cho uy quyền thi hành hình án (xem từ “phủ việt”, TĐHV., sđd., tập hạ, tr. 136). Dịch là “giấu uy”?

(5) Có lẽ là Triệu Thị Trinh (Bà Triệu, mất năm 248, lúc mới 23t) và Lí Nam Đế (tức Lí Bôn, khởi nghĩa chống nhà Lương, Trung Hoa đô hộ, vào năm 544 - 548). Hay Triệu là Triệu Quang Phục (Triệu Việt Vương, từng giúp Lý Nam Đế, sau đó tiếp tục khởi nghĩa chống ách đô hộ Trung Hoa từ 549 - 571)?

(6) Tá = tả. Lúc này tác giả đang lãnh nhận nhiệm vụ thương thuyết với các tướng nhà Thanh (ĐNTL.CB., tập 31, tr. 357, 371; tập 32, tr. 11, 30, 69 - 72).

(7) Chỉ các tướng ở mặt trận biên giới phía bắc.

(8) Lệ Sơn đái Hà (núi Thái Sơn chỉ còn nhỏ như viên đá mài, sông Hoàng Hà bé lại như đai áo); hoặc: đái (đới) lệ Sơn Hà, cũng với nghĩa như trên. “Núi mài sông dải” là thành ngữ từ điển tích này.

Đó là lời thề của Hán Cao Tổ với nghĩa bóng: cho dù Trung Hoa có sự thay đổi lớn lao nào (như dâu bể) thì con cháu chư hầu vẫn muôn đời trường cửu. Lời thề ấy Hán Cao Tổ (Lưu Bang) thề trước các người được phong hầu kiến ấp (chư hầu thời phong kiến) [xem Bửu Kế, Từ điển từ ngữ tầm nguyên, Nxb. Trẻ, 2000, tr. 177 và tr. 372].

(9) Nỗi khổ tâm của Nguyễn Văn Tường khi nhận lãnh nhiệm vụ thương thuyết với các tướng nhà Thanh (bấy giờ, trong nhân dân có lắm người nghi ngại, phẫn nộ về việc quân nước Thanh lần này kéo sang nước ta, do ám ảnh về quân nhà Minh, nhà Thanh trước đó...). Xin xem tiếp các bài thơ khác của tác giả, ghi nhận về việc thương thuyết này: bài 12 và bài 26.

11

HỌA NGUYÊN VẦN THƠ CỦA
TRI HUYỆN YÊN DŨNG HỌ BÙI

Sương cuồng, tin khẩn, Bắc đồn biên
Giấu búa, đời khen Triệu, Lí hiền
Chẳng liệu gỗ thường tham chạm “tả” (1)
Nên sai chân khốn trót phù “nghiêng”
Xứng cùng đai đá (2), còn công trạng
Chẳng phụ non sông phải ngoại liên
Phương lược còn tùy hình thế đặt
Trước sau khó vạch giữa lòng riêng.


(bản biên soạn)

(1) Xem chú thích (6), bản dịch nghĩa bài thơ này.

Ở đây tạm dùng hai chữ “chạm “tả””. Trong tiếng Việt có các từ ghép: chạm mặt, chạm lời, chạm ngõ, chạm súng, chạm khắc... “Gỗ” ở đây là tài năng của phái viên thương thuyết, có thể “chạm” với các nghĩa trên. Nguyễn Văn Tường đã “chạm khắc” lẫn “chạm súng...” trong thơ, tấu sớ, công văn giao thiệp... với một tài năng lớn đích thực.

(2) Xem chú thích (8), bản dịch nghĩa bài thơ này.

Xin dịch thoát cho để ý thơ của tác giả dễ cảm thụ:

“Cạn sông mòn núi còn công giúp
Lo nước thương dân chịu “ngoại” phiền”


“Ngoại” (trong dấu nháy nháy với ý phản cảm (*)): quân nhà Thanh giúp ta tiễu phỉ nhưng cũng gây nhiễu nhương cho nhân dân.


Cước chú của bài thơ số 11, thuộc Phần thứ III (Thi tập Nguyễn Văn Tường):

(*) Ở các trường hợp như thế này, dấu ngoặc kép thường đọc là dấu nháy nháy, khác với các trường hợp khác vẫn đọc là ngoặc kép một cách bình thường, với ý nghĩa đúng quy tắc. Xin vui lòng lưu ý: trong cuốn sách này chỉ có một vài trường hợp là dùng dấu nháy nháy với ý phản cảm (sắc thái phản cảm đó chủ yếu do ngữ cảnh cụ thể quy định).



Bài 12

HỌA THANH QUỐC THÁI BÌNH PHỦ
TỪ DIÊN HÚC NGUYÊN VẬN


Viêm giao nhật úc trục minh diên
Cận bách chu tinh kháp hảo thiên
Xuất hiệp biên ngung thành hổ huyệt
Huyền thao nhung trướng khởi long niên
Tứ thành sô túc lao phi vãn
Tam tải nham khê phí thiệp duyên
Tráng du cụ tại quy nguyên lão
Trùng đáo nan lưu Hán thú hiền.


TRẦN ĐẠI VINH
phiên âm

12

HỌA NGUYÊN VẦN
THƠ CỦA TRI PHỦ THÁI BÌNH NƯỚC
THANH TỪ DIÊN HÚC

Trời nóng nước Nam giục quạ gào
Gần trăm năm mới đẹp trời cao
Biên cương sổ cũi thành vùng máu
Võ trướng treo mưu, mở Tết đào
Cỏ lúa bốn thành sờn huyệt mộ
Ba năm khe suối phí công lao
Mưu hay còn đó, về nguyên lão
Đến nữa khôn lưu “hảo hớn” nào!


TRẦN ĐẠI VINH
dịch thơ

12

HỌA NGUYÊN VẦN THƠ CỦA TRI PHỦ
THÁI BÌNH NƯỚC THANH TỪ DIÊN HÚC (1)

Ruộng đồng (ngoại thành) nồng nực, đầm phá ngập
nắng, [lũ] diều hâu [ăn xác người]
liên tục gào réo
Gần trăm vòng quay [của các] ngôi sao,
hành tinh (2), chim muông hót gọi
(: chúng ta xứng hợp dưới) vòm trời tốt lành
Xảy ra sự lờn mặt, góc biên cương thành hang cọp
Treo cao (giấu kín) phương sách chiến đấu, [nơi]
màn trướng quân đội (nơi tướng sĩ
bàn mưu tính kế), khởi động năm rồng
Bốn thành lũy, cỏ khô [và] thóc gạo, [nhân dân]
mệt khàn [với] sự thăm viếng tang chế
gấp gáp (chôn cất vội vàng)
Ba năm, hang núi, khe non, hao tổn [bởi các cuộc]
giao dịch [phải] lặn lội, leo trèo
Mưu lược mạnh mẽ [như trai trẻ] bày biện đủ đầy [mãi] còn đó;
[khi] về [nước sẽ được trọng vọng như] nguyên lão (vị quan lão thành có ngôi cao)
[Nếu] lại đến, [nước Nam] khó [lòng] lưu giữ [cho dù là]
người hiền tài có đức liêm khiết “Hán tộc” (3).

(1) Từ Diên Húc còn là tác giả “An Nam thực lục”, cuốn sách ghi chép, nghiên cứu về Việt Nam (ĐNTL.CB., tập 32, 101 - 102; tập 35, tr. 194...; NĐNĐDVP. & TH., tr. 140 - 141).]

(2) Có lẽ tính từ năm Quang Trung đánh bại quân Thanh (1789). Hẳn tác giả vừa giao thiệp vừa ngầm nhắc lại mốc lịch sử đó? Hoặc giả, nhắc đến mối quan hệ giữa Nguyễn Ánh và Thanh triều?

(3) Đây là một việc khá tế nhị trong ngoại giao, chính trị bởi mâu thuẫn giữa Thái Bình Thiên Quốc (tàn dư, biến tướng là bọn giặc Cờ quấy phá nước ta) với nhà Thanh còn là mâu thuẫn dân tộc (Hán tộc, Mãn tộc). Câu này còn ngầm lời cảnh cáo... Xin xem thêm chú thích (1), bản dịch nghĩa, bài số 26.

12

HỌA NGUYÊN VẦN THƠ CỦA
TRI PHỦ THÁI BÌNH NƯỚC THANH
TỪ DIÊN HÚC

Diều cú réo hoài xứ nắng hồng
Trăm năm chim hót đẹp trời Đông
Góc biên, lờn mặt, thành hang cọp!
Doanh tướng, giấu mưu, mở dịp rồng
Thóc cỏ, bốn thành, than khàn đám
Suối hang, ba Tết, lội tổn công
Ở nên hùng kế, về nguyên lão
Lại đến, khó lưu tài “Hán” ông!


(bản biên soạn)


_______________________

Ghi chú:

Tiếp theo phần 1
(từ tr. 1 đến tr. 209 [số trang bản in vi tính]):
Phần 2
(từ tr. 210 đến tr. 483)

Web. Tác phẩm Trần Xuân An --
www.tranxuanan-writer-6
tr. 209 – 260
tr. 261 – 310
tr. 311 – 361
tr. 362 – 410
tr. 411 – 483

04-11 HB6

Không có nhận xét nào: