Chủ Nhật, tháng 11 05, 2006

10. NGUYEN VAN TUONG (1824 - 1886) -- THO -- VAI NET VE CON NGUOI, TAM HON & TU TUONG / Tệp 10

Chùm thơ hai bài 40. 41

HỌA BÌNH LÂM TÚ TÀI ĐẶNG
VỊNH VẬT NHỊ THỦ NGUYÊN VẬN:
MIẾU TRUNG NGỌA MỘC
NGUYÊN VẬN


40: BÀI A

Liên bão tằng khoa bách xích trường
Kỉ kinh tịch thảo ngọa trung đường
Vị thành bất khả đồng chi hủ
Nhất khởi kình thiên tác đống lương.


NGUYỄN TÔN NHAN
phiên âm và dịch nghĩa

40. 41

HỌA THƠ TÚ TÀI [Ở] BÌNH LÂM (1) [HỌ]
ĐẶNG (2), HAI BÀI VỊNH VẬT, NGUYÊN
VẦN: “CÂY NẰM TRONG LƯƠNG MIẾU” (3)
NGUYÊN VẦN

40: BÀI A

Cùng ấp ủ [hoài bão], từng [tự] khen ngợi (khoe) dài trăm thước (4)
Bao nhiêu [lần] trải qua [việc phải] đạp xéo (5) lên cỏ, nằm giữa bờ đê (6)
Chưa thành [việc], [lại] không tốt (bền), [thì] đồng cũng mục nát
[Quyết] một [lòng] vươn lên trời, làm rường cột.

(1), (2), (3) Xin xem các chú thích ở bản dịch nghĩa bài số 42.

(4) Thước ta: 40 cm.

(5) Chữ “tạ” bao gồm nghĩa của chữ “tịch”. “Tạ” còn có nghĩa là “mượn, nhờ” (“tạ” chỉ khác với “tịch” là một chữ có bộ trúc, một chữ có bộ thảo). Có lẽ “cây nằm trong lương miếu” thuở hàn vi này cũng sống nhờ cỏ, còn chuyện “rường cột” của Triều đình, nước nhà vẫn đang là chí nguyện... (tất nhiên, Triều đình phải tốt đẹp, xứng đáng là biểu tượng của nước nhà)? [Xem HVTĐ., sđd., tr. 569 và tr. 466].

(6) Chữ “đường” ở bài này còn có nghĩa là cái ao (ở Bắc Bộ). Loại gỗ tốt nào đó, có thể chịu được sự ngâm nước, ngâm bùn, người ta thường ngâm như vậy để tăng khả năng chống mối mọt, loại trừ hết các lớp vỏ dác, chỉ còn phần lõi ròng (bền hơn cả đồng, sắt), trước khi làm nhà.

40. 41

HỌA THƠ TÚ TÀI HỌ ĐẶNG Ở BÌNH LÂM HAI BÀI VỊNH VẬT NGUYÊN VẦN:
CÂY NẰM TRONG LƯƠNG MIẾU,
NGUYÊN VẦN

40: BÀI A

Cùng ước, từng khoe trăm thước suôn
Bao lần vùi cỏ, nằm đê sương
Chưa thành, không tốt, đồng còn nát
Một dậy, chống trời, làm cột, vươn!


TRẦN XUÂN AN
chuyển lại thơ


Chùm thơ hai bài 40. 41

MIẾU TRUNG NGỌA MỘC


41: BÀI B

Bất tịnh quần tài giảo thốn trường
Chung phong na đắc phạ đồi đường
Cán trinh biệt hữu hiên ngang xứ
Khẳng tác nhân gia tiểu giác (1) lương.


VŨ ĐỨC SAO BIỂN
phiên âm
(và dịch thơ ở bài giới thiệu).

(1) TĐHV., sđd., tập thượng, tr. 195, phiên âm là “dác”.

40. 41

“CÂY NẰM TRONG LƯƠNG MIẾU”

41: BÀI B

Chẳng ganh đua [với] các loại gỗ [khác], so đo [tøừng li] tấc (1) [chiều] dài
[Xem như] chấm dứt hết [các] gió [bão] làm sao được, [sao lại] sợ mục nát (sợ sụt lỡ đê điều)
Gốc (rễ) [trung] trinh (2), có riêng cõi hiên ngang [để đứng vững]
Dựng chắc chắn [cho] người (3) Ngôi Nhà (3), [có] cây rui, cây xà nhỏ [đây]!

(1) Tấc của thước ta (còn gọi là thước mộc): 4 cm.

(2) Trinh mộc: loại gỗ vững cứng.

(3) Xin lưu ý đầu đề. Từ đầu đề, người đọc hiểu hai chữ Ngôi Nhà phải được viết hoa (theo quy tắc chung, chỉ viết hoa chữ “Ngôi”). Ngôi Nhà ở đây là Triều đình (lương miếu, miếu đường, Trung ương của Nhà nước quân chủ tập quyền). Trong ý hệ phong kiến, Triều đình là biểu tượng Đất nước.

40. 41

“CÂY NẰM TRONG LƯƠNG MIẾU”

41: BÀI B

Họa thơ tú tài họ Đặng ở Bình Lâm

Li tấc chẳng so, chuyện ghét tài
Làm sao hết gió? Sợ hư cây?
Có riêng gốc vững, hiên ngang cõi
Dựng chắc Ngôi Nhà, xà nhỏ đây!


(bản biên soạn)




Chùm thơ hai bài 42. 43

HỌA BÌNH LÂM TÚ TÀI ĐẶNG
VỊNH VẬT NHỊ THỦ NGUYÊN VẬN:
TÙNG THỤ NGUYÊN VẬN


42: BÀI A

Khẳng khoa chất mĩ lăng phàm thổ
Đặc thị tài cao ấm dị cầm
Trực đãi miếu đường tư thái khứ
Đống lương song ỷ ngũ vân thâm.


NGUYỄN TÔN NHAN
phiên âm và dịch nghĩa

42. 43

HỌA THƠ TÚ TÀI [HỌ] ĐẶNG [Ở] BÌNH LÂM (2) HAI BÀI VỊNH VẬT, NGUYÊN VẦN:
“CÂY TÙNG” NGUYÊN VẦN

42: BÀI A

[Quyết] khoe cho được cái đẹp [của] phẩm chất, vượt lên [mặt] đất phàm tục (tầm thường)
Riêng một mình cậy mình cao cường [về] tài năng, che
chở đặc biệt [cho] chim chóc ([hay] che chở [cho] loài chim [quý hiếm] khác thường)
Ứng xử ngay thẳng, Triều đình siêng năng chọn lựa [những cây tốt, cần thiết và] loại bỏ đi [những cây xấu chưa cần] (3)
Rường cột (cột nhất và xà nhà), [hai cái ấy] dựa vào năm [loại] mây trời (3) sâu thẳm.

(1) Cũng như “Miếu trung ngọa mộc” (Cây nằm trong miếu [: miếu đường = Triều đình]), với đầu đề “Tùng thụ” (Cây tùng), trên trang giấy viết chữ Hán nguyên tác, bài A (tức bài 42) này được viết chữ nhỏ hơn. Có thể Nguyễn Văn Tường đã họa hai bài (cả hai, bài 42 và 43 đều là của ông). Cũng có thể của ông một bài chữ lớn (bài 43), còn bài chữ nhỏ (bài 42) này, là của tú tài họ Đặng (chưa rõ là ai). Xin xem bị chú cuối phần chú thích.

(2) Có thể là Bình Lâm thuộc huyện Kim Anh, Bắc Ninh (Bằng Lâm? ĐNNTC., tập 4, sđd., tr. 99).

(3) Mây ngũ sắc là mây lành, theo điển Trịnh Nhân Biểu hoặc Hán Cao Tổ (Lưu Bang) thời hàn vi (TĐTNTN., sđd., tr. 427). Mây năm màu còn có nghĩa khác: kim, mộc, thủy, hỏa, thổ. Đó là năm yếu tố vật chất khởi nguyên, xuất phát từ cái rỗng không, mờ mịt được gọi là Đạo. [Đạo sinh ra âm dương, ngũ hành...; Đạo chỉ là tinh vân (có thể hiểu rõ là mây bụi); âm dương, vừa rất khái quát, trừu tượng, vừa rất cụ thể, thấy được, cầm được]. Ngũ sắc vân cũng có thể hiểu là năm tầng mây, trong hệ thống mà nhà vua (thiên tử) là cửu trùng (chín tầng). Ý thứ hai này cũng chỉ là “có thể”, không dám khẳng định một cách thô thiển, dung tục như vậy.

Ngay ở câu thứ ba, cũng có thể dịch khác đi, trong tính chỉnh thể của tứ thơ, liền mạch trong văn cảnh:

“Ứng xử ngay thẳng [với] triều đình /
[tự] cần mẫn chọn lựa [và] loại bỏ [những gì tốt,
chưa tốt, cần hoặc chưa cần]”.

Nếu chấp nhận câu dịch này, thì không có vấn đề dựa vào tầng mây thứ năm (quan lại, cỡ tam phẩm), mà chỉ dựa vào Trời Đất, khí thiêng sông núi, theo quan điểm nhà nho Việt Nam (tam giáo khúc xạ trong bản lĩnh Việt).

Và có lẽ như thế là cảm nhận được tứ thơ của tác giả (?) (*).



42. 43

HỌA THƠ TÚ TÀI HỌ ĐẶNG Ở BÌNH
LÂM, HAI BÀI VỊNH VẬT, NGUYÊN VẦN:
CÂY TÙNG NGUYÊN VẦN

42: BÀI A

Quyết khoe đẹp chất, miền phàm, vượt
Riêng cậy cao tài, chim lạ nương
Xử thẳng, triều đình chăm chọn lọc
Mây sâu ngũ sắc, cột liền rường.


TRẦN XUÂN AN
chuyển lại thơ


Cước chú của chùm thơ bài số 42, 43, bài A (42), thuộc Phần thứ III (Thi tập Nguyễn Văn Tường):

(*) Bị chú: bổ sung chú thích (1):

a) Có thể bài 40, bài 42 cũng của tác giả Nguyễn Văn Tường. Nguyễn Văn Tường viết hai bài này như hai phản đề mở đầu, để hai bài 41, 43 làm kết đề. Bởi là phản đề, nên tác giả viết chữ nhỏ, trình bày khác đi, như kiểu tự đề từ (dạng phản đề) hiện nay. Nếu quả thực như vậy, thì bài 40, bài 42 không thể đứng riêng rẽ, phản ánh quan niệm sống của Nguyễn Văn Tường. Quan niệm sống của ông là ở hai bài 41, 43. Phản – kết đề (căn cứ vào nội dung) là kết cấu tự đối thoại.

b) Không dám nghĩ hai bài 40, 42 là của tú tài họ Đặng. Cả hai bài tạm gọi là đề từ kiểu phản đề này hơi tự thị, tự đắc... cho dù là thơ khẩu khí.

c) Yoshiharu Tsuboi, trong cuốn sách của ông, NĐNĐDVP. & TH., đã phân tích sâu sắc về tư cách, uy tín và đặc biệt là chí nguyện, tư tưởng của giới nhân sĩ mà “trung tâm của giới nhân sĩ là nhóm tú tài, một vị trí không rõ rệt giữa quan và dân [...] họ hoàn toàn thuộc giới giỏi của tỉnh” (sđd., tr. 227). Y. Tsuboi đã trích dẫn E. Louvet (Louis - Eugène), “Cuộc đời của giám mục Puginier”, Hà Nội, 1894, tr. 387 với câu nói của Puginier: “Về các nhân sĩ, tôi không sợ mà khẳng định rằng họ sẽ luôn là kẻ thù của nước Pháp, với tính cách tập thể cũng như cá nhân. Phe chiến đấu cực đoan biết rõ họ và hiện nay (1886 – nbs.) còn dùng họ làm tay sai” (NĐNĐDVP. & TH., sđd., tr. 228).

Đấy là sự nhìn nhận đúng, ít ra là ở khía cạnh này, của Puginier, và được y phát biểu theo giọng lưỡi của một tên trùm gián điệp thực dân đội lốt giám mục Thiên Chúa giáo.

Người chú thích tập thơ Nguyễn Văn Tường chợt liên tưởng đến tú tài Đặng Như Mai (học trò của tú tài Trần Tấn) ở Nghệ An, lãnh tụ phong trào Văn thân ở đấy. Xin xem chú thích (4), bản dịch nghĩa bài thơ số 47; xem thêm NĐNĐDVPVTH., sđd., tr. 239 - 245, 283 - 287; ĐNTL.CB., tập 31, sđd., tr. 213; đặc biệt là ở tập 33, tr. 10 - 11: lệnh của vua Tự Đức về việc trấn áp phong trào Văn thân Nghệ – Tĩnh.

Tất nhiên, chỉ là liên tưởng! Chúng tôi chưa xác minh được Bình Lâm (hay Bằng Lâm) là nơi nào. Nếu là Bằng Lâm ở huyện Kim Anh, Bắc Ninh, thì biết đâu Đặng Như Mai đã có lần trốn tránh sự truy bắt của Triều đình, chạy ra ẩn thân ở đấy? Và chữ “trượng”, ở bài số 44, là để chỉ Trần Tấn? Hoặc giả, ông tú tài họ Đặng ở Bình Lâm này cũng là một dạng với tâm nguyện, tư tưởng như của nghĩa tướng Văn thân Đặng Như Mai?

Chùm thơ hai bài 42. 43

TÙNG THỤ


43: BÀI B

Tài bồi tự cụ lăng tiêu tháo
Ấm tí năng dung thụy thế cầm
Lương đống vị ngôn tha nhật dụng
Độc cao vũ lộ thụ ân thâm.


VŨ ĐỨC SAO BIỂN
phiên âm
(và dịch thơ ở bài giới thiệu).

42. 43

“CÂY TÙNG”

43: BÀI B

Hoàn toàn tự mình vun đắp [cái] tiết tháo [trên] gò đất lớn [và ngang] mây xanh (1)
Bóng râm che tỏa [, lại] thường bao bọc chim muông nương nhờ, tựa ngủ
[Nếu là] rường cột, chưa [dám] nói [trước là sẽ] sử dụng [vào] ngày [tháng] khác
Một mình [đứng] cao [chót vót giữa] mưa móc [rơi đều cho thiên hạ], nhận ân sâu.

(1) “Lăng tiêu tháo” có cụm từ tương tự: “lăng vân chí” với nghĩa: chí vượt cao lên khỏi dung tục, phàm phu [TĐHV., sđd., tập thượng, tr. 490, và tập hạ, tr. 357].

42. 43

“CÂY TÙNG”

43: BÀI B

Họa thơ tú tài họ Đặng ở Bình Lâm

Tiết tháo ngang trời, tự đắp, vươn
Bóng cây che chở, giấc chim nương
Ngày nào chưa nói, nên rường cột
Mưa móc ơn sâu, vút một phương!


(bản biên soạn)

Bài 44

KÍ PHỎNG ĐẶNG TÚ TÀI


Kỉ kinh sương tuyết phí mang bôn
Mỗi ức tiên giao cứu trượng hồn
Hoàng Thạch phi vô phương lược tại
Truyền thư khước hận tải không ngôn!


NGUYỄN TÔN NHAN
phiên âm và dịch nghĩa

44

GỬI THĂM TÚ TÀI [HOï] ĐẶNG (1)

Bao nhiêu [độ] nếm trải sương tuyết, [đành] lãng phí sự chạy vạy bận rộn!
Mỗi [lần] nhớ [sự] gắn bó (keo sơn) trước đây, [cố gắng] cứu giúp [cho] cái ẩn chứa bên trong (: năng lực tinh thần) [của] ông
[Người như] Hoàng Thạch (2) không phải không có; phương lược [vẫn] còn [đó]
Gửi thư [lại] bèn giận [là chỉ] chuyển tải [những] lời rỗng không!

(1) Xin xem các chú thích ở hai đôi bài, 40 - 41 và 42 - 43, đặc biệt là bị chú bổ sung cho chú thích (1).

(2) Hoàng Thạch công, người truyền thụ binh thư, phương lược cho Trương Lương để Trương Lương giúp Lưu Bang (Hán Cao Tổ), thời “Hán – Sở tranh hùng” ở bên Trung Hoa.

“Theo truyền thuyết, Trương Lương gặp một ông già ngồi trên cầu Dĩ; ông già mấy lần đánh rơi giày xuống nước, Lương đều xuống nhặt, kính cẩn đưa lên trả. Ông già bèn cho một cuốn binh thư và bảo: “Mười ba năm sau thấy hòn đá vàng ở chân núi Cốc Thành, đó chính là ta”. Vì vậy, người đời gọi là Hoàng Thạch công” (chú thích, Thơ Đường, tập 1, Nxb. Văn Học, 1987, tr. 84).

44

GỬI THĂM TÚ TÀI HỌ ĐẶNG

Trải bao sương tuyết, phí in lòng
Thường nhớ, keo sơn, cứu chí ông
Hoàng Thạch đâu chăng, phương lược đó
Gửi thư bèn hận, chuyển lời không!


TRẦN XUÂN AN
chuyển lại thơ





Bài 45

TẶNG BẮC PHIÊN PHẠM GIÁ (GIẢ) (1)
HỒI BỆNH


Nguyệt tà thiên dục hiểu
Gia Viễn khách sơ quy
Chính hỉ kim tao yết (2)
Ưng thương tích biệt li
Tử phi vinh hoạ cẩm
Ngã vị giải nhung y
Tương đối nan tương tống
Du du hữu sở ti (tư).


NGUYỄN TÔN NHAN
phiên âm và dịch nghĩa

(1) TĐHV., sđd., tập thượng, tr. 56, 193 phiên âm là “dả” (“bệnh dả”). HVTĐ. của Thiều Chửu, sđd., tr. 30: “giá”.

(2) Chúng? Chữ “chúng” đúng hơn.

45

TẶNG BỐ CHÁNH [TỈNH] BẮC [HỌ]
PHẠM (1), BUỒN LO [SAU KHI ĐI THĂM
THÂN NHÂN] TRỞ VỀ, NGHỈ NGƠI

Trăng nghiêng, trời muốn sáng
Gia Viễn (2), người mới về (hoặc: Nhà xa, người mới về)
Đáng vui [buổi] tất cả [nhiều người] (bất ngờ) gặp lại hôm nay
Nên thương [lần] chia biệt (riêng) trước
Ông không vẻ vang [bởi] gấm vóc [thêu] hoa văn
Tôi chưa cởi [được] áo chiến trận
Đối mặt nhau khó cùng tặng biếu (hoặc: đưa tiễn) nhau:
[Cái] dằng dặc [thời gian, không gian từng] hiện hữu [niềm] lo nghĩ [của] chúng ta! (3)

(1) Phạm Thận Duật. Xin xem các chú thích của bài số 15, “Tặng bố chánh Bắc Ninh Phạm [Thận Duật]…”.

(2) Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình (ĐNNTC., tập 3, sđd., tr. 241).

(3) Không thể tặng nhau cái xa xăm, mênh mông, sâu thẳm từng chứa đựng nỗi lo nghĩ! Một tứ thơ quá mới mẻ, sâu sắc của nhà thơ Nguyễn Văn Tường, được viết cách đây gần một trăm ba mươi năm!

45

TẶNG BỐ CHÁNH TỈNH BẮC NINH
PHẠM THẬN DUẬT BUỒN LO TRỞ
VỀ, NGHỈ NGƠI

Trăng nghiêng, trời muốn sáng
Gia Viễn, người vừa về
Đáng chúc nay vui tất (1)
Nên thương dạo biệt li
Ông không vinh gấm vẽ (2)
Mình chửa cởi chinh y
Nhìn mặt khó cùng tặng:
Nỗi dằng dặc nghĩ suy.


TRẦN XUÂN AN
chuyển lại thơ
(1) & (2) Để tiểu đối bằng từ Hán – Việt với “biệt li”, “chinh y”: “Đáng chúc nay tao ngộ” và “Bạn không vinh lễ phục”.

Bài 46

THỨ SƠN ĐỐC TRẦN ĐỊNH CHI
NGUYÊN ĐÁN THÍ BÚT


Ngũ niên do tác khách
Tam nguyệt hựu cánh xuân
Đáo gia duy hữu mộng
Tải tửu khởi vô nhân
Quá xứ giang sơn cựu
Phùng thời thảo thụ tân
Biên phân (phần) hi tảo tĩnh
Cung mã phục nhung thần.


NGUYỄN TÔN NHAN
phiên âm và dịch nghĩa

46

LÀM TIẾP HỘ ĐỐC SƠN TÂY (1) [HỌ]
TRẦN (2) CÂU THƠ ĐÃ LÀM SẴN, BÀI “THỬ BÚT [VÀO DỊP] NGUYÊN ĐÁN”

Năm thứ năm, còn làm khách
[Nhưng dẫu đến] tháng ba [thì tháng ba] lại càng xuân
Đến [với] ông (3), tưởng [còn] hiện hữu giấc mộng
Chở rượu, chẳng lẽ không người [sao]?
Đi qua nơi xứ [mà] núi sông [đều quen thuộc như] cũ
Gặp giờ giấc (: thời gian) cỏ cây tươi tắn
Biên cương khí độc, mong sớm [được] yên tĩnh
Cung [tên], ngựa [chiến] lại trở về [với] quan võ (4).

(1) Sơn Tây với địa giới hành chính thời Tự Đức (xem ĐNNTC., tập 4, sđd., tr. 183 - 264).

(2) Trần Công Bình, sau đổi thành Trần Bình, người Thân Nộn [Tiên Nộn?], Thừa Thiên, đỗ cử nhân khóa 1840 (QTHKL., sđd., tr. 198). Lưu ý: Hai câu thơ đầu theo luật bằng (chữ thứ hai câu thứ nhất: “niên” [thanh bằng]) nhưng sáu câu tiếp lại là luật trắc. Do đó, hẳn hai câu đầu bài là của Trần Bình?

(3) Dịch từ chữ “gia” (người có học vấn, chuyên môn cao); lẽ ra tạm dùng chữ “kẻ sĩ”. Chữ “ông” chẳng nói lên ý ấy.

(4) Thời chiến tranh, các quan văn cũng phải làm tướng, tá, cầm quân tiễu phỉ, đánh giặc. “Cung” (cung tên) [“cung mã” (cung tên và vó ngựa)] chỉ là ước lệ. Thời này, trong chiến tranh, vũ khí là súng đạn (ngoài gươm đao vẫn còn sử dụng).

46

Ở NHÀ TRỌ,
HỘ ĐỐC SƠN TÂY HỌ TRẦN LƯU LẠI,
NÊN THỬ BÚT VÀO SÁNG ĐẦU NĂM

Năm Tết còn làm khách
Tháng ba, càng thắm đời!
Đến nhà, đang ngỡ mộng
Chở rượu há không người?
Qua chốn non sông cũ
Gặp giờ cây cỏ tươi
Sốt biên mong sớm tĩnh
Cung trả võ quan thôi!


TRẦN XUÂN AN
chuyển lại thơ

Bài 47

HỌA CHÍNH SỨ LÊ TỰ ĐÔNG GIA
KHỞI HÀNH TỰU THUẬN TẤN HỎA
THUYỀN NGUYÊN VẬN


Kỉ niên sóc tái kiên nhung kì
Thử nhật Tây phù tá hỏa trì
Hoàng tuất tiền đồ kha khảm lịch
Chi thương vãng sự hải tang di
Lỗ tình tự thị đa tư sính
Triều sĩ hà thường thiểu kiến nguy
Độc quý phi tài thao trọng tuyển
Sinh bình đồ tụng bách thiên thi.


NGUYỄN TÔN NHAN
phiên âm và dịch nghĩa

47

HỌA THƠ CHÁNH SỨ LÊ (1): “TỪ ĐÔNG GIA (2) BẮT ĐẦU ĐI ĐẾN THUYỀN HƠI NƯỚC
[Ở] CỬA THUẬN (3)”, NGUYÊN VẦN

Bao năm, đầu biên ải, vững ngọn cờ quân đội
Ngày nay, đi sứ [qua] Tây (Pháp...) (4), (vượt sông biển) (5), [ngồi ở] xe lửa giúp cho [chánh sứ]
Rảnh rỗi [mà bận lòng] lo nghĩ (cho dân nghèo) [về] con đường phía trước, [sẽ phải] trải qua gập ghềnh (sóng gió)
Kính cẩn ưu tư [về] việc cũ (đã qua) [của vua,
của nước], [đành gặp] biến dời [như] biển dâu (6)
Lòng dạ bọn tôi mọi (: giặc Pháp) (7) [cứ] tự cho là phải, [cứ] hoài tưởng nghĩ trò múa men khoái ý
Đại thần ở Triều đình sao từng trải biết, [vẫn] ít [người] thấy ra nguy cơ [cho nước nhà]?
Riêng một mình thẹn thùng [là] không tài năng, lạm ơn (8) [được] quý trọng, tuyển chọn [làm phó sứ]
Bình thường vốn dĩ sống [như] người học trò (tay trắng), đọc to (ngâm nga sang sảng) trăm thiên (bài) thơ ca [mà thôi]!

(1) Lê Tuấn (Toán), (ĐNTL.CB., sđd., tập 32, tr. 293, 304, 333...), (ĐNLT., sđd., tập 4, tr. 323 - 328).

(2) Nay quen gọi là Đông Ba (ở Huế).

(3) Cửa Thuận An, Thừa Thiên – Huế. Cửa biển này còn có tên là cửa Nhuyễn hải (VNSL., bản 1999, sđd., tr. 429).

(4) Việc chiến đấu tiễu phỉ chưa ngớt ở biên giới phía Bắc (bởi vì Jean Dupuis, Puginier tăng cường mua chuộc, quấy phá), Nguyễn Văn Tường được điều về kinh để nhận nhiệm vụ đi sứ sang Pháp, Anh, Tây Ban Nha, nhưng trước hết phải cùng chánh sứ Lê Tuấn đến Gia Định (Nam Kì) thương nghị với phủ súy Pháp Dupré. Nguyễn Văn Tường lúc này là phó sứ của sứ bộ. Tự Đức hiểu ông có tài năng lớn, nhưng bởi một số “sự cố”, như vụ khởi nghĩa “Chày Vôi” ở Huế lúc ông làm phủ doãn, vụ ông lại đề xuất việc tổ chức, xây dựng kế hoạch kháng chiến cùng Thân Văn Nhiếp, Nguyễn Quýnh, với tinh thần tự nguyện về lại Cam Lộ, Quảng Trị, từ chức phủ doãn Thừa Thiên, do đó, ông không được Tự Đức tin dùng, không được phe chủ “hòa” đang thắng thế ủng hộ. Tuy vậy, Nguyễn Văn Tường quá xuất sắc, nổi bật, nên Triều đình không thể không chọn ông. Ngay cả Trần Tiễn Thành cũng buộc lòng phải đề cử Nguyễn Văn Tường! Có điều, ông chỉ mới được cho mượn... hàm tham tri Bộ Binh để sung làm phó sứ! Và rồi, vì tình thế biến đổi, do cuộc đấu tranh ở bàn thương nghị căng thẳng kéo dài, Pháp không bớt ngoan cố, lại đánh chiếm Bắc Kì (âm mưu khởi từ lúc Jean Dupuis tới Vân Nam, Trung Quốc, lúc y tìm cách ngược sông Hồng...), nên dẫn đến việc Nguyễn Văn Tường, theo lệnh của Tự Đức, phải kí hai thỏa ước với Philastre, 1873, để Pháp trả lại bốn thành ở Bắc Kì, đồng thời chúng rút quân khỏi ngoài ấy; sau đó là hiệp ước 1874, thương ước 1875; và cả việc đi Pháp, Anh, Tây Ban Nha... cũng bãi bỏ. Kí điều ước 1874, thương ước 1875, nước ta chịu một số nhượng bộ đau lòng (trong đó, có việc chính thức hóa việc Pháp cướp ba tỉnh Miền Tây Nam Kì, từ sự “dâng đất” của Phan Thanh Giản, 1867, việc mà, 1868, Nguyễn Văn Tường phản đối quyết liệt, khi Pháp đòi chính thức hóa sự cướp đất đó). Mặc dù vậy, đất nước có được một thời kì ngắn hòa bình để chấn chỉnh, củng cố, nâng cao nội lực, trong tinh thần chuẩn bị lại đương đầu với giặc Pháp. Tuy nhiên, việc đau lòng nhất là Nguyễn Văn Tường, Lê Bá Thận, Tôn Thất Thuyết, cả Nguyễn Khuyến (nhà thơ, tam nguyên Yên Đổ)... phải cắn răng, ngậm miệng chấp nhận “sách lược thỏa hiệp tạm thời” với giặc Pháp để trấn áp phong trào Văn thân Nghệ Tĩnh do Trần Tấn, Đặng Như Mai lãnh đạo. Đó là một phong trào vừa “sát tả đạo” vừa chống Pháp, đúng với ước nguyện của những người phải đánh dẹp, đúng với tôn chỉ trước đây của Triều đình Huế! Ngay cả lúc phải trấn áp phong trào Văn thân, Triều đình Huế cùng những người như Nguyễn Văn Tường, Tôn Thất Thuyết nói trên, cũng vẫn đồng tình với lời Hịch Văn thân! Oái oăm là ở đó, bi kịch lịch sử là ở đó! Bởi Triều đình Huế ngỡ rằng, cần trấn áp, phủ dụ (vỗ yên) tất cả các lực lượng yêu nước không chấp nhận “sách lược thỏa hiệp tạm thời” để Triều đình khỏi bị phân tán tâm lực, nhằm để dành tâm lực đối phó với giặc Pháp, tranh thủ thời gian đặng củng cố, tăng cường binh lực, khả năng phòng thủ, tiến đến giành lại lục tỉnh bằng vũ trang.

V.I. Lê-nin (Lénine) cũng từng nói: “Thỏa hiệp với kẻ thù mà có lợi cho Cách mạng, chúng ta vẫn sẵn sàng thỏa hiệp”, và Lê-nin cũng từng phải kí hòa ước Brest-Litovsk (13. 5. 1918) với phát-xít Đức để đối phó với 14 nước tư sản, lực lượng đang trực tiếp đe dọa và tấn công Nhà nước Xô-viết non trẻ (mới thành lập được khoảng 6 tháng!), [xem Lịch sử thế giới, Ban THTƯ. VHH., sđd., tr. 80 - 82, 94].

Trong thực tế lịch sử, Nguyễn Văn Tường đi trên tàu binh của Pháp (theo hiệp ước 1874) để vỗ yên, bắn súng thị uy, dọa bóng dọa gió cuộc khởi nghĩa Văn thân. Lực lượng Văn thân nghe súng bắn dọa đã bỏ chạy tán loạn (ĐNTL.CB., tập 33, sđd., tr. 77 - 80).

Ở cánh quân phía bắc Nghệ An, Thanh Hóa, Tôn Thất Thuyết cũng thế (xin xem: ĐNTL.CB., tập 33, tr. 68 - 70, 80; Trần Văn Giàu, Hệ ý thức phong kiến và sự thất bại của nó trước nhiệm vụ lịch sử, Nxb. TP. HCM., 1993, tr. 451 - 452, 455 - 456).

Oái oăm nữa là Nguyễn Văn Tường phải đem số tiền của Triều đình là 2000 quan để ủy lạo (!) cho giáo dân và các cha cố ở Nghệ Tĩnh – tất nhiên “tả đạo” này cũng thuộc lực lượng “tả đạo” Hải Dương mới tổ chức bắt cóc Nguyễn Văn Tường để phá hỏng việc tại Hà Nội, nhưng Nguyễn Văn Tường đã đối phó được (ĐNTL.CB., sđd., tập 32, tr. 355 - 356).

Đó là thành công lẫn bi kịch của Nguyễn Văn Tường, 1873 - 1875! [ĐNTL.CB., sđd., tập 32, tr. 11, 225, 293, 304, 342; tập 33, tr. 8 - 12, 58, 88, 103, 112, 126 - 127...; xem NĐNĐDVP. & TH., sđd., tr. 239 - 245, 283 - 287].

(5) Chữ “phù” trong nguyên tác chữ Hán là “nổi trên nước”, là “quá độ” (giao tiếp, thương nghị giữa Phương Đông với Phương Tây, giữa Việt Nam với Pháp...), tức là đi sứ.

(6) Biển dâu: “thương hải biến vi tang điền” (biển xanh biến đổi, thành ruộng dâu), chỉ sự biến đổi của tự nhiên, xã hội...

(7) Chữ “lỗ”, nguyên nghĩa là “tôi mọi”. Ở bài thơ “Thần” của Lí Thường Kiệt, có câu: “Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm”... Nguyễn Văn Tường trực chỉ bọn tay chân người Pháp của chính phủ Pháp, của Pháp hoàng... Đó là bọn “tôi mọi” xâm lược. Xem chú thích (4), (5) bản dịch nghĩa bài số 3, về chữ “man”, “hồ”... và thái độ, tình cảm tốt đẹp của ông đối với đồng bào nhân tộc thiểu số, trong hạn chế của ước lệ ngữ ngôn thời phong kiến. Giặc xâm lược, cho dù Tàu hay Tây, đều là “lỗ”.

(8) Sắc thái biểu cảm như “chi”, “khể”... Xin lạm bàn chữ “khấu” với nghĩa “cúi đầu sát đất” (“khấu đầu”; ví dụ: “khấu đầu bái tạ quân ân”). Sống dưới chế độ quân chủ phong kiến, kẻ bề tôi thường khởi đầu câu nói trước mặt vua, hoặc khi nói về việc có liên quan đến nhà vua, nhất là lúc nhận chức, nhận sắc dụ, bằng chữ “chi” (kính cẩn), “thao” (lạm ơn), “khể”, “khấu” (cúi đầu sát đất)... Tất nhiên thời dân chủ vẫn phải bày tỏ sự tương kính (kính trọng lẫn nhau), theo phép lịch sự, trong trật tự tôn ti, bình đẳng về nhân cách, nhân phận, nhân vị, cho dẫu là giữa người đứng đầu Nhà nước với kẻ nghèo mạt nhất trong xã hội. Hiện nay ở Phương Tây cũng không còn “sấp mình trước mặt chúa [thượng]” nữa. “Sấp mình”, nghĩa quỳ gối và dán trán xuống mặt đất! Tất cả mọi cái, mọi sự đều có tính lịch sử – cụ thể.

47

“TỪ ĐÔNG GIA BẮT ĐẦU ĐI ĐẾN
THUYỀN HƠI NƯỚC Ở CỬA THUẬN”

Họa thơ chánh sứ Lê Tuấn (Lê Toán)

Bao năm đầu ải, vững cờ soi
Nay vượt biển Tây, xe sứ ngồi
Xa liệu, cứu dân, đường sóng gió
Kính thương, biến nỗi, việc thung đồi (1)
Giặc khoe, cứ mãi khua nương thế
Quan ngó, sao thưa thấy hiểm thời?
Cúi thẹn không tài, vua quý chọn
Sống thường (2) tay trắng, đọc thơ thôi!


TRẦN XUÂN AN
chuyển lại thơ

(1) Tạm thay hai chữ “biển dâu” thành “vũng đồi”. Hai chữ “vũng đồi” ấy, của Nguyễn Bỉnh Khiêm, trong câu: “Thế gian biến cải vũng nên đồi”. Hai câu thực cũng có thể thoát khỏi cách ngắt nhịp, cách gieo thanh thông thường phải theo đúng niêm luật Đường thi cổ điển (3 / 4) vốn rất đơn điệu, để có nhạc điệu khác (2 / 3 / 2):

“Xa liệu, đường cứu nghèo, sóng gió
Kính thương, việc thay cũ, thung đồi”;


Ít ra cũng chỉ thay đổi nhịp điệu:

“Xa liệu, nỗi đường dài, sóng gió
Kính thương, thời giặc loạn, thung đồi”.


(2) Có thể dùng hai chữ “bình sinh” trong tiếng Việt (vốn quen dùng): “Bình sinh tay trắng, đọc thơ thôi”.



Bài 48

HỌA CHÍNH SỨ LÊ: “ĐĂNG YẾT
THIÊN Y THÁP TẠI BÌNH THUẬN
TỈNH, CÙ HUÂN TẤN”, NGUYÊN VẬN


Quần phong tranh hạ nhất loan hoành
Địa mạn sơn cao thủy diệc thanh
Thác tục đương niên truyền Liễu Hạnh
Siêu tình hà xứ tiếp kì sinh?
Thê nham linh tích tồn chiêm vọng
Phù hải kì duyên tá phẩm bình
Nam thổ thiên thu hoàn cố quốc
Quy cương ưng tướng thử Tây hành.


NGUYỄN TÔN NHAN
phiên âm và dịch nghĩa

48

HỌA THƠ CHÁNH SỨ [HỌ] LÊ (1): “LÊN THÁP
THIÊN Y (2) TẠI CỬA HẢI PHÒNG CÙ HUÂN (3), TỈNH BÌNH THUẬN (3)”, NGUYÊN VẦN

Cụm núi tranh nhau hạ thấp xuống, một vũng biển (4) (chảy vòng vào đất liền) nằm ngang
Đất xuôi tràn, núi cao, nước cũng xanh theo
Mượn thế tục, năm xưa (5), [thần thiêng] truyền [đạo] Liễu Hạnh (6)
Vượt khỏi thực tại, ở nơi nào, [Bà] tiếp nối kiếp sống có hạn định [ở trần gian của Bà]?
Hang núi lạnh lẽo u tịch, dấu tích linh thiêng, [người ta] vẫn còn ngẩng mặt trông nhìn
Biển cồn mối duyên lạ lùng, [ai] mượn [tiếng] khen chê
bàn luận!
Đất Nam [Bộ] (7) [phải] nghìn thu trả về cho nước cũ [Việt Nam]
Lấy về, gồm lại các vùng biên cương theo trạng mạo, ([Bà Thiên Y] nên giúp cho (8)), [trong chuyến] đi Tây (9) này.

(1), (9) Xem chú thích (1), (4) về Lê Tuấn (Lê Toán) và mục đích chuyến sang Pháp, Tây Ban Nha, Anh... của sứ bộ: chuộc lại các tỉnh Nam Bộ bị Pháp xâm chiếm, Phan Thanh Giản “dâng đất”, ở bài 47, bản dịch nghĩa.

(2) Xem ĐNNTC., Nxb. Thuận Hóa, 1992, tập 3, tr. 106 - 108, về cổ tích Tháp cổ Thiên Y (Thiên Y tiên nữ, Thiên Y A Na Diễn Phi, Thiên Y A Na Diễn Bà, Chúa Ngọc Thánh Bà, Hồng Nhân Phổ Tế linh ứng thượng đẳng thần, là các tên gọi, danh hiệu khác nhau của Bà).

(3), (4) Tấn (cửa hải phòng). Tấn cửa lớn Cù Huân, tấn cửa bé Cù Huân (xem ĐNNTC., sđd., tập 3, tr. 110). Không hiểu vì sao tác giả Nguyễn Văn Tường lại viết rõ tất cả các thắng tích, địa danh trên lại thuộc tỉnh Bình Thuận, trong khi ĐNNTC., sđd., lại xác định rõ là, thuộc tỉnh Khánh Hòa? Có thể Nguyễn Văn Tường sơ suất; có thể có một sự thay đổi địa giới hành chính nào đó trong một quãng thời gian nhất định (?!).

Vả lại, xin lưu ý, có thể có sự nhầm lẫn địa danh Cù Huân, còn “tỉnh Bình Thuận” vẫn đúng, bởi theo ĐNNTC., tập 3, sđd., tr. 138 thì ở Bình Thuận cũng có đền thờ Thiên Y, tại Đảo Bà (đền thờ ngoài đảo). Rất tiếc là ĐNNTC. không chỉ rõ ở đảo này có tháp hay không, mà chỉ nói là có tượng thờ bằng đá.

Xin nêu thêm để rộng đường tra cứu, xác minh. Kính mong được chỉ bảo giúp.

(5) Đương niên: năm gánh vác công việc; năm xưa.

(6) Liễu Hạnh là một trong “tứ bất tử” của tín ngưỡng dân gian Việt Nam (Liễu Hạnh, Tiên Dung - Chử Đồng Tử, Thánh Gióng, Tản Viên sơn thánh). Không phải một anh hùng dân tộc, nhân vật lịch sử được thần thánh hóa, như Đức Thánh Trần (thánh Cha), Liễu Hạnh là một nhân vật hoàn toàn xuất phát từ tư duy tín ngưỡng. Hẳn Liễu Hạnh cùng Thiên Y A Na, Bà Chúa Xứ đều khởi nguyên từ một nguồn cội Đông Nam Á, tín ngưỡng thờ hình tượng Người Mẹ. Do đó, “ở Trung Bộ, bà được đồng nhất với Thiên Y A Na” (xem Phan Ngọc, Bản sắc văn hóa Việt Nam, Nxb. VHTT., 1998, tr. 365 - 387; Nguyễn Đăng Thục, Lịch sử tư tưởng Việt Nam, Nxb. TP. HCM., 1992, tr. 283 - 309, đặc biệt là các trang: 298, 306 - 309).

(7) Lục tỉnh: Gia Định, Biên Hòa, Định Tường; An Giang Vĩnh Long, Hà Tiên (địa danh và địa giới thời Tự Đức, nay đã xê dịch, thay đổi...). Xem chú thích (1), (9), bài này.

(8) Đây là biểu hiện của tâm thức linh hồn giáo lâu đời của văn hóa Việt Nam, ở Nguyễn Văn Tường, trong hạn chế ý hệ của thời đại ông. Về “linh hồn giáo”, xin xem Phan Ngọc, BSVHVN., sđd., tr. 343, 350, 365... Theo người chú thích mạo muội này, lao động sáng tạo ra con người, và con người ở một trình độ tiến hóa nào đó, cũng bằng lao động, sẽ tạo ra cho bản thân cái gọi là linh hồn có tính vật chất (sóng sinh điện chẳng hạn), còn sự tương ứng (“linh ứng”!?) giữa kẻ sống và hồn người chết chỉ là ngẫu nhiên, phần lớn là vớ vẩn.

Riêng về hai câu kết, kết lại tứ thơ mà tác giả biểu đạt trong toàn bài:

“Nam thổ thiên thu hoàn cố quốc
Quy cương ứng tướng thử Tây hành”


có bốn chữ cần lưu ý: “hoàn” (trả lại), “quy” (thu lại, lấy về, gom nhóm lại), “ưng” [hoặc: “ứng” cũng cùng mặt chữ Hán], “tướng” [xem nghĩa ở đoạn dưới]. Trần Đại Vinh (KVQC. NVT. TT., sđd., tr. 11) đã dịch:

“Lục tỉnh / nghìn năm về nước cũ
Cõi bờ thu lại / chuyến Tây hành”


Rất đáng tiếc, vì để làm nổi rõ “cõi bờ thu lại” (“quy cương”), ông đành cho hai chữ “ứng tướng” bị lược bỏ. “Ứng tướng” có ba nghĩa thống nhất trong chỉnh thể tứ thơ là:

a. quan tướng hai bên đối mặt ở bàn hội đàm;

b. ứng theo trạng mạo bản đồ Việt Nam;

c. nên giúp cho.

Trong đó, ý tưởng Việt Nam, từ Cà Mau đến ải Nam Quan, với một sự nhất thống cả về tâm linh (Thiên Y A Na cũng là Liễu Hạnh, cũng là Bà Đen, Bà Chúa Xứ), lại là một khía cạnh lớn của chỉnh thể tứ thơ ấy (chỉ là một khía cạnh lớn – tôi xin nhấn mạnh). Thiếu sót đó là đáng tiếc, cũng như ở một số bản dịch khác, rất khoa học (sát nghĩa, toát được thần, ý của nguyên tác), mặc dù cơ bản là rất tài hoa và trong sáng, giữ được hơi hướm cổ thi.

Tuy nhiên, chủ đề của bài thơ vẫn là: cảm xúc, suy tưởng về thắng cảnh, về cõi tâm linh siêu hình (kể cả băn khoăn về sự siêu vượt thực tại trần gian của thần thánh), về sự thống nhất tâm linh tín ngưỡng, thống nhất cõi bờ đất nước về một mối. Do đó, hai chữ “ứng tướng” phải có thêm nghĩa thứ ba “ứng nghiệm, linh ứng giúp cho”, ngoài hai nghĩa cực kì quan trọng kia, như trên đã viết. Nhưng làm sao dịch hết các ẩn ý và hiển ý được, mặc dù vẫn cố gắng toát lên tất cả một cách rất “ý tại ngôn ngoại” (ý ở ngoài lời).

“Kết” là vừa mở, vừa đóng, lại vừa đọng. Phải đọng nghĩa thứ ba (linh ứng giúp cho) mới đúng là “kết”, để có cơ sở mở ra hai nghĩa kia, dẫu biết rằng nghĩa thứ ba ấy, quả thực là hạn chế của ông, nhà thơ Nguyễn Văn Tường.

48

“LÊN THĂM THÁP THIÊN Y
TẠI CỬA HẢI PHÒNG CÙ HUÂN,
TỈNH BÌNH THUẬN” (1)

Họa thơ chánh sứ Lê Tuấn (2)

Cụm đồi tranh xuống đầm ngang sâu
Biếc núi đất xuôi nước ánh màu
Mượn tục, xa thời (3) truyền Liễu trước
Vượt phàm, nào chốn nối đời sau?
Dấu linh hang lạnh trông vời đó (4)
Duyên lạ biển cồn khen trách đâu
Nghìn thuở đất Nam về nước Việt
Ứng giùm, thu cõi, chuyến đi Âu!


TRẦN XUÂN AN
chuyển lại thơ

(1) Chúng tôi vẫn giữ nguyên đầu đề bài thơ của Lê Tuấn trong ngoặc kép (xem thêm hai chú thích (3), (4) của bản dịch nghĩa bài này).

(2) Lê Toán, theo phiên âm của QTCBTY., sđd.

(3) Dịch sát: Mượn tục, năm xưa truyền Liễu trước.

(4) Dịch sát: Dấu linh hang lạnh còn trông ngước.


Bài 49

THUYỀN CẬN CẦN GIỜ NGHỊCH
PHONG BẤT TIẾN


Phan Thiết kê minh nhất dạ đàm
Phi sơn bạc mộ bán vi lam
Hải quang tinh tán ba triều bắc
Oa phị (phí) yên phi hỏa chuyển nam
Lãnh thượng chiêu đăng tiêu tức cận
Thuyền đầu khuy kính lộ trình am
Thừa phong vạn lí hoàn dung dị
Chỉ xích trì hồi dã khởi cam.


NGUYỄN TÔN NHAN
phiên âm và dịch nghĩa

49

THUYỀN ĐẾN GẦN CẦN GIỜ (1) [GẶP]
GIÓ NGƯỢC, KHÔNG ĐI TỚI [ĐƯỢC]

[Ở] Phan Thiết (2), gà gáy [suốt] một đêm (3) [ven] đầm [nước]
Núi Phi (4), [lúc] chiều nhạt [nắng], một nửa [núi] là khí độc
Biển sáng, sao trời tản ra, sóng chầu về [phương] bắc
Nồi (5) sôi sục, khói bay, lửa chuyển vào [phía] nam (6)
Trên đỉnh núi, vẫy vẫy [trước] đèn (7), [thế là] tin tức [đã] gần tới
Đầu chiếc thuyền, liếc nhìn [vào] tấm gương [ở mặt đồng hồ đo dặm, la bàn], nẻo đi [cũng] biết [được]
Theo (cỡi) gió, vạn dặm, trở về dễ dàng
[Chỉ một] thước ta, [một] tấc ta (: gang tấc), [đường đến Gia Định], [lại] chậm trễ, luần quần luẩn quẩn; vậy chẳng lẽ bùi tai (đành lòng) sao?!

(1) Cần Giờ, nay thuộc địa bàn thành phố Hồ Chí Minh.

(2) Phan Thiết, Bình Thuận, ĐNNTC., tập 3, sđd., tr. 128, 130.

(3) Có thành ngữ “kê minh khuyển phệ” (gà gáy chó sủa), chỉ cảnh làng thôn (TĐHV., tập hạ, tr. 417). Ở đây, tác giả có lẽ chỉ nói phóng đại để cường điệu cảm giác sốt ruột, khó ngủ, suốt một đêm (rồi còn suốt một ngày cho đến khi trời xế chiều và suốt tối hôm sau), vì phải đợi lặng gió.

Điển tích “kê minh” (một thiên trong Kinh Thi, nói về phong tục nước Tề, dân dậy sớm để làm việc [TĐTNTN., sđd., tr. 321]), có lẽ không phù hợp với ngữ cảnh này.

(4) Núi Phi? ĐNNTC., tập 3, sđd., không ghi có ngọn núi nào là Phi hoặc Phi Sơn cả. Có lẽ đây là hòn núi nhỏ (xem sđd., tr. 134 - 139), không ghi, hoặc là núi Bà.

(5) Nồi hơi nước của tàu thủy chạy bằng năng lượng này.

(6) Ở vị trí Cần Giờ, Triều đình Huế thuộc về phương bắc. Chữ “nam” này cũng không viết hoa: hướng nam.

(7) Có lẽ đó là một cách phát tín hiệu.

49

THUYỀN GẦN ĐẾN CẦN GIỜ,
GẶP GIÓ NGƯỢC,
KHÔNG ĐI TỚI ĐƯỢC

Phan Thiết, một đêm gà rộn đầm
Núi Phi chiều nhạt nửa sương thâm
Biển ngời sao tản, khơi chầu bắc
Nồi bỏng khói bay, lửa chuyển nam
Đèn vẫy đỉnh non: tin báo tới
Liếc gương đầu lái: dặm ngàn băng
Vạn trùng theo gió lui thường dễ
Gang tấc chậm, quành, không lẽ cam!


TRẦN XUÂN AN
chuyển lại thơ

Bài 50

TẶNG DƯƠNG QUAN (GIA ĐỊNH
TỈNH NHÂN) VÃNG HƯƠNG CẢNG


Lục thất niên dư hựu nhất lai
Ngã lai quân khứ lưỡng bồi hồi
Khứ lai dị lộ quân tu kí
Mạc sử lâm kì hữu sở xai (sai)!


NGUYỄN TÔN NHAN
phiên âm và dịch nghĩa

50

TẶNG QUAN [LÀM Ở CỬA] BIỂN (NGƯỜI
TỈNH GIA ĐỊNH) (1) ĐI HƯƠNG CẢNG (2)

Hơn sáu, bảy năm (3) [qua], [nay] lại một [lần] đến
Tôi đến, ông (1) đi, cả hai dùng dằng bước lui, bước tới
Đi [và] đến, khác con đường, ông nên ghi nhớ
Đừng khiến đang lúc [gặp gỡ, chia tay vào dịp thế này]
có điều gì suy xét, đong lường trước!

(1) Tác giả dùng từ “dương quan”, với hai nghĩa: quan làm ở cửa biển; quan làm việc cho người ngoại quốc (tay sai của thực dân Pháp tại Nam Kì, vùng đất lục tỉnh ngày xưa đã bị Pháp xâm chiếm, từ 1862, 1867). Nguyễn Văn Tường ghi chú rõ bằng chữ cỡ nhỏ, trình bày khác hẳn (xin xem bản chữ Hán nguyên tác): “Người tỉnh Gia Định”. Hơn nữa, ở hai dòng thơ thứ hai, thứ ba, Nguyễn Văn Tường lại dùng đại từ “quân” để gọi y. “Quân” là từ các kẻ sĩ cùng lứa gọi nhau. (Xem TĐHV., sđd., tập thượng, tr. 226; tập hạ, tr. 157). Lại căn cứ vào nội dung bài thơ, thấy rõ Nguyễn Văn Tường khẳng định dứt khoát: “Đi [và] đến, khác con đường, ông nên ghi nhớ”. Đến Gia Định (nay thuộc thành phố Hồ Chí Minh) để đấu tranh, giành lại Nam Kì lục tỉnh. Đi Hương Cảng (Hongkong), làm tay sai theo lệnh Pháp. Rõ ràng, dứt khoát! Tuy khẳng định vỗ mặt như thế, vẫn không tránh khỏi chút bồi hồi về tình kẻ sĩ cũ, và chút phân vân về sự ngờ ngại, hiểu lầm từ phía sĩ phu và nhân dân (đánh đồng với Phan Thanh Giản, Trần Tiễn Thành chẳng hạn!).

(2) Hương Cảng (Hồng Công), nhượng địa của nước Trung Hoa dưới áp lực của thực dân Anh. Người Anh mới trao trả cho Trung Quốc vào năm 1997!

(3) Theo ĐNTL.CB., sđd., tập 31, tr. 184, vào tháng chạp Đinh mão, năm Tự Đức thứ 20 (1867), Nguyễn Văn Tường lần đầu đến Gia Định, với chức vụ tùy biện trong phái đoàn Trần Tiễn Thành. Thời điểm đó, là từ 26. 12. 1867 – 24. 01. 1868. Nói cách khác, tháng chạp Đinh mão nói trên rơi vào khoảng đó của dương lịch (xem Vụ Bảo Tồn Bảo Tàng, Niên biểu Việt Nam, in lần 4, Nxb. Văn hóa dân tộc, 1999, tr. 113 - 114). Và lần thứ hai, Nguyễn Văn Tường với chức vụ bồi sứ (Nguyễn Văn Phong, chánh sứ; Phan Đình Bình, phó sứ) lại đến Gia Định. Không rõ sứ bộ đi ngày nào, chắc là sau khi Trần Tiễn Thành thất bại trở về vào tháng 2 âm lịch, Mậu thìn (1868), (ĐNTL.CB., tập 31, sđd., tr. 194). Có điều, lần về, tháng 3 âm lịch, Mậu thìn (từ 24. 3. 1868 đến 22. 4. 1868), Nguyễn Văn Tường lại thay mặt cả sứ bộ (tuy chỉ là bồi sứ, vị trí thứ ba trong sứ bộ), để trình bày âm mưu xâm lược Nam Kì lục tỉnh của thực dân Pháp. Ông quyết không chịu kí “hòa” ước mới, nhằm cứ để cho Pháp ở trong tình trạng bất hợp pháp. Lập luận riêng của Nguyễn Văn Tường: kí “hòa” ước mới là mắc mưu Pháp, chính thức hóa việc xâm chiếm Nam Kì lục tỉnh cho chúng, lại để sĩ phu lâm vào cảnh “ăn làm sao, nói làm sao” với chúng và với dân, một khi Triều đình đã thật sự bỏ rơi (“khí dân”) bằng hàng ước, nhượng ước chính thức, như hàng ước 1862! Cũng bản tấu ấy, ông chủ trương tăng cường binh lực để phòng thủ, giành lại Nam Kì lục tỉnh bằng sức mạnh vũ trang (ĐNTL.CB., tập 31, sđd., tr. 202 - 204).

Chú thích dài như thế để xin được hiểu rằng, bài thơ tứ tuyệt trên phản ánh khá cô đọng tâm trạng tác giả.

Riêng ngữ “lục thất niên dư”, không phải là “hơn sáu, bảy năm”, mà là “cuối và ngoài năm 67 (1867)”? Biết đâu, tác giả lại dùng số chỉ năm theo dương lịch? Chắc chắn là không. Có điều, bài trên phải được sáng tác vào các năm 1868 + 6 = 1874; 1868 + 7 = 1875. Có lẽ là sự trùng hợp ngẫu nhiên. “Hơn sáu, bảy năm” trước cho đến thời điểm bấy giờ và mãi về sau, tác giả vẫn kiên định một quan điểm, một chọn lựa trước hai con đường: “khác con đường, [...] nên ghi nhớ”!

50

TẶNG QUAN LÀM Ở CỬA BIỂN CHO
TÂY, NGƯỜI TỈNH GIA ĐỊNH, ĐI
HƯƠNG CẢNG

Sáu, bảy năm hơn, đến một lần
Anh đi, tôi đến, đều tần ngần
Đến, đi, khác đường, anh nên nhớ
Đừng để đang khi, tình phải cân!


TRẦN XUÂN AN
chuyển lại thơ



Bài 51

TRÚ GIA ĐỊNH
QUAN TÂY VIÊN HỮU CẢM


Khách xá công dư hướng vãn thiên
Xa hoành khúc kính quá đông biên
Sổ lan mao giới giai tân vật
Bán bức hoa cầm dị vãng niên
Đối cảnh kham bi thùy tác chủ
Phùng nhân nan đạo thử lai duyên
Như hà tạo hóa do đa sự
Không sử lê viên nhuận nhất biên.


NGUYỄN TÔN NHAN
phiên âm và dịch nghĩa

51

Ở GIA ĐỊNH (1), XEM VƯỜN (2) [CỦA] TÂY
(3), CÓ CẢM XÚC

[Ở] nhà khách, việc chung (4) [đã] thư thả, nhìn về [phía] trời chiều
Xe [chạy] ven đường vòng, qua bờ sông [hướng] đông
Vài chuồng [thú] lông, [loài có] vỏ, đều [là giống] vật mới (5)
Nửa khoảnh hoa, chim [cũng] khác năm trước
(đã qua) (6)
[Đứng] trước cảnh [ấy], đành chịu buồn rầu, [rằng] ai làm chủ!?
Gặp người [mình] khó nói (khơi mở) [về lẽ],
ấy là nguyên nhân [tạo hậu quả]
về sau (7) [cho chúng]
Cớ nào tạo hóa còn loạn việc?
Khi không xui khiến [đến] vườn lê (8),
làm thừa lẻ ra một sự ghi chép (9).

(1) Gia Định, nay thuộc thành phố Hồ Chí Minh.

(2) Thảo cầm viên (vườn cây chim) hiện nay (đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, Q. 1, TP. HCM.).

(3) Tây, chỉ thực dân Pháp.

(4) Lúc này Lê Tuấn, Nguyễn Văn Tường, đang bàn thảo với Dupré, Philastre, về điều ước 1874, hoặc ông cùng Nguyễn Tăng Doãn, với François Emily (?), định thương ước 1874 (kí ngày 31. 8. 1874, lễ thừa nhận diễn ra vào ngày 26. 8. 1875), (ĐNTL.CB., tập 33, tr. 9 - 10, 12, 22, 78, 87 - 88, 102 - 104, 111).

(5) Ám chỉ bọn thực dân Pháp.

(6) Ám chỉ người Việt mình làm tay chân cho thực dân Pháp.

(7) Vận dụng khái niệm “nhân – quả” của tâm thức nông nghiệp cổ đại, của Phật giáo qua hai chữ “lai duyên”. Ý tác giả: Sở thú này chính là viễn cảnh tương lai của bọn Pháp, rằng chúng sẽ bị giam nhốt như các loài vật lông lá kia! Đồng thời, bày tỏ niềm lo âu: sự cộng tác của người Việt mình với thực dân, cũng tạo hậu quả về sau cho sự phát triển của dân tộc, đất nước. [Xem các trích đoạn những bản tấu về Nam Kì, bài viết của Trần Viết Ngạc, Trần Đại Vinh, KYHNKH., ĐHSP. TP. HCM. sđd., tr. 212 - 216, 40, và cũng hai bài ấy ở cuốn “KVQC. Nguyễn Văn Tường thi tập”, tư liệu Hội nghị trên, tr. 3 - 8, tr. 12].

(8) “Lê viên”: Đường Minh Hoàng (nhà Đường, Trung Hoa) lập ra vườn lê viên, chọn một trăm người chuyên tập múa hát. “Lê viên”, nguyên nghĩa: vườn cây lê, lại có nghĩa là hí viện (nhà vui chơi, nhà hát). [Xem TĐHV., sđd., tập hạ, tr. 496].

(9) Các ghi chép về nội dung hội đàm, “bên lề” của sứ bộ, đại để là nhật kí để tấu trình cho nhà vua (còn gọi là nhật lịch), qua trung gian liên lạc giữa Triều đình và sứ bộ bởi một trung sứ – trung sứ là một viên chức có chức năng “con thoi” đó (chưa rõ vị trung sứ này tên gì). Ý Nguyễn Văn Tường ở câu này: “tin tức bổ sung cuối ngày”.

51

Ở GIA ĐỊNH,
XEM VƯỜN THÚ TÂY LẬP, CẢM XÚC

Nhà khách, trời chiều, việc sứ thưa
Bờ đông, cong lối, ngựa xe đưa
Nhiều chuồng lông lá (1) là loài mới
Nửa khoảnh chim hoa khác vẻ xưa!
Đối cảnh buồn ai: trò chủ cướp!
Gặp người (2) bảo chúng:
nghiệp riêng mua?(3)
Cớ sao trời đất còn nhiều chuyện
Khiến nỗi vườn hề (4) phải chép thừa!


TRẦN XUÂN AN
chuyển lại thơ

(1) Nguyên văn: “mao giới” (lông [và] vỏ). Lông và lá! Lá thay áo, thời hồng hoang nguyên thủy. Vải hay lá làm áo cũng là một thứ “vỏ” (mai rùa, vỏ cua...). Trong tiếng Việt, có từ ghép: lông lá, bọn lông lá.

(2) Nguyên văn: “nhân”, chỉ con người, loài người nói chung, đối nghĩa với “vật” ở câu thứ ba.

(3) Xem chú thích ở bản dịch nghĩa bài này. “Nhân lưa” là nhân sẽ lưu lại về sau, như một lời cảnh báo về luật nhân quả hiện thực, nhãn tiền. Tất nhiên, ở đây, nhà thơ Nguyễn Văn Tường chỉ mượn cớ để vẽ ra cảnh thực dân Pháp sẽ bị đền tội như lũ thú lông lá ở vườn thú, một cách rất thực tế, rất lịch sử.

Bản dịch thơ này, xin tạm bỏ chữ “nan” (khó), thêm dấu hỏi, tỏ sự tự phân vân: nên hay không nên nói với người mình điều ấy.

Có thể thay hai câu thơ dịch trên:

Đối cảnh buồn ai dựng chủ cướp
Gặp người bảo chúng tạo nhân lưa?


(4) Tạm dịch, xem chú thích ở bản dịch nghĩa bài này.




Bài 52

QUÁ KIM CHƯƠNG TỰ


Tằng hướng trường sinh thuyết tức ki (cơ)
Bách niên thế sự bất thăng bi
Các trung đế tử kim hà tại?
Thành quách nhân dân bán dĩ phi!


NGUYỄN TÔN NHAN
phiên âm và dịch nghĩa

52

ĐI NGANG QUA CHÙA KIM CHƯƠNG (1)

Từng trông vào [thuật] trường sinh, bàn luận [về] nhịp thở (2)
Trăm năm, chuyện đời, không kìm được (: khôn xiết) buồn!
Con vua (3) trong lầu gác [tại chùa], nay ở đâu?
Thành lũy, nhân dân, một nửa đã mất! (4)

(1) “Kim Chương tự”: chùa Bài Văn [bằng] Vàng. Chùa này ở Gia Định, nay thuộc thành phố Hồ Chí Minh. Ngôi chùa này đã bị phá hủy từ thời Pháp xâm lược. Hình như pho tượng Phật lớn về sau được đưa vào Bảo tàng thuộc Thảo cầm viên tại Sài Gòn (TP. HCM). Xin xem chú thích (3) bài này.

(2) Thuật trường sinh với phương pháp điều hòa nhịp thở, thuộc bộ môn khí công. Các môn phái dô-ga (yoga) ở Ấn Độ, đạo Lão, Thiền tông (Phật giáo) cổ xưa, hiện nay, đều có vận dụng, sáng tạo. Ngoài các thủ pháp quá đáng, cực đoan, như chuyên tập nín thở với các định mức càng lâu càng tốt (!),phép dưỡng sinh này hiện nay đã được khoa học chứng nghiệm là rất hữu ích. Ở nước ta, bác sĩ Nguyễn Khắc Viện, nhà nghiên cứu - phổ cập Nguyễn Minh Kính đã công bố nhiều công trình, tư liệu về thuật dưỡng sinh này. (Xem Senbec, Pocơrốpxki, Cooc-khin, Thể dục chữa bệnh ở nhà, Đào Duy Thư dịch, Nxb. TDTT., 1984).

Cùng với câu thứ hai kế tiếp, tác giả muốn nói, trước cảnh mất nước, bị ngoại xâm, không cách nào giữ được lòng thanh tịnh, tâm không!

(3) Minh Mạng được sinh ra tại một nơi, về sau, nơi ấy dựng thành chùa, ở tỉnh Gia Định. Ngôi chùa ấy là chùa Bài Văn Vàng (Kim Chương tự)? ĐNLT., tập 2, sđd., tr. 31, ghi rõ: “Năm Tân hợi (1791), hậu [Thuận thiên Cao hoàng hậu] 24 tuổi, sinh ra Thánh tổ Nhân hoàng đế [hoàng tử Đởm (Đảm), tức vua Minh Mạng] ở thôn Hoạt Lộc (thuộc Gia Định); khoảng năm Minh Mệnh [Mạng] dựng đền Khải Tường ở đấy”. Trần Trọng Kim ghi: “ở làng Tân Lộc, gần Sài Gòn bây giờ” (VNSL., sđd., bản 1999, tr. 420). Sài Gòn cũ và tỉnh Gia Định đều thuộc thành phố Hồ Chí Minh hiện nay.

Theo chỗ chúng tôi biết, trên nền đền Khải Tường, đã xây dựng nên chùa Kim Chương. Chùa này bị Pháp phá hủy từ thuở ấy. Trên nền chùa cũ, hiện nay xây dựng Trung tâm Trưng bày tội ác chiến tranh xâm lược (1858 - 1988), (góc đường Võ Văn Tần – Lê Quý Đôn, Q. 1, tp. HCM.).

Về câu thơ “Các trung đế tử kim hà tại?”: đây là nguyên văn một câu thơ của Vương Bột, nhà thơ đời Đường (Trung Hoa), trong bài “Đằng Vương các”, nhắc đến Lý Nguyên Anh, con của Đường Cao Tổ (Thơ Đường, tập 1, sđd., tr. 25). Có điều, cảm xúc của Vương Bột chỉ là nuối tiếc cảnh vàng son xa xỉ đã mất với niềm ngậm ngùi về nỗi vật đổi sao dời. So hai bài thơ, “Đằng Vương các” với “Quá Kim Chương tự”, ta thấy nỗi đau của Nguyễn Văn Tường lớn lao hơn, sâu thẳm hơn rất nhiều.

Đằng Vương cao các lâm giang chử
Bội ngọc minh loan bãi ca vũ
Hoạ đống triêu phi Nam phố vân
Châu liêm mộ quyển Tây sơn vũ
Nhàn vân đàm ảnh nhật du du
Vật hoán tinh di kỉ độ thu
Các trung đế tử kim hà tại?
Ngoại hạm trường giang không tự lưu
.

Gác Đằng cao ngất bãi sông thu
Ngọc muá vàng reo nay thấy đâu?
Nam phố mây mai quanh nóc vẽ
Tây sơn mưa tối, cuốn rèm châu
Đầm nước mây vờn ngày tháng trôi
Mấy phen vật đổi với sao dời
Đằng vương thuở trước giờ đâu tá?
Sông lớn ngoài hiên luống chảy hoài.


TƯƠNG NHƯ
dịch thơ
(sđd., tr. 26)

Nhạc sĩ, nhà nghiên cứu Vũ Đức Sao Biển cũng đã từng so sánh ở bình diện rộng hơn (với cả nền thơ Đường – Tống) và cũng nhận định như thế. Hẳn không có gì là thiên vị hay quá lời chăng?

Xem lại chú thích (1) bản dịch nghĩa bài thơ “Quá Kim Chương tự” này.

(4) Chữ “phi”, có nghĩa là “không”, trái nghĩa với chữ “phải”... Nhân dân, thành quách đã mất một nửa! Nhất là nhân dân, còn sống đó, vẫn sinh sôi nẩy nở, nhưng... Không còn gì chua xót hơn! Cũng như hơn vạn người Bắc Kì cam làm tay sai cho Pháp, tổ chức bắt cóc Nguyễn Văn Tường, khi ông đành phải ra Hà Nội để kí hai thỏa ước nhằm triệt thoái quân Pháp ra khỏi Bắc Bộ (xem Tsuboi, NĐNĐDVP. & TH., sđd., tr. 78). ĐNTL.CB., tập 32, sđd., tr. 359 ghi rõ: “Nguyên trước, An Nghiệp [Françis Garnier] mộ được 12.000 [một vạn hai ngàn] người, lẫn cả người đi lương, người đi đạo”; ĐNTL.CB., tập 32, sđd., tr. 356, ghi: “Tiến đến thành Hải Dương (trong thành hiện có viên quan một người Pháp và 30 tên lính đóng giữ), ngụy tổng đốc (tên là Trương, là người thợ rèn, theo giáo, nguyên là người An Nghiệp [F. Garnier] mới đặt) mưu bắt Văn Tường để phá hỏng việc. Văn Tường dò biết, mật bàn với quan nước Pháp, giải đưa xuống tàu giam lại...”. Tất nhiên lúc đó Pháp đã lật lọng với giáo dân, dân lương cam tâm làm tay sai! Tuy vậy, Nguyễn Văn Tường vẫn thận trọng: “... rồi tư ngay cho tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên đem quân đến (Bắc Ninh 400 người, Hưng Yên 200 người) và triệu tập lính tổng cộng được hơn 1000 người để sai phái”!

Hải Dương cũng chẳng khác gì Gia Định! Đến như thế thì quả thật, “khôn xiết buồn”, đến nỗi ông phải thốt lên:

“Thành quách, nhân dân, một nửa đã mất!”.

Đồng cảm sâu sắc nỗi đau đó, về sau, khi kinh đô Huế đã thất thủ, Nguyễn Xuân Ôn (cũng như Nguyễn Đức Đạt) vẫn trung thành với Nguyễn Văn Tường, Tôn Thất Thuyết trong phong trào Cần vương (kẻ đánh người đàm); và Nguyễn Xuân Ôn đã hai lần lặp lại câu này trong hai bài thơ của ông, sáng tác sau khi bị giặc Pháp bắt, 1887 (xem: ĐNTL.CB., tập 37, sđd., tr. 138; Thơ văn NXÔ., sđd., tr. 160 và 182).

52

ĐI NGANG QUA CHÙA KIM CHƯƠNG

Theo thuật trường sinh bàn thở sâu
Trăm năm khôn xiết việc đời sầu!
“Con vua trong gác nay đâu nhỉ?”
Thành quách, nhân dân, một nửa đâu!


TRẦN XUÂN AN
chuyển lại thơ



Bài 53

ĐỀ BÌNH TÂY TƯỚNG QUÂN LÊ
QUẬN CÔNG MỘ
(MỖI CÚ HỮU SỔ MỤC TỰ)


Nam tử đương vi nhất thế hùng
Bán thiên ứng vận kỉ như công!
Lưỡng kì sử tải khôi cương tích
Bách chiến nhân suy (thôi) hỗ giá công
Tam xích hiệp (1) phong tồn cố liệp
Cửu nguyên cô phẫn khởi lương cung
Vị khôi thất thập niên tiền sự
Tụng biến bình Tây lục tỉnh trung.


NGUYỄN TÔN NHAN
phiên âm và dịch nghĩa

(1) Luân? Có lẽ “luân”, đúng hơn.

53

NÊU LÊN [NHỮNG SUY NGHĨ TRƯỚC] MỒ
BÌNH TÂY TƯỚNG QUÂN [ĐƯỢC PHONG
TƯỚC] QUẬN CÔNG [HỌ] LÊ (1) (a)

Người đàn ông (a) [cần] gánh vác công việc, làm [nên] một đời hào hùng (a)
Nửa nghìn [binh tướng] ứng theo thời vận [“triều đại”] (2), mấy [ai] như ông (quận công) (1) (a)
Hai miền (3) [Tổ quốc], sử sách chuyên chở [truyền bá] công lao to lớn (a) [cầm] dây cương ngựa (4)
Trăm trận chiến, người [đời] suy tôn [về] công phò giúp xe chúa (5)
Ba thước (a) [kiếm, gươm], sự phong tặng [lúc thế đang] chìm đắm (6) (hoặc: trong sự hòa hợp) vẫn còn [những] sợi tua [chuôi kiếm] cũ
Chín đồng bằng (a), nỗi căm giận [giữa thời phải chịu] lẻ loi khởi đầu cho cây cung tốt (7)
Chưa tro tàn (a) chuyện cũ bảy mươi năm trước
[Người đời] ngợi khen khắp cả [về công trạng] dẹp yên
Tây [Sơn] (8) giữa sáu tỉnh [Nam Kì (xưa)].

(1) Lê Văn Duyệt, người Định Tường (tỉnh thời Nguyễn, nay là Đồng Tháp, Bến Tre, Mỹ Tho...); quê gốc: Quảng Ngãi. Ông có công với Nguyễn Ánh, chống nhà Tây Sơn (triều đại do vua Quang Trung, Nguyễn Nhạc, Nguyễn Lữ, đánh Nguyễn, dẹp Lê-Trịnh, chiến thắng quân Thanh [Trung Hoa], quân Xiêm [Thái Lan], lập nên). Lê Văn Duyệt thuộc loại công thần bậc nhất của triều Nguyễn, thời Nguyễn Ánh (Gia Long). Về sau, do con nuôi là Lê Văn Khôi (vốn tên Nguyễn Hữu Khôi, người Cao Bằng) nổi loạn ở Gia Định, nên ông bị Minh Mạng truy các tội cũ, san bằng mộ và dựng bia với tám chữ ngay trên mộ san bằng ấy: “Quyền yêm Lê Văn Duyệt chịu hình pháp” (dịch từ nguyên văn chữ Hán). Đến thời Thiệu Trị, được giảm án, rồi đến khi vua Tự Đức lên ngôi (1841), bản án ấy một lần nữa được xem xét lại, minh oan phần nào, và tha tội (1849).

[Xin xem ĐNLT., tập 2, Nxb. Thuận Hóa, 1993, tr. 373 – 414; ĐNNTC., tập 2, sđd., tr.444 – 445: viết gọn hơn, ở mục “Nhân vật” của chương “Tỉnh Quảng Ngãi”].

Hiện nay khu mộ Lê Văn Duyệt ở bên cạnh chợ Bà Chiểu, thành phố Hồ Chí Minh, vẫn được nhang khói phụng thờ. Tuy người mê tín vẫn còn lén lút xin xăm, bói toán, sùng bái gọi là Lăng Ông, nhưng đa số vẫn hiểu đấy chỉ là di tích lịch sử.

Dẫu sao, Lê Văn Duyệt cũng không phải là người có công chống ngoại xâm, mà chỉ là danh tướng giúp Nguyễn Ánh lập nên triều Nguyễn, thống nhất đất nước (sự nghiệp thống nhất Đàng Trong, Đàng Ngoài, công chính vẫn là của Quang Trung Nguyễn Huệ, mà Gia Long Nguyễn Ánh chỉ thừa kế). Xin xem tiếp ở chú thích (8) bài này.

(2) Tác giả nhắc đến việc các binh tướng phò Nguyễn Ánh, lúc chúa Nguyễn bị Tây Sơn đánh bại. Chúng tôi tạm hiểu hai chữ “ứng vận” (đáp ứng vận nước) là như thế (vận “triều đại” Nguyễn). Bởi lẽ triều Nguyễn chính thức xưng đế, từ 1802, nhưng Nguyễn Hoàng vào trấn nhậm đất Thuận Hóa, từ 1558, nghĩa là từ 224 năm về trước. Nếu đánh giá với quan điểm lịch sử – cụ thể, thì sự nghiệp của chúa Nguyễn và triều Nguyễn có bề dày như vậy. Thời phong kiến quân chủ, Đất Nước chỉ là cơ nghiệp của một dòng họ (hoàng tộc)... Xin xem chú thích (6) bài này.

(3) Nước ta từ Nam Quan đến Cà Mau, thời Nguyễn, trên danh từ về địa giới hành chính, thay vì gọi Đàng Ngoài (từ sông Gianh trở ra), Đàng Trong (từ sông Gianh trở vào), thì gọi là Trung Kì, Bắc Kì, Nam Kì. Trung Kì gồm: hữu kì (từ Hà Tĩnh trở ra), tả kì (từ Bình Định trở vào), lấy Quảng Nam, Quảng Ngãi làm tả trực kì, Quảng Bình làm hữu trực kì, lấy Thừa Thiên (gồm cả đạo Quảng Trị) làm kinh sư (trực kì), [ĐNTL.CB., tập 30., sđd., tr. 72, chú thích của Viện Sử học]. Ngoài ra, cũng còn có cách gọi: lưỡng kì Nam – Bắc, gồm tả kì (từ Huế trở vào) và hữu kì (từ Huế trở ra).

(4) Chữ “cương” trong từ ghép “cương tỏa”. “Cương” là dây buộc, điều khiển ngựa. “Tỏa” là hàm sắt khóa miệng ngựa để ngựa khỏi dừng lại ăn cỏ dọc đường (xem TĐHV., sđd., tập thượng, tr. 142). Ở ngữ cảnh này, là tài cầm cương, tức là tài điều quân khiển tướng. Ngôn từ còn có tính phong kiến chuyên chế hiện nay vẫn còn lắm người sử dụng, bởi ngôn ngữ ở nước nào cũng có tình trạng chung ấy.

(5) Nguyễn Ánh thực sự lên ngôi hoàng đế (vua) vào năm 1802. Trước đó vẫn được gọi là chúa, “quốc chúa” (mặc dù Nguyễn Phúc Khoát, 1744, đã xưng vương hiệu: Võ vương). Ở câu thơ này, Nguyễn Văn Tường nhắc lại công phò Nguyễn Ánh của Lê Văn Duyệt lúc vị chúa này còn phải bôn tẩu ra Côn Đảo, Phú Quốc, sang Xiêm La (Thái Lan). Cũng có thể hiểu là công hộ tống vua Cao Miên về nước.

(6) Lúc Nguyễn Ánh còn bôn tẩu, chịu lắm nỗi cơ cực để quyết giành lại cơ nghiệp chúa Nguyễn đã dày công mở cõi ở Đàng Trong, Lê Văn Duyệt còn là thái giám hầu cận nội cung.

(7) Cung, kiếm, hai loại binh khí, tượng trưng cho tài năng quân sự của Lê Văn Duyệt (mặc dù Lê Văn Duyệt tính hơi dữ tợn, lại xét án trong khi xử tội quân lính khá tàn bạo; xem ĐNLT., tập 2, sđd., tr. 379 và ĐNNTC., tập 2, sđd., tr. 444). Xem chú thích (8.a) bài này, phía sau.

(8) Ngay từ năm 1919, dưới thời nhà Nguyễn chịu thuộc Pháp, Trần Trọng Kim đã xác định tài năng và đức độ vua Quang Trung, coi Tây Sơn là triều đại chính thống (xem VNSL., sđd., bản 1964, tr. 359, 380 - 381; bản 1999, tr. 395, 407). Tuy nhiên, thời bấy giờ, 1885 trở về trước, nhiều người hẳn không chịu quy phục Quang Trung, vì nhớ “ơn mở cõi” của chúa Nguyễn, vì anh em nhà Tây Sơn bất hòa, và vì lí do chính (lí do chính này lại bền vững): nhà Tây Sơn có gốc gác lâu đời ở Trung Hoa (người Tàu lai làm vua nước ta là nhục quốc thể, cho dù nhà Tây Sơn không thuộc gốc Hán tộc).

Nguyễn Văn Tường là trung thần của triều Nguyễn trong điều kiện lịch sử – cụ thể với những hạn chế của thời đại. Ông không thể phụ công ơn lớn hơn mọi công ơn khác, có thể sánh với công ơn giành độc lập, chống ngoại xâm cho dân tộc, ấy là “công ơn mở cõi” của chúa Nguyễn, triều Nguyễn. Do đó, hẳn ông vẫn xem nhà Tây Sơn là nghịch tặc, không chịu hiểu rằng, sự chia cắt Đất Nước hơn hai trăm năm là tội lỗi đối với xương máu dân tộc của cả Nguyễn lẫn Trịnh thời phân tranh, mà Quang Trung lại có công thống nhất (dù còn cát cứ do nội bộ ba anh em). Nhưng Nguyễn Văn Tường cũng như bao trung thần của triều Nguyễn vẫn có lí của họ, không chịu nhục quốc thể (dân tộc ta không còn ai sao, lại để người Tàu lai làm vua nước Việt!), như đã nói trên.

Lịch sử có những oái oăm và những vấn nạn của nó. Đấy là những khó khăn thật sự. Đến nay, năm 2000, đã dễ gì có câu trả lời thỏa đáng, nếu chúng ta không có cái nhìn lịch sử – cụ thể. Nói rõ hơn, có những tâm trạng, ý nghĩ, những giá trị vật chất, tinh thần chỉ được chấp nhận, thấu hiểu ở một giai đoạn lịch sử với không gian, thời gian nhất định, lại cũng có những giá trị vĩnh cửu, thuộc về muôn thuở, như lòng yêu Tổ quốc, dân tộc, ý chí chống ngoại xâm, như tình yêu đôi lứa, tình yêu thiên nhiên và nhân loại...

Do đó, “ơn mở cõi” của chúa Nguyễn đã trở thành “sự đã rồi” của lịch sử nước ta, cũng tương tự như “sự đã rồi” của hầu hết các nước trên thế giới, dẫu chúng ta khai hoang lập ấp là chính! Chúng tôi cũng từng cảm xúc về thuở mở nước ấy:

“... Sân đình lặng nhớ cha ông
Thuở nào mở đất dắt bồng cháu con
Hoang vu chí ngợp vai sờn
Ngoảnh về cố quận, hoàng hôn cháy lòng”...


Và có khiên cưỡng không, với sự mở rộng vấn đề ra quá mức của một chú thích thế này, trong khi Nguyễn Văn Tường chỉ nêu vấn đề của công thần triều Nguyễn là Lê Văn Duyệt để chia sẻ niềm cảm xúc, suy tưởng và chỉ nhẹ nhàng nhắc đến nhà Tây Sơn?

(a) Nhà thơ Nguyễn Văn Tường có ghi chú ngay dưới đầu đề một dòng chữ cỡ nhỏ, nhỏ hơn cỡ chữ chép thơ bình thường của ông: “Mỗi cú hữu sổ mục tự” (“mỗi câu có vài chữ số” [số mục]). Ngoài ra, thiết tưởng cũng nên lưu ý đến các nhãn tự (chữ mắt) trong bài thơ này. Có lẽ nhà thơ muốn khẳng định về mặt cá tính, Lê Văn Duyệt là một trang nam tử hẳn hoi, mặc dù có tật bẩm sinh sinh thực khí, lại xứng đáng là hùng (giống đực; dũng mãnh). Nhà thơ trân trọng gọi ông đúng tước được phong: công. Trong bài có hai chữ “khôi”, ở câu 3 và câu 7, tuy đồng âm nhưng phải dùng mắt để thấy khác mặt chữ với tên Khôi (Lê Văn Khôi, xem VNSL., sđd., bản 1999, tr. 473). Đặc biệt là “tam xích” và “cửu nguyên”, đều trùng âm, đồng mặt chữ nhưng có thể hiểu hai nghĩa. Nghĩa thứ nhất ở bản dịch nghĩa bài này. Nghĩa thứ hai, ở hai câu tạm dịch nghĩa như sau: “Luật pháp ghi ở ba thước thẻ tre đã xử “tội” ông, [nhưng] sự phong tặng [lúc thế đang] chìm đắm vẫn còn chuôi [kiếm] cũ; Chín nguyên tội được tha, [vẫn nhớ] nỗi căm giận [giữa thời phải chịu] lẻ loi đã khởi đầu cho cây cung tốt”.

Vua Minh Mạng và đình thần đã kết án Lê Văn Duyệt “cửu nguyên”, trong đó có bảy tội xử trảm, hai tội xử giảo. “Cửu nguyên” ấy còn dẫn đến đề nghị: thu hết bằng sắc, bổ quan tài ra chém xác để tỏ gương răn (về sau, không quật mộ giết thây mà thay vào đó là dựng bia răn ở mồ chôn, ở nhà học). Vua Minh Mạng còn ra dụ:

“Dụ nay cho chép ra, phát cho kinh ngoại mỗi nơi một đạo, để cho đều biết triều đình hành pháp rất là chí công: rõ ràng cán cân công bằng, luật ba thước oai nghiêm rìu búa, phép ngàn thu” (xem ĐNLT., tập 2, sđd., tr. 407 - 409). “Tam xích” còn có nghĩa như vậy.

53

NÊU LÊN NHỮNG SUY NGHĨ TRƯỚC
NGÔI MỘ BÌNH TÂY TƯỚNG QUÂN
ĐƯỢC PHONG TƯỚC QUẬN CÔNG
LÊ VĂN DUYỆT

Gánh việc, thân trai một kiếp hùng
Nửa ngàn đáp vận ai như ông?
Hai miền sử chuyển: cầm cương búa (1)
Trăm trận người tôn: phò chúa công
“Ba thước” lặng phong còn tích cũ
“Chín miền” riêng hận dậy cung đồng
Chưa tàn, chuyện bảy mươi năm trước!
Ca khắp: Bình Tây, đất Cửu Long.


TRẦN XUÂN AN
chuyển lại thơ

(1) Tạm ghép thành từ cương buá. Cương để điều khiển ngựa, búa để điều khiển voi. “Cương [và] búa” là từ ghép đẳng lập, đối với “chúa [và] công”.

Không có nhận xét nào: