Chủ Nhật, tháng 11 05, 2006

8. NGUYEN VAN TUONG (1824 - 1886) -- THO -- VAI NET VE CON NGUOI, TAM HON & TU TUONG / Tệp 8

Bài 13

ỨC KINH ẤU NỮ


Kim niên ấu nữ ngũ niên xuân
Mỗi ức thần hôn lãng tiếu tần
Dục tỉ nam nhi an nhĩ mẫu
Khước kinh hồ thỉ lão biên trần.


TRẦN ĐẠI VINH
phiên âm

13

NHỚ CON GÁI TRẺ THƠ Ở KINH ĐÔ

Năm nay tuổi bé lên năm rồi
Mỗi nhớ sớm hôm chợt nói cười
Muốn sánh con trai yên trí mẹ
Chợt lo hồ thỉ bụi già đời.


TRẦN ĐẠI VINH
dịch thơ

13

NHỚ CON GÁI TRẺ THƠ Ở KINH ĐÔ (1)

Năm nay con gái trẻ thơ [đã trải qua] năm mùa xuân
Mỗi lần [nhớ con, đều] nhớ [từ] sáng sớm [đến] chiều
hôm [con] hồn nhiên, tinh nghịch, cười hoài (nhiều lần)
Muốn ví [con] là con trai [cho] yên [lòng] người mẹ [của] con
Chợt lo [là con trai sẽ bị] cung, tên (2) [của chiến
tranh] lại làm [cho] già nua với [khói] bụi biên giới!

(1) Kinh đô Huế.
(2) Hồ thỉ (cung tên): chí làm trai.

13

NHỚ CON GÁI TRẺ THƠ Ở KINH ĐÔ

Năm nay con gái lên năm rồi
Hoài nhớ sớm hôm hay nhoẻn cười
Muốn ví là trai yên dạ mẹ
Chợt lo súng ải (1) bụi già đời!


(bản biên soạn)

(1) Hồ (cung), thỉ (tên) + biên (biên giới). Tạm dịch: Súng ải.

(2) “Hồ thỉ”: chí làm trai; nếu dịch theo nghĩa bóng này:
“Chợt lo tráng chí bụi già đời!”.

Bài 14

ĐẮC BÁO NGUYÊN TÔN SINH


Thử thân gia khánh hựu quân ân
Cuộc ngoại phù trầm khởi túc luân (luận)
Niên cận ngũ tuần tằng sự tổ
Thư lai thiên lí báo sinh tôn (1)
Quyên ai vị đáp thường ưu lão
Lam chướng tuy thâm cảm ái ôn
Trung hiếu ngô môn bồi dưỡng hậu
Miễn tai tố nghiệp các nghi đôn.


TRẦN ĐẠI VINH
phiên âm

14

ĐƯỢC TIN SINH CHÁU NỘI ĐẦU

Thân này, mừng họ, ơn vua ban
Chìm nổi giữa đời chẳng đủ bàn
Năm chục, ta cầu, tiên tổ sáng
Dặm nghìn, con viết, đích tôn ngoan
Ơn sâu chưa đáp từng lo lão
Lam chướng đã nhiều dám thích nhàn
Trung hiếu nhà ta bồi dưỡng tốt
Gắng noi nghiệp cũ, trau nếp văn.


TRẦN ĐẠI VINH
dịch thơ

(1) Bản chép chữ Hán nhầm, cứ chép theo đầu đề là “tôn sinh”. “Sinh tôn” mới hợp vần và chỉnh đối, nghĩa vẫn vậy.

14

ĐƯỢC TIN SINH CHÁU NỘI ĐẦU

Đó là phúc của bản thân mình, cũng là ơn vua (1)
[Nhưng] chìm nổi [như thể] ngoài cuộc, bàn lo [cho lễ mừng ấy] làm sao đủ đầy, trọn vẹn!
Tuổi [đã] gần năm mươi, [thường] trải việc thờ phụng tổ tiên (2)
Thư đến [từ] ngàn dặm, [mới] báo [đứa] cháu [được] sinh ra
Bụi bặm [giũ sạch ở] khe nước (: ơn mưa móc) (3) chưa
đáp đền, [nên] mãi lo [bản thân chóng] già nua
Bệnh sốt rét [do] khí núi độc (3), tuy lạm (nhiễm quá mức), [vẫn đâu] dám yêu thích vẻ ấm áp
[của cảnh nhà]!
Lòng trung, đức hiếu nhà (họ) mình vun đắp, nuôi dưỡng đầy đặn (4)
Gắng nhé! [Cố sức cho] truyền thống gia phong cao khiết,
trong sạch [hoặc vốn có], [mọi điều,
mọi người] đều [phải] nên trau dồi [dốc sức] (4).

(1), (2), (4) Có lẽ ngoài điều tâm niệm của kẻ sĩ Nho giáo là tam ân (ơn dân, ơn nước, ơn vua), tác giả còn muốn nhắc đến sự khoan dung khỏi bị tội lây do thân nhân (thân sinh dính líu vào một cuộc nổi dậy nhỏ bởi sự áp bức của quan huyện hoặc lí tưởng) (?) và sự xóa án về chữ “Phúc” (Phúc Tường: cái tốt đẹp trong lòng; Văn Tường: cái đẹp phô trương ra ngoài), khi Tự Đức lên ngôi vua (xem ân chiếu chung, ĐNTL.CB., sđd., tập 27, tr. 39 - 40). Án về chữ “Phúc” (còn đọc là “Phước”), chỉ do sự chép nhầm từ “Phúc” nghĩa là “nỗi niềm trong lòng”, “trong lòng dạ” thành chữ “Phúc” có nghĩa là “những điều may mắn, tốt đẹp” – chữ “Phúc” của họ Nguyễn Phúc (hoàng tộc) –, bởi các học quan (Bộ Lễ), quan chủ khảo, quan đề điệu, trên danh sách tú tài trúng tuyển do chính các quan ấy viết... Phải chăng là vậy? Vả lại, họ Nguyễn Phúc hoàng tộc đã được vua Minh Mạng đổi thành Tôn Thất (đối với chi xa), hoặc đã định cách đặt tên theo đế hệ thi (chi chính), phiên hệ thi (chi gần), từ trước năm 1832 (Xem: ĐNTL.CB., tập 11, sđd., tr. 222; tập 23, sđd., tr. 119 – 122)… Về bản án “Nguyễn Phúc”, họ vua, xem ĐNTL.CB., sđd., tập 24, tr. 163 - 165; Cao Xuân Dục, Quốc triều hương khoa lục, bản dịch, sđd., Nxb. TP. HCM., 1993, tr. 297: [?!]. Xin xem chú thích (16) ở bản dịch nghĩa bài số 56 (*).

(3) Nguyên văn: “quyên ai” (bụi bặm / trong sạch; dòng nước nhỏ [và] bụi bặm; lần lượt [được] chọn lọc [?]...).

“Quyên ai” đối với “lam chướng”.
“Lam” (khí núi bốc lên); “chướng” (bệnh ở bên trong).

Đó là hai cặp từ ghép chính phụ hoặc đẳng lập (danh từ + danh từ):

Bụi-bặm [và / ở] khe-nước-nhỏ...
Bệnh-sốt-rét [và / do] khí-độc-núi-rừng.

Do đó, có lẽ “quyên ai” là từ chỉ việc tắm gội (các nhà nho thường dùng thành ngữ: “tắm gội ơn mưa móc”), lễ tẩy trần, quyên cát (trai giới trong sạch, chuẩn bị cho việc thiêng liêng như mừng năm mới, kị giỗ...).

Chắc “quyên ai” là nghi thức đền đáp, nho sĩ Nguyễn Văn Tường, trang trọng một cách lặng lẽ, thực hiện khi nhận được tin có cháu nội đầu (“nguyên tôn”), với niềm xúc động sâu xa.

Tuổi gần năm mươi mới có cháu nội đầu tiên là khá muộn, trong thời bấy giờ!

Bài thơ hé mở về thân thế, hoàn cảnh riêng tư của tác giả.

[Về các từ, xem TĐHV., sđd., tr. 4, 191, 480 (tập thượng), 169 (tập hạ)].

Tuy nhiên, “quyên ai”, theo Thiều Chửu, HVTĐ., sđd., tr. 232, 345, còn có nghĩa là hạt bụi tí tẹo, ví với sự bé mọn. Với nghĩa này, từ tố “quyên” (dòng khe nhỏ, tia nước nhỏ) bị mờ nghĩa hoàn toàn. Lẽ ra phải là “hạt bụi tơ sương”. “Quyên ai” trở thành một hình ảnh tự ví, tự xưng, với tập quán khiêm tốn: thân bụi, phận sương.

Xin ghi chép thêm cho rộng đường cảm thụ, cùng với vài dòng mạo muội suy luận.

14

ĐƯỢC TIN SINH CHÁU NỘI ĐẦU

Ơn vua, thọ tộc, phúc thông gia
Ngoài cuộc, sao bàn! Chìm nổi xa!
Năm chục, tuổi kề, hương lạy vọng
Dặm ngàn, thư báo, cháu sinh ra
Chưa đền, bụi – suối (1) lo mau lão
Dẫu lạm sốt – sương, dám ấm nhà!
Trung hiếu họ mình đầy đặn đắp
Gắng trau nghiệp cũ, nếp ông cha!


(bản biên soạn)

(1) Tạm dịch:

Bụi mưa, chưa đáp, lo mau lão
Sương sốt, dù vương, dám ấm nhà!


Hoặc:

Thân bụi chưa đền, lo sớm lão
Phận sương dù nhiễm, dám yên nhà!



Cước chú của bài thơ số 14, thuộc Phần thứ III (Thi tập Nguyễn Văn Tường):

(*) Xin xem thêm: Trần Xuân An, “PCĐT. Nguyễn Văn Tường”, bộ truyện – sử kí – khảo cứu tư liệu lịch sử, (bốn tập), tập I: truyện thứ nhất, “Quốc tính và người học trò tội đồ không chịu đổi tên”. Ở truyện này, vấn đề đó đã được giải quyết một cách chi tiết và xác thực hơn.


Bài 15

TẶNG BẮC PHIÊN
PHẠM QUAN THÀNH
QUY TỈNH THÂN BỆNH


Quân thúc quy trang, ngã hựu hành
Bạch đầu chỉ vị biệt li sinh
Lâm kì tương tống nan tương biệt
Vạn mộc tùng trung nhất điểu thanh.


TRẦN ĐẠI VINH
phiên âm

15

TẶNG BỐ CHÁNH BẮC NINH
PHẠM QUAN THÀNH
VỀ THĂM BỆNH CHA MẸ

Bạn gói hành trang, tôi lại đi
Bạc đầu chỉ sống với chia li
Đến khi đưa tiễn khôn từ tạ
Vọng giữa khóm cây tiếng tử quy!
(1)

TRẦN ĐẠI VINH
dịch thơ

(1) Tử quy, còn có tên khác, là đỗ quyên, thường gọi là chim cuốc hoặc chim quốc quốc. Thơ Bà Huyện Thanh Quan có câu:

“Nhớ nước đau lòng con quốc quốc
Thương nhà mỏi miệng cái gia gia”

(Qua đèo Ngang)

Chúng tôi (TXA. – nbs.) tạm thay vào hai chữ “tử quy” này, bởi lúc bấy giờ nước ta đã bị Pháp bức chiếm ba tỉnh Miền Đông Nam Kì (1862) và Phan Thanh Giản “dâng đất” tiếp ba tỉnh Miền Tây (1867) cho chúng! Vả lại, tứ thơ rất sâu, cực kì hàm súc: “Vạn khóm cây trong một tiếng chim”, một tiếng chim gợi nên cả một miền Đất nước, một không gian mênh mông, xa cách... Cả một phức hợp cảm xúc, nỗi niềm! Nhưng, đây chỉ là một cảm nhận, có lẽ hơi khiên cưỡng, lúc ướm thử vần!

Xin xem thêm : “Truyện đọc”, lớp 5, Đỗ Quang Lưu, Vân Thanh tuyển chọn, Nxb. Giáo Dục, 2000, tr. 31 - 36: “Sự tích chim quốc” (Nguyễn Đổng Chi sưu tầm, Kho tàng truyện cổ Việt Nam, tập 1). Đó là một truyện kể về tình bạn thắm thiết giữa hai nhân vật, Quắc và Nhân.

15

TẶNG BỐ CHÁNH BẮC NINH
PHẠM QUAN THÀNH (1)
VỀ THĂM BỆNH THÂN SINH

Bạn gói gắm hành trang [để] về [nhà], tôi [cũng]
lại ra đi
Bạc đầu chỉ [chịu đựng] bởi đời sống [quá nhiều lần] chia biệt!
Đang khi cùng tiễn chân nhau [nhưng] khó cùng cách biệt nhau
[Ngỡ như nghe, thấy] vạn khóm cây [bạt ngàn lại chỉ gói trọn] trong một tiếng chim!

(1) Phạm Thận Duật còn có biệt hiệu Vọng Sơn, Quan Thành. Ông là tác giả của các cuốn sách: Hưng Hóa kí lược, Quan Thành tấu tập, Vãng sứ Thiên Tân nhật kí, Quan Thành văn tập (*).

“Quan Thành”: nhất định không thay đổi quan niệm (cách nhìn nhận).

“Vọng Sơn”: ngọn núi để làm tiêu đích định hướng cho người đi đường rừng; núi để đặt trạm quan sát...

Hình tượng trong danh hiệu tự đặt thường để tỏ chí mình.

15

TẶNG BỐ CHÁNH BẮC NINH
PHẠM THẬN DUẬT
VỀ THĂM BỆNH THÂN SINH

Bạn gói hành trang, tôi lại đi
Bạc đầu chỉ bởi kiếp sinh li (1)
Đang khi cùng tiễn khó cùng biệt
Vạn khóm xanh trong tiếng tử quy!
(2)

(bản biên soạn)

(1) Nếu Nguyễn Văn Tường và Phạm Thận Duật đều là “vọng sơn”, hai ngọn núi kề nhau, chắc hẳn tình bạn của họ không bao giờ “tương biệt”. Ở một khía cạnh nào đó, câu thơ thể hiện tâm thức về “kiếp người” của tác giả. Làm người, thấu hiểu khổ đau và hạnh phúc...

(2) Vạn núi một xanh tiếng tử quy!


Cước chú của bài thơ số 15, thuộc Phần thứ III (Thi tập Nguyễn Văn Tường):

(*) Xem: Nhiều tác giả, “Nguyễn Trọng Hợp, con người và sự nghiệp”, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Hội sử học Hà Nội & Nxb. Hà Nội, 1996, tr. 127. Đây là cuốn sách về “con người và sự nghiệp” của Nguyễn Trọng Hợp, một kẻ thỏa hiệp với Pháp, được Pháp ca ngợi; đến lúc chết lại được Pháp tổ chức rất trọng thể, có lính hộ tống, đàn áp ([ĐNLT., tập 4, sđd., tr. 137]).



Bài 16

TẶNG TỪ THỦ TRƯƠNG CÚC VIÊN
PHÓ CHỨC


Phủ dĩ Từ danh hựu xử trung
Như hà khống ngự diệc vi xung
Liêm năng đề bảo khâm quân dụ
Kinh tế di trù xuất tướng công
Tằng cụ ngưu đao xưng vũ tể
Bất nan độc kiếm hóa văn ông
Tức kim giáp đạo hoan nghinh giả
Mạc thị đương niên ngộ đối phong.


TRẦN ĐẠI VINH
phiên âm

16

TẶNG TRƯƠNG CÚC VIÊN
ĐI NHẬN CHỨC TRI PHỦ TỪ SƠN

Tên phủ là Từ lại ở trung
Làm sao chống giữ chốn vi xung
Liêm năng gìn giữ lời vua dạy
Kinh tế lo trù từ tướng công
Từng đủ dao trâu vưng võ tướng
Khó gì gươm ghé hóa văn ông
Như nay gặp gỡ lòng vui thú
Chẳng giống thuở nào trót nhận phong.


TRẦN ĐẠI VINH
dịch thơ

16

TẶNG TRƯƠNG CÚC VIÊN (1)
ĐI NHẬN CHỨC QUAN ĐẦU HUYỆN TỪ (2)

Phủ vốn [có] tên [là] Từ, [địa thế] xứ [ấy] lại ở trung tâm [Bắc Bộ] (lại sống ngay thẳng) (3)
Làm sao cai quản cho dân theo luật pháp, [đồng thời] cũng làm đường thông thương bốn hướng (hoặc: Sao
không xem việc phòng ngự,
khống chế [quân giặc] cũng như là việc xung trận)
Trong sạch, không tham ô [và] chăm việc, [quan] nêu
cao sự gìn giữ [đức tính đó], tuân lời dụ [của] vua
Việc lo nước giúp đời, [quan càng nên] trù liệu cả cho
mai hậu, [gắng] vượt hơn [cả] lẽ chí công
[của] tướng
[Bạn] từng đủ dao trâu [để] xưng là người đứng đầu [về tài năng], [trong] quân đội
Khó gì gươm bê con (bò nhỏ) [để] trở thành
kẻ nổi tiếng [hệt lão thành] trong
giới [văn học] quan văn (4)
Như hiện nay, thôn xóm, tỉnh đạo [đều]
hoan nghênh bạn
Đừng như thế [nhé]! [Đừng xem] năm gánh vác [việc công như thể] trót lỡ nhận phong chức.

(1) Trương Quang Đản (ĐNTL.CB., tập 32, sđd., tr. 142).

(2) Huyện Từ Sơn, thuộc tỉnh Bắc Ninh.

(3) Đây lại là câu chơi chữ địa danh: “Từ Sơn”, trong đó chữ “Từ” có nghĩa là người trên thương yêu người dưới, tình thương chung, cũng là tiếng để gọi người mẹ (TĐHV., sdđ., tập hạ, tr. 333). Chữ “Trung” này là ở giữa (trung tâm, miền Trung); ngay thẳng. Trương Quang Đản là người miền Trung (Quảng Ngãi), có thể ông cũng là người xử đoán công việc ngay thẳng, lại đang làm việc ở một phủ trung tâm Bắc Bộ, vùng đất của quan họ trữ tình, có ngọn núi biểu tượng cho người mẹ, tình yêu thương [ĐNNTC., sđd., tập 4, tr. 76 - 77: núi Phả Lại, Đại Lãm, không có núi Từ Sơn]. Ngọn núi ấy không có thực, chỉ ở trong tâm thức, khát vọng (hay là phần mộ?) chăng?

(4) Tác giả coi quan lại (vốn được xem là cao sang) cũng như người đồ tể (“đồ, điếu”, người mổ gia súc để cung cấp thịt, người sống bằng nghề câu cá, chài lưới, vốn bị xã hội cũ đánh giá là hạ tiện). Đồ tể và quan lại đều phục vụ dân, nước, có giá trị như nhau, xét trên quan niệm cống hiến có ích cho xã hội. Đây là cách nhìn nhận khác lạ so với đương thời. Khía cạnh khác: xem quan võ quan trọng hơn quan văn (hẳn vì thời chiến). Dẫu sao, cũng chỉ là cách nói cường điệu bằng lối khẩu khí, phóng đại trong sự thân tình.

16

TẶNG TRƯƠNG QUANG ĐẢN
ĐI NHẬN CHỨC
QUAN ĐẦU HUYỆN TỪ SƠN

Phủ vốn tên Từ, giữa xứ Hồng (1)
Làm sao chống giữ, bốn phương thông
Liêm năng nêu sáng, tuân lời dụ
Kinh tế trù xa, vượt lệnh công
Từng đủ đao trâu xưng võ tướng
Khó gì gươm nghé hóa văn ông
Như nay thôn, huyện mừng anh đến
Đừng giống năm kia trót nhận phong!


(bản biên soạn)

(1) Xin xem chú thích (3), bản dịch nghĩa bài thơ này.

Câu trên có thể dịch:

“Phủ vốn tên Từ, giữa đất Hồng”

hoặc:

“Phủ vốn tên Từ, tụ mấy đường”

Nhưng dịch như thế chỉ toát được mỗi một ý của tác giả.


Bài 17

TẶNG KIM TÂN CỰU LÊ, TRẦN,
NHỊ HUYỆN DOÃN


Kim châu hà trạch ngã châu nhân
Khứ dã Lê huynh tiếp dã Trần
Dân chính dĩ am công hựu thí
Quân cơ vị học tội duy quân
Cựu tân tương cáo liên đồng bệnh
Giao đại hà do nhạ dị văn
Xử thế mạc phi tranh giả ngộ
Hoạn đồ bình bí (pha) mỗi tương nhân.


TRẦN ĐẠI VINH
phiên âm

17

TẶNG LÊ, TRẦN,
HAI QUAN HUYỆN CŨ, MỚI
CỦA HUYỆN KIM

Huyện Kim khéo chọn người cùng châu
Trước đó Lê huynh, Trần tiếp sau
Dân chính đã quen công lại thử
Quân cơ chưa học tội đều nhau
Cựu tân lời hỏi thương đồng bệnh
Giao hoán văn xem ngại khác câu?
Ở thế chẳng đua tranh mới gặp
Hoạn đồ ngay lệch có nhân sâu.


TRẦN ĐẠI VINH
dịch thơ

17

TẶNG LÊ, TRẦN (1),
HAI QUAN HUYỆN CŨ, MỚI
CỦA HUYỆN KIM (2)

Châu Kim sao [được] chọn người châu mình? (3)
Đã qua là anh Lê, tiếp đến là Trần
Việc dân chính vốn am hiểu, công lao [vẫn] lại xét
Chuyện quân cơ chưa học, đáng tội nhưng chia đều (4)
[Kẻ] cũ, [người] mới cùng chào (thăm hỏi) nhau, thương nhau cùng nỗi bệnh
[Người] trao, [kẻ] đổi sao còn ngại khác biệt nguồn tin?
Ở đời, [chúng mình] đừng đều phạm lỗi lầm; tranh đua, ấy là hòa hợp (5)
Con đường làm quan, bằng phẳng [hay] nghiêng lệch, mỗi việc đều cùng [đối ứng (tương ứng) với] nguyên nhân (6).

(1) Chưa rõ là ai.

(2) Kim Anh, thuộc tỉnh Bắc Ninh (ĐNNTC., sđd., tập 4, tr. 63).

(3) Có lẽ do luật hồi tị (tránh làm quan nơi nha sở có thầy dạy học của mình hay bà con ruột thịt làm quan, hoặc nơi quê hương bản quán có họ mạc lâu đời ở đó...). “Ngã” là “tôi”, cùng nghĩa với chữ “ta”, chữ “mình” trong tiếng Việt, có khi dùng để nói cho thân tình. Xem hai chú thích (1), (2) bản dịch thơ bài số 2.

(4) Chương trình, nội dung học tập của kẻ sĩ ngày xưa có hạn chế này: ít học về quân cơ, binh pháp (quân sự).

(5) Tranh đua nhưng có mục tiêu chung cao đẹp.

(6) “Xử thế / mạc phi // tranh giả ngộ”, xin hiểu thoát là, ứng xử với đời / đừng nói xấu người (đừng sai lầm) // [rằng:] tranh đua khác với hòa hợp, mà chính sự tranh đua lại là sự hòa hợp đích thực, đó là sự gặp gỡ nhau trong tư tưởng, trong công việc, đó là sự đãi ngộ nhau; tranh đua không phải là thù ghét, tiêu diệt nhau. Câu trên chỉ là mệnh đề ghép với lô-gích phủ định của phủ định.

17

TẶNG LÊ, TRẦN,
HAI QUAN HUYỆN CŨ, MỚI
CỦA HUYỆN KIM

Huyện Kim sao chọn người châu mình?
Trước đó Lê nay Trần đệ huynh
Dân chính vốn quen, công lại xét
Quân cơ chưa học, tội đồng tình!
Vừa chào, giao, nhận, thương cùng bệnh
Còn ngại, đổi, trao, ngờ khác tin?
Đừng lỗi, ở đời, tranh tức hợp
Nẻo quan nghiêng, phẳng,
quả – nhân sinh...
(1)

(bản biên soạn)

(1) Một chút cảm nhận và lạm bình khi chuyển lại ngôn ngữ thơ:

Tranh đua, ấy là hòa hợp – mệnh đề khẳng định giản dị! Đó là nguyên lí tồn tại, là lẽ sống, vì mục tiêu: nhân bản (có tính nhân loại), tiến bộ, văn minh, hạnh phúc... Nhà thơ Nguyễn Văn Tường đã làm mới mẻ triết học biện chứng âm dương, lại kết hợp với luật nhân quả rất dân dã cổ đại (vốn được Đức Phật nâng lên thành cốt tủy của Phật học). Đây là một nét thơ rất trí tuệ (thơ triết lí) trong phong cách nghệ thuật trữ tình – chính trị của ông.

Hình như Nguyễn Văn Tường cố tìm một cách nói nước đôi, do sự dè dặt khi phát biểu một tư tưởng mới lạ đến thế, trong thời điểm bấy giờ? Nét chung nhất của thơ Nguyễn Văn Tường là tích cực, nhiệt tình, dấn thân vì nước, vì dân một cách không mệt mỏi, và vì cả triều đại nhà Nguyễn nữa, trước nạn thực dân Pháp và nạn phỉ Tàu... Tuy nhiên, tư tưởng trên chỉ gói gọn trong phạm vi ửng xử nội bộ, chưa bàn đến một dạng khác của đua tranh: mâu thuẫn đối kháng, chiến tranh xâm lược và chiến tranh chống xâm lược - đua tranh này, là sự-đua-tranh-phản-đua-tranh, là hủy diệt...

Hai câu kết cũng có thể dịch:

“Ở đời, chớ “chẳng đua là hợp”
Ngay, lệch nẻo quan, nhân – quả sinh”...


Dẫu với nghĩa nào đi nữa, cũng phải lưu ý đến luật nhân quả hiện thực.




Bài 18

DẠ VŨ TRÌNH THỐNG ĐỐC
HOÀNG ĐẠI NHÂN


Tương khứ tài li chỉ xích dinh
Tương khan dạ hạ vũ sơ đình
Thâm tâm tương chiếu ưng như thủy
Tanh (tinh) uế tương kì tẩy nhất thanh.


TRẦN ĐẠI VINH
phiên âm

18

ĐÊM MƯA TRÌNH VỚI THỐNG ĐỐC
HOÀNG ĐẠI NHÂN

Mới đến rồi đi doanh trại gần
Cùng trông đêm hạ, giọt mưa ngừng
Soi sáng thâm tâm trong tựa nước
Dơ bẩn bao giờ rửa sạch tưng.


TRẦN ĐẠI VINH
dịch thơ

18

ĐÊM MƯA, BÀY TỎ VỚI THỐNG ĐỐC
HOÀNG ĐẠI NHÂN (1)

Cùng ra đi, mới rời doanh trại gần [đây]
Cùng nhìn trông mùa hè về đêm, cơn mưa bắt đầu ngừng [rơi]
[Hai] tấm lòng [tận] sâu thẳm cùng soi chiếu cho nhau, như thể [những giọt] nước soi chiếu cho nhau
(:tương ứng) [để cùng sáng]
[Bao] dơ bẩn, tanh tưởi cùng [một] thời (hoặc: cùng hẹn),
[quyết] một (2) tẩy sạch!

(1) Hoàng Tá Viêm (Hoàng Kế Viêm), (ĐNTL.CB., tập 32, sđd., tr. 94...).

(2) Thơ Thâm Tâm có câu: “Li khách, li khách, con đường nhỏ! Một giã gia đình, một dửng dưng....”. Chữ “một” (nhất) vốn bày tỏ sự quyết tâm, ở đây còn thể hiện sự đồng nhất:

“Tanh bẩn cùng thời, một sạch tưng”.
Một + (động từ).

18

ĐÊM MƯA BÀY TỎ VỚI THỐNG ĐỐC
HOÀNG TÁ VIÊM

Cùng bước, mới rời, trại khuất lưng
Hạ đêm cùng ngắm, mưa vừa ngừng
Lòng nhau, cùng sáng soi như nước
Tanh bẩn, hẹn cùng một sạch tưng!


(bản biên soạn)



Chùm thơ ba bài 19. 20. 21

HỌA NHẠC ÔNG KÍ PHỎNG TAM THỦ
NGUYÊN VẬN


19: BÀI A

Xứ xứ sầu văn đãi bô ngao
Ưu thâm nan tả chuyển sinh trào
Thừa lương thí hướng cao lâu vọng
Đố nhãn nhưng đa vị ngải cao (hao).


VŨ ĐỨC SAO BIỂN
phiên âm

19. 20. 21

HỌA NGUYÊN VẦN BA BÀI THƠ
CỦA BỐ VỢ GỬI HỎI THĂM

19: BÀI A

Buồn nghe khắp nơi tiếng khóc chờ mớm cơm
Nỗi lo day dứt không thể tả bỗng trở thành buồn cười
Lúc dạo mát thử nhìn về phía lầu cao
Vẫn còn nhiều đôi mắt căm ghét nhìn mãi, chưa thuốc thang!

VŨ ĐỨC SAO BIỂN
dịch nghĩa
(và dịch thơ ở lời giới thiệu).

19. 20. 21
HỌA NGUYÊN VẦN BA BÀI THƠ
CỦA BỐ VỢ (1) GỬI HỎI THĂM

19: BÀI A

Nơi nơi, buồn rầu nghe tiếng khóc trẻ con (vừa đùa chơi vừa khóc) (2) chờ được bú mớm (ăn)
Nỗi âu lo sâu [nặng] khó viết thành chữ (bày tỏ) chuyển thành buồn cười
Dạo mát, thử hướng [lên] lầu cao [để] ngóng nhìn
[Những đôi] mắt căm ghét vẫn còn nhiều (nhiều như
cũ); chưa [có] hơi [sắc] thuốc ngải cứu bốc lên (3)
[để chữa căn bệnh xa hoa, phung phí ở nơi nhà hàng, khách sạn ấy].

(1) Chưa rõ là ai.

(2) Ngao: chơi nhởi + kêu khóc.

(3) Ngải cao, theo ĐNNTC., sđd., tập 1, tr. 322: “Ngoài tên gọi là ngải cứu, ngải cao còn có tên là thủy đài, bệnh thảo, có công dụng làm giảm đau nhức, an thai, đặc biệt là ngải cứu trừ mọi thứ bệnh. Ngày đoan ngọ (mùng 5 tháng 5), người xưa hái cây ngải bện thành hình con hổ, treo trước cửa, có thể trừ khí độc”. Hẳn đó là một hình thức trong “Ngày trầm hương thơ ca”, xa xưa để tưởng niệm Khuất Nguyên. Ngải cao (ngải cứu) ở đây là một biểu trưng, chỉ chung về thuốc thang, sự cứu chữa các loại bệnh, mọi nỗi đời.

Chữ “cao” cũng có nghĩa là “hơi bốc lên”.

19. 20. 21

HỌA NGUYÊN VẦN BA BÀI THƠ
CỦA BỐ VỢ GỬI HỎI THĂM

19: BÀI A

Chờ cơm trẻ khóc, buồn nơi nơi
Khôn tỏ thương lo, hóa bật cười
Lầu rộng mắt đầy tia hận ghét
Dạo trông, đâu thuốc cứu niềm đời?


(bản biên soạn 19/1)

19: BÀI A

Khắp chốn tiếng vòi trẻ đói ăn
Trĩu lo, tim chật phải cười tràn
Dạo trông, thử hướng nhà hàng ngóng
Đấy mắt ganh nhiều, chưa thuốc thang!


(bản biên soạn 19/2)



Chùm thơ ba bài 19. 20. 21

HỌA NHẠC ÔNG KÍ PHỎNG TAM THỦ
NGUYÊN VẬN


20: BÀI B

Đô môn hồi thủ vọng môn đường
Tâm sự mang nhiên tỉnh tự cuồng
Hạp kiếm bất minh hồ hữu mã
Huyền ngư nan trí nhĩ vô hương
Đế ưu biên hoạn cầu trường sách
Thiên yếm binh hung hạnh tiểu khương
(khang)
Tá trợ vô năng tàm ẩm chí
Giới [cá?] mi dao ức chước xuân trường.


VŨ ĐỨC SAO BIỂN
phiên âm

19. 20. 21

HỌA NGUYÊN VẦN BA BÀI THƠ
CỦA BỐ VỢ GỬI HỎI THĂM

20: BÀI B

Từ công đường ngó mong về nhà cũ
Tâm sự ngổn ngang tỉnh mà như điên
Gươm nằm trong vỏ, có con ngựa hồ không hí
Câu cá khó mà móc mồi không thơm
Vua lo nỗi lo biên thùy, tìm kiếm kế hay
Trời ghét chuyện chiến tranh mong được chút
yên ổn
Ăn uống sao cũng thấy thẹn thùng vì mình bất tài
Cau mày nhớ lại thời chuốc chén xuân vui vẻ đã xa.

VŨ ĐỨC SAO BIỂN
dịch nghĩa

19. 20. 21

HỌA NGUYÊN VẬN
BA BÀI [THƠ] CỦA BỐ VỢ (1)
GỬI HỎI THĂM

20: BÀI B

[Ở] bản doanh tướng sĩ, ngoảnh đầu ngóng nhìn về nhà cửa [ở quê hương]
Tâm sự ngổn ngang, tỉnh như điên cuồng!
Kiếm [trong] hộp không vang (2), bọn giặc man rợ (giặc Cờ) có ngựa (3)
Cá [trên] dây khó đem đến tận nơi [sông, suối], [bởi biết] mồi nhử không mùi thơm
Vua lo nạn biên cương, cầu mong kế sách tốt
Trời chán ngán sự dữ dội [của] binh đao, thích niềm an vui nhỏ bé [cho mỗi người] (4)
Mượn đũa, [cảm thấy mình] không tài năng, [những] thẹn thùng [cả] việc uống [rượu] nhiều
Phần giữa hai vạch lông mày giần giật
[hoặc: hai vạch lông mày thẳng ra (:chau mày)],
nhớ [thuở] xa xăm chuốc chén xuân (5).

(1) Chưa rõ là ai.

(2) Thời Chiến quốc, có bọn trộm đào mồ tìm của cải, chỉ thấy một thanh gươm reo vang, bay lên trời. Điển khác: Vua Sở truyền cho Mạc Gia đúc kiếm. Kiếm trong vỏ kêu lên rất bi thương. Quần thần bảo, kiếm hùng (trống) nhớ kiếm thư (mái) vì kiếm cũng có vợ chồng! (TĐTNTN., sđd., tr. 324).

(3) Dân tộc Hồ ở Trung Hoa, thường dùng một cách ước lệ trong văn học cổ. Xem chú thích, Thơ Đường, Nxb. Văn Học, 1987, tập I, tr. 115, 167 và tập II, tr. 39, câu thơ thứ hai ở tr. 43... Xem bài “Phò giá tòng kinh sư” của Trần Quang Khải (đời Trần).

(4) Tiểu khang (khương): sự khỏe mạnh, sự an vui nhỏ bé (vì của mỗi người); cũng có thể dịch: niềm an vui nhẹ nhàng.

(5) “Xuân trường” (trường, tràng = thương; [trường chỉ là chữ chỉ âm đọc]): cái chén bằng sừng [đựng rượu nồng như] mùa xuân. Ngày xưa người phương Tây dựng rượu ở túi da dê, người phương Đông đựng ở bong bóng lợn (?). Do đó, “xuân trường” là chén xuân (hoặc bầu xuân?).

19. 20. 21

HỌA NGUYÊN VẬN BA BÀI THƠ
CỦA BỐ VỢ HỎI THĂM

20: BÀI B

Ngó về nhà cũ từ công đường
Tâm sự ngổn ngang, tỉnh tựa cuồng!
Gươm vỏ không vang, “Cờ” có ngựa
Cá dây khó đặt (1), mồi không hương!
Vua lo nạn ải, cầu mưu tốt
Trời chán giặc khơi, đợi lẽ thường (2)
Mượn đũa (3), bất tài, thẹn uống lắm!
Cau mày xa nhớ bầu (4) xuân tuôn.


TRẦN XUÂN AN
chuyển lại thơ

(1) Có một chữ “trí” là đặt, dựng, nhưng tác giả không sử dụng. Chữõ “trí” này là sự suy nghĩ đến cùng cực, là đem đến tận nơi (bờ sông, suối), không phải ung dung như người câu cá chờ thời! Chúng tôi tạm chuyển nghĩa bằng một chữ chưa đạt, chưa diễn tả hết tấm lòng nhiệt tình vì dân vì nước của tác giả. (Xem TĐHV., sđd., tập hạ, tr. 487).

(2) Nguyên văn: “tiểu khang” (xem bản dịch nghĩa bài thơ này). Tác giả lưu tâm, trân trọng niềm vui bé nhỏ của con người, hạnh phúc riêng tư của nhân dân bên cạnh niềm vui, hạnh phúc chung lớn lao của Đất nước, mặc dù thể hiện qua khát vọng của Trời. Một tấm lòng nhân đạo chu đáo!

(3) Xem chú thích (4), (3), “... Tặng lúc lên đường...” (bài số 7). Ở bài trước, tạm dịch là “mượn bút”. Ở bài này, xin để nguyên nghĩa cho hợp với ngữ cảnh: niềm ưu tư về giặc ngoại xâm làm đắng đót cả miếng ăn, chén uống. Một nỗi ưu tư, trăn trở thường trực, khôn nguôi!

“Một miếng ăn ngon cũng đắng lòng vì Tổ quốc
Không yên lòng khi ngắm một cành hoa!”

(Chế Lan Viên – “Người đi tìm hình của nước”: Nguyễn Ái Quốc).

(4) Đồ đựng rượu (vỏ bầu khô). Xin tạm dùng chữ “bầu” này.

Chùm thơ ba bài 19. 20. 21

HỌA NHẠC ÔNG KÍ PHỎNG TAM THỦ
NGUYÊN VẬN


21: BÀI C

Lạng Thái Cao Tuyên đạo lôï nan
Kỉ phiên túc tích kiû gian quan
Hung trung hữu giáp thùy ca Phạm
Tọa thượng vô Ni thục biệt Nhan
Miếu toán phương ân biên sự trọng
Tướng trù nhược định tặc tâm hàn
Kịch lân mạc tá tam thu trệ
Báo lược hà tằng triển nhất ban.


VŨ ĐỨC SAO BIỂN
phiên âm

19. 20. 21

HỌA NGUYÊN VẦN BA BÀI THƠ
CỦA BỐ VỢ GỬI HỎI THĂM

21: BÀI C

Lạng, Thái, Cao, Tuyên đường khó đi
Mấy lần lặn lội qua mấy ải
Trong bụng có giáp binh, ai ca bài ca Phạm Lãi?
Không có đức Khổng, lấy ai chia tay Nhan Hồi?
Tính việc ở Triều mới lo rằng việc biên cương là trọng
Nếu tướng tính kế xong, giặc sẽ không dám lăm le
Khổ nỗi kẻ giúp kế trong màn, ba năm nay không có
Tài thao lược chưa từng thi triển ra được?

VŨ ĐỨC SAO BIỂN
dịch nghĩa

19. 20. 21

HỌA NGUYÊN VẬN BA BÀI THƠ CỦA BỐ VỢ (1) GỬI HỎI THĂM

21: BÀI C

Thái [Nguyên], Lạng [Sơn], Cao [Bằng],
Tuyên [Quang], đường, nẻo khó [đi]
Mấy lần lặn lội [qua] mấy ải cam go
Trong bụng có áo giáp, ai ca [khúc hát về] Phạm (2)
Trên chỗ ngồi không có [Trọng] Ni (3), [lấy] ai biệt đãi Nhan [Hồi] (4)
Việc tính [kế ở] Triều đình vừa mới hưng khởi, [cho rằng] việc biên giới [là] nặng nề (quan trọng)!
Sự trù liệu [của] tướng nếu định [xong], lòng giặc sẽ sợ hãi
Đau xót, thương tiếc quá đỗi [cho] tả tướng (5)
(quan lớn bên cạnh vua) [tham mưu sau] màn trướng [đã] ba mùa thu [như] cặn đáy nước
Mưu lược con báo (5) [nếu có], sao từng triển khai [quyết] một [mực] rút quân về
(hoặc: nào đã từng thi thố một lần)?

(1) Chưa rõ là ai.

(2) Phạm Lãi giúp Việt vương diệt Ngô xong, về ở ẩn. Phạm Lãi từng hiến kế “thường phẩn” (nếm phân), nhẫn nhục với quân xâm lược (Ngô vương) và áp dụng chính sách mười năm quy tụ dân chúng, mười năm giáo huấn dân, (xem TĐTNTN., sđd., tr. 102). Ngoài khổ nhục kế, Phạm Lãi còn sử dụng kế mĩ nhân, dâng Tây Thi cho Ngô Phù Sai; Ngô vương say mê nhan sắc Tây Thi đến mức bỏ bê việc nước, việc quân. Cuối cùng Việt vương Câu Tiễn đánh diệt được nước Ngô (sđd., tr. 573).

Phạm Tăng (mưu sĩ của Hạng Vũ)?

(3) Trọng Ni: Khổng Khâu (Khổng Tử).

(4) Nhan Hồi: học trò của Khổng Tử.

(5) Nguyễn Tri Phương, Vũ Trọng Bình bị bó tay vì sự thao túng của Trần Tiễn Thành (thượng thư Bộ Binh). Trần Tiễn Thành vốn là người Minh hương (phù [Hán] Minh, bài [Mãn] Thanh), có lẽ phần nào cảm tình với bọn giặc Cờ (biến tướng của phong trào Thái bình thiên quốc, chủ trương phù Hán bài Mãn. Trần Tiễn Thành còn là kẻ chủ “hoà”, bị cuộc khởi nghĩa của Hồng Tập kết án tử hình (cùng với Phan Thanh Giản), (ĐNTL.CB., tập 30, tr. 154, 173, 286); đặc biệt từ năm 1882, y ngày càng “thân Pháp” và trở thành tay sai của Pháp. Theo cách nói của Ưng Trình, là: “... ngài Trần Tiễn Thành, tiến sĩ, phụ chánh An Nam, được giao nhiệm vụ thương lượng với nước Pháp và bị liên lụy do sự chăm lo cho quyền lợi của nước Pháp” (Những người bạn cố đô Huế [BAVH., 1919], bản dịch Đặng Như Tùng..., Nxb. Thuận Hóa - 1998, tập VI B, tr. 406). Do đó, ở thời điểm tiễu trừ bọn giặc Cờ này, Nguyễn Tri Phương, Vũ Trọng Bình (“Kịch liên mạc tá...”) đành thúc thủ, bởi vua Tự Đức lại rất sủng ái Trần Tiễn Thành... (“Báo lược hà tằng triển nhất ban?”). Xem thêm chú thích (5), bài số 6.

Tuy nhiên, ở một góc độ khác, có thể hiểu câu “báo lược hà tằng triển nhất ban?” nhằm ám chỉ Phùng Tử Tài, một vị tướng của nhà Thanh. Viên họ Phùng muốn rút quân, khi đang đảm trách nhiệm vụ tiễu trừ giặc Cờ (chúng chiếm đóng, xưng hùng xưng bá ở các tỉnh biên giới nước ta, chứ không phải “tị nạn”) [xem: ĐNTL.CB., tập 32, sđd., tr. 29 - 30, 30 - 31].

19. 20. 21

HỌA NGUYÊN VẦN BA BÀI THƠ
CỦA BỐ VỢ GỬI HỎI THĂM

21: BÀI C

Lạng, Thái, Cao, Tuyên nẻo khó đi
Bao lần lặn lội mấy biên nguy
Ai khen Phạm Lãi khi đầy súng!
Đâu trọng Nhan Hồi lúc vắng Ni?
Vừa phát kế vua, đồn ải trọng
Nếu xong sách tướng, lòng thù suy
Trí hùng (2), tiếc quá ba thu đọng (3)
Beo giỏi (4), sao quân quyết rút về?!


TRẦN XUÂN AN
chuyển lại thơ

(1) Có thể dịch sát nghĩa (nhưng chưa đạt ý và chỉ đối chéo):

Lòng đầy binh giáp, ai ca Phạm?
Chiếu vắng Khổng Khâu, Nhan giã gì!


(2) Khi dùng từ “trí hùng”, người biên soạn nghĩ đến Nguyễn Tri Phương, Vũ Trọng Bình (Võ Trọng Bình), lúc còn là đại thần Viện Cơ mật, thượng thư Bộ Binh. Nguyên văn chỉ viết là “mạc tá” (người giúp kế trong màn trướng [:triều đình]).

(3) Nguyễn Tri Phương bị thúc thủ (xem lại chú thích (5) ở bản dịch nghĩa bài này). Nguyên văn chữ cuối câu này là “trệ” (ứ lại, không thông; đọng), mặt chữ Hán có khác với chữ “trể” (cặn đọng đáy nước).

(4) Trần Tiễn Thành? Phùng Tử Tài?



Bài 22

CỬU NGUYỆT NGỘ HÚY CẢM TÁC


Thu tiêu sắt sắt lậu canh trường
Lữ xá cô đăng dạ khí lương
Trùng trập vô thanh kinh vãn hậu
Giản hoàng hà xứ chú dư hương
Tựu miên cầu kiến nan thành mộng
Đãi đán thư hoài bách trụy sương
Viễn khách ứng đa phong thụ cảm
Huống kinh sổ nẫm trệ nhung trường.


TRẦN ĐẠI VINH
phiên âm

22

THÁNG CHÍN,
GẶP NGÀY HÚY CẢM TÁC

Gió thu hiu hắt khắc canh chầy
Quán khách đèn côi đêm lạnh thay
Giun dế không kêu, kinh tiết muộn
Hương thừa lan tỏa, suối khe này
Ngủ mong nằm thấy, khôn thành mộng
Chờ sáng khuây sầu, buộc móc đầy
Viễn khách cảm hoài cây trước gió
Huống bao năm tháng chiến trường đây.


TRẦN ĐẠI VINH
dịch thơ

22

THÁNG CHÍN,
GẶP [NGÀY] GIỖ [VỢ], CẢM TÁC

Gió mạnh mùa thu thê thiết, [đồng hồ] nhỏ giọt (1) [suốt từng] canh (2) dài
Quán khách, đèn lẻ loi, khí đêm lạnh lẽo
[Các] loài côn trùng ẩn trốn [cùng] sâu bọ [đều] không tiếng [kêu], trải qua niềm hi vọng (hoặc: thời tiết) muộn mằn
[Những] khe núi, hào rãnh quanh thành khô cạn, [từ] nơi đâu, [vẫn] rót vào làn hương sót lại [của mùa hoa trước]
Vào giấc ngủ, mong [được] thấy [nàng], [nhưng] khó thành giấc mộng
Chờ sáng sớm, khuây nguôi nỗi nhớ, [sao vòm trời] buộc làn sương trĩu xuống [la đà]!
Người lính phương xa (3) cảm ứng [với] cảm xúc [của] cây cối lắm gió
Huống chi [đã] trải qua nhiều năm (chất chứa) [nỗi niềm], [giữa] chiến trường trì đọng!

(1) Loại đồng hồ cũ, đo lường thời gian bằng nước trong bình (hoặc bằng cát). Bình có vạch chỉ mức; nước (hoặc cát) nhỏ giọt (rơi) đều đặn. Xem thêm bị chú.

(2) Đêm tính bằng canh (“Đêm năm canh, ngày sáu khắc”).

(3) Dịch từ hai chữ “viễn khách” (khách: người; viễn: [ở] phương xa), tương tự như “lữ khách” (người đi xa), “chinh nhân”, “chinh phu” (người [đàn ông hoặc chồng] chiến đấu phương xa).

22

THÁNG CHÍN,
GẶP TÊN NGƯỜI ĐÃ MẤT, CẢM TÁC

Gió thu thê thiết, giọt canh dài
Quán khách, đèn côi, đêm lạnh thay
Không tiếng dế giun, hi vọng – muộn (1)
Đâu nơi mương suối, dư hương – đầy
Mong đêm (2), vào giấc, mộng thành khó
Chờ sáng, khuây sầu, sương trĩu dày
Viễn khách cảm niềm cây lắm gió
Huống bao năm nghẹn chiến trường đây!


(bản biên soạn)

(1) Hậu: hi vọng, chờ; khí tiết (thời tiết); tình trạng sự vật (TĐHV., sđd., tập thượng, tr. 353). Có lẽ tác giả có một người yêu (người vợ?) mất tích (vì đi đường biển, đi đường rừng...), chưa rõ sống, chết. Tác giả mãi đợi chờ và lấy vợ muộn (xem bài số 14: “Được tin sinh cháu nội đầu”). Cũng do vậy, lúc này (căn cứ vào văn cảnh), có lẽ tác giả đang lặng lẽ cam chịu nỗi mất mát ấy với một niềm hi vọng muộn màng, gần như vô vọng (mặc dù đã có vợ con...).

Có thể cảm nhận lại từ “viễn khách” để rõ hơn nỗi niềm của tác giả.

Hồ Dzếnh có đoạn thơ trong bài "Chiều" nổi tiếng:

“Tôi là người lữ khách (# viễn khách)
Màu chiều khó làm khuây!
Ngỡ lòng mình là rừng
Ngỡ lòng mình là mây
Nhớ nhà châm điếu thuốc
Khói chiều bay lên cây”.


Rõ ràng với văn cảnh này, “nhà” ở đây là gia đình riêng, hoặc “nhà” là vợ; nhưng cũng có thể Hồ Dzếnh đang tự xưng “tôi” (ngôi thứ nhất) trong khoảnh khắc thì thầm tâm sự với người tình yêu dấu nào đó (ngôi thứ hai, ngang trang lứa) về nỗi “nhớ nhà” (gia đình lớn, song thân) của mình. Tuy nhiên, sắc thái nỗi nhớ cùng sắc thái các hình ảnh gợi nhớ trong bài Chiều, khiến người đọc vẫn cảm nhận đó là nỗi nhớ về gia đình riêng, nỗi nhớ về người vợ (“nhà”) ở quê hương.

Đúng là chỉ có quan hệ ngang trang lứa mới tự xưng như vậy. Chính từ “viễn khách” này đã xác định rõ rệt hơn quan hệ giữa tác giả và người đã mất là quan hệ vợ chồng, quan hệ hứa hôn hoặc yêu đương chung thuỷ.

Trên đây chỉ là cảm nhận do không khí của bài thơ. Hiện chúng tôi chưa có tư liệu nào về nỗi niềm riêng tư này.

(2) Nguyên văn: “cầu kiến” (mong thấy).



Bài 23

KÍ BANG BIỆN QUÂN VỤ VŨ


Ưu quốc vị thành song mấn bạch
Tranh thần (thời) vô nại nhất thiên thương
Bất tài huống thả phùng đa sự
Ngạnh đoản tiên trường chỉ tự thương.


TRẦN ĐẠI VINH
phiên âm

23

GỞI BANG BIỆN QUÂN VỤ HỌ VÕ

Lo nước chưa xong đầu đã bạc
Tranh thời chẳng được, một trời sâu
Không tài lại gặp lúc đa sự
Cành ngắn roi dài chỉ tự đau!


TRẦN ĐẠI VINH
dịch thơ

23

GỬI BANG BIỆN QUÂN VỤ HỌ VŨ (VÕ) (1)

Lo toan việc nước (2), chưa xong, hai mái tóc [đã] bạc
Giành giật thời gian (: tranh thủ tâm trí [giặc]) chẳng [làm sao] được; một bầu trời [vô tình vẫn] xanh!
Không tài năng, phương chi [còn] thư thả (3), [lại] gặp [lúc] lắm việc (rối chuyện)
Cành ngắn roi dài, chỉ tự làm đau (tổn thương)
[mình]! (4)

(1) Vũ Trọng Bình, nguyên là thượng thư Bộ Lại, Cơ mật viện đại thần, hiệp biệp đại học sĩ, có tính tình thẳng thắn, đức liêm khiết nổi tiếng. Ông cùng Nguyễn Tri Phương (thượng thư Bộ Binh) đấu tranh với nhóm Trần Tiễn Thành, nhưng nhóm Trần Tiễn Thành hầu như được Tự Đức ủng hộ. Do đó, ông rồi Nguyễn Tri Phương đều phải ra mặt trận phía Bắc. Lúc Nguyễn Văn Tường sáng tác bài này, hẳn là sau khi Vũ Trọng Bình cùng ông bị giáng chức, chịu án trảm giam hậu (tội bị chém nhưng cho chịu giam giữ để xét lại), do để thất thủ thành Lạng Sơn. Tuy vậy, lại được Tự Đức xóa án, vẫn cho giữ chức tham mưu, không nắm thực quyền (bang biện, tán lí). (Xem ĐNTL.CB., tập 32, tr. 61 - 63, 70 - 72).

(2) “Ưu quốc”: chăm lo cho Đất nước. Chữ của sách Hán thư: “Luận nghị cổ thông kim, ưu quốc như cơ khát giả, thần vị kiến giả” (Bàn luận, thông hiểu việc xưa, việc nay, lo lắng cho Đất nước như đói khát, kẻ bề tôi này chưa từng thấy vậy), [TĐTNTN., sđd., tr. 737].

(3) Nguyên văn: “thả” (còn đọc là “thư”): chậm rãi, thư thả. Nếu đi với chữ “cẩu” (có nghĩa là sơ sài, không cẩn thận), thành từ ghép “cẩu thả”, nghĩa có phần nặng hơn (tắc trách, qua loa, buông thả, không hợp với đạo nghĩa Nho giáo là luôn giữ mình như đại thần phải cầm hốt có gương soi khi chầu triều...).

Tuy nhiên, chữ “huống” (có bộ thủy ở bên trái) đi liền với chữ “thả”, thành liên từ ghép “huống thả” với nghĩa là “phương chi”, “huống nữa”. Bản dịch bài này của Trần Đại Vinh, không dịch “thả” là “thư thả”...

[Xem: Thiều Chửu, Hán – Việt từ điển, Nxb. TP. HCM. tái bản, 1999, các tr.: 3, 12, 336].

(4) Một cách nói cay đắng nhất thời, ngầm ý phê phán sự “rối việc”, “loạn việc” (chữ “loạn” xứ Huế...) của thời thế, cũng là lời tự phê gay gắt trong tình thân bạn bè.


23

GỬI BANG BIỆN QUÂN VỤ
VŨ TRỌNG BÌNH (VÕ TRỌNG BÌNH)

Chưa xong việc nước, hai đầu bạc
Khó níu ngày trời một sắc xanh!
Cạn trí, huống chi, thời lắm rối
Ngắn dài tự quất vết roi cành!


(bản biên soạn 23/1)

Lo nước chưa xong, đầu bạc uá (1)
Giành tâm, không nén, trời hoa râm (2)!
Bất tài, lại gặp bời bời việc
Cành ngắn roi dài, tự xót thầm!


(bản biên soạn 23/2)

(1) Hai câu đầu gợi nhớ đến bài “Thuật hoài” của Đặng Dung (thời Hậu Trần):

“Thế sự du du nại lão hà
Vô cùng thiên địa nhập hàm ca...
... Quốc thù vị báo đầu tiên bạch
Kỉ độ Long Tuyền đới nguyệt ma”.

Việc nước rối bời, già được sao!
Khúc say, trời rộng cũng đong vào...
... Chưa đền nợ nước, đầu hoen bạc
Mấy độ gươm mài, bóng nguyệt cao.


[Hàm (còn đọc là “cam”): say rượu ngà ngà].

(2) “Thương”, còn có nghĩa là [tóc] hoa râm.



Bài 24

HỌA THỐNG ĐỐC HOÀNG ĐẠI NHÂN
VỊNH QUÂN TRUNG THỦY TIÊN
NGUYÊN VẬN


Mỗi ức hoa gian trạc dị anh
Ngãi bồng phi cức cửu kinh dinh
Độc tương thanh bạch di y mĩ
Tằng duyệt phân ai bảo thử trinh
Cộâng ngã du quan trang lữ thú
Liên cừ liễu mạch hệ khuê tình
Linh căn bão đắc băng hồ tĩnh
Thùy tín Hằng Nga thố xứ sinh!


VŨ ĐỨC SAO BIỂN
phiên âm

24

HỌA NGUYÊN VẦN BÀI VỊNH HOA THỦY TIÊN TRONG QUÂN LỮ CỦA THỐNG ĐỐC ĐẠI NHÂN HỌ HOÀNG

Thường nhớ đến vẻ đẹp lạ kì trội lên giữa muôn hoa
Dọn dẹp cỏ rối và gai góc, toan tính rất lâu
Một mình đem tặng vẻ đẹp thanh bạch ấy
Từng giữ lòng trong trắng trải qua nơi bụi bặm
Cùng ta mang mối tình quê đến trại đóng quân
Thương ngươi buộc mối tình khuê phòng bên bờ liễu
Gốc rễ tinh khôn ôm lấy bình nước trong sạch yên tĩnh
Ai tin rằng Hằng Nga sinh nhầm chỗ!

VŨ ĐỨC SAO BIỂN
dịch nghĩa
24

HỌA NGUYÊN VẦN BÀI “VỊNH HỌA THỦY TIÊN TRONG QUÂN LỮ” CỦA THỐNG ĐỐC HOÀNG ĐẠI NHÂN (1)

Thường nhớ giữa cõi hoa (thế giới các loài hoa), vút lên (trỗi vượt) [một] vẻ đẹp kì lạ
Cắt cỏ, dọn gai, trải qua toan tính lâu dài
Một mình đem sự thanh bạch [để] tặng cái đẹp ấy
Nhiều đợt trải qua bụi bặm, hơi sương, [vẫn] giữ lòng trinh trắng này
Chung [lòng với] ta [tới] cửa ải [giữa rừng] cây du (2),
trang hoàng cho [thêm] sự ý vị của lính thú xa quê
Thương ai [buộc quanh ở] bờ liễu (2), [như thể] treo [lên] mối tình phòng the [của người vợ]!
Gốc rễ linh diệu ôm lấy bình nước trong sạch [một cách] yên tĩnh
(hoặc: ôm lấy sự trong sạch, tĩnh tại)
Ai tin [rằng] Hằng Nga (3) nhầm chỗ [mà] ra đời!

(1) Hoàng Tá Viêm (ĐNTL.CB., tập 32, sđd., tr. 94...).

(2) Du là một loài cây mọc ở rừng sâu, lá có hình mũi giáo, quả có cánh, cùng họ với cây gỗ sến. “Du quan”, nghĩa bóng là cửa ải chốn rừng sâu. [Xem HVTĐ., sđd., tr. 304; TĐTV., sđd., tr. 256].

Theo Bửu Kế, Từ điển từ ngữ tầm nguyên, sđd., tr. 376, hai chữ “liễu mạch” (nguyên nghĩa: cây liễu ở đường bờ ruộng) có nghĩa sử dụng gần như “liễu hạng hoa nha” (“liễu ngõ hoa tường”). Chúng tôi thấy nghĩa đó không phù hợp với văn cảnh, tứ thơ toàn bài? Trường hợp này, nếu ép theo nghĩa ở TĐTNTN. vào văn cảnh, tứ thơ này, lại là sự phê phán “lầu xanh”, “trăng gió”, “trên bộc trong dâu”...

Do đó, tác giả dùng chữ “liên”, với nghĩa là “thương tiếc” (thương xót và tiếc nuối), [TĐHV., tập thượng, sđd., tr. 504; HVTĐ., sđd., tr. 212 - 213).

Tuy vậy, chúng tôi vẫn hiểu theo nghĩa rất thanh cao và cảm động theo văn ngữ cảnh của toàn bài.

(3) Hằng Nga (vẻ đẹp vĩnh hằng): tên do các nhà thơ đặt cho mặt trăng, cũng là tên ở các truyện cổ dân gian. Đây chỉ là biểu tượng, chỉ hoa thủy tiên. Hoa thủy tiên vừa là biểu tượng của cái đẹp nói chung, gồm cả nhan sắc, tài năng xuất chúng và phẩm hạnh vượt trội (“dị anh”). Chú thích của Những khúc ngâm chọn lọc, tập I (Lương Văn Đang, Nguyễn Thạch Giang, Nguyễn Lộc giới thiệu, biên khảo, chú giải), Nxb. ĐH. và THCN., 1987, tr. 119: “Hằng Nga còn gọi là Thường Nga, vợ Hậu Nghệ, đời vua Hoàng Đế. Hậu Nghệ được bà Tây Vương Mẫu cho thuốc trường sinh nhưng Hằng Nga đã lấy trộm để uống, rồi bay lên cung trăng”.

24

“NGỢI CA HOA THỦY TIÊN
TRONG QUÂN LỮ”

Họa thơ Hoàng Tá Viêm

Nhớ hoài hoa lạ trội muôn hoa
Gai cỏ nhặt gom, lo liệu xa
Sương biếc (1) một đem trao sắc ngọc
Bụi mù mấy trải, giữ trinh ngà (2)
Ải du, cùng mỗ (3), trau niềm lính
Bờ liễu, thương ai, gác nỗi nhà (4)?
Ôm tĩnh rễ tinh, bình nước sạch
Ai tin nhầm chỗ Hằng sinh ra!


TRẦN XUÂN AN
chuyển lại thơ

(1) Nguyên văn là “thanh bạch”, có nguyên nghĩa là trong trắng; nghĩa tiếng Việt thông dụng: [nếp sống] giản dị, liêm khiết, không bị cám dỗ bởi sự giàu sang. Tạm dùng một hình ảnh để thay thế nguyên nghĩa: “sương biếc”.

(2) Nguyên văn: y mĩ (cái đẹp kia); thử trinh (cái trinh trắng này). “Sắc ngọc”, “trinh ngà” là các chữ tạm dịch thoát.

(3) “Mỗ”: mình, tôi, tớ, qua, choa… “Mỗ” là đại từ ngôi thứ nhất; chỉ trổng một cách khiêm tốn.

(4) Nếu dịch thoát, hai câu luận sẽ là:

Theo ta đến ải, trau niềm lính
Thương ấy treo thành, máng chuyện nhà.


Bài 25

ĐÔNG DẠ HỮU CẢM


Phong vũ tiêu tiêu dạ lậu tần
Hàn đăng độc tọa giác lao thần
Sơn minh cốc hưởng truyền tiêu tức
Kê xướng dăng thanh hỗn tự chân
Tuế mộ bất tu sầu ảm đạm
Canh thâm thùy vị đạo ưu cần
Điểm trang đắc dữ đông hoàng tá
Phục đán khai tường sắc dạng tân.


TRẦN ĐẠI VINH
phiên âm

25

CẢM XÚC ĐÊM ĐÔNG

Mưa gió đìu hiu đêm đã chầy
Riêng ngồi đèn lạnh tổn thần thay
Núi vang hang gọi truyền tin tức
Gà gáy ruồi kêu thực lẫn say
Năm hết đâu cần buồn ảm đạm
Canh khuya ai trọng đạo lo đây?
Điểm trong cảnh sắc đông hoàng giúp
Sáng mở tốt lành, tươi mới thay!


TRẦN ĐẠI VINH
dịch thơ

25

ĐÊM ĐÔNG, CÓ [: GỢI NIỀM] CẢM XÚC

Gió mưa đìu hiu, giọt [đồng hồ] đêm [ngỡ như] gấp gáp [để cạn]
Đèn lạnh, ngồi một mình, cảm thấy tinh thần mỏi mệt
Núi vang [tiếng], hang núi vọng lại, truyền tin tức [chiến trường]
Gà gáy ruồi kêu, sự thật (thực tế) lẫn lộn [với] cái giông giống sự thật (thực tế)
Năm tàn đâu nên buồn rầu [về] sự tối tăm, nhạt nhẽo
Canh (1) sâu ai giúp khai mở (thuyết giáo) [về] lòng lo nghĩ, siêng năng [việc nước]
Điểm tô [đất trời], được cùng với vị chúa mùa xuân (2) giúp đỡ
Buổi sáng mai lại trở về, mở ra sự tốt lành, dáng sắc [tươi] mới!

(1) Canh: mỗi quãng thời gian cố định về đêm, đơn vị tính thời gian (“Đêm năm canh...”).
(2) Đông hoàng: vị vua (thần) hướng đông (thần mùa xuân).

25

ĐÊM ĐÔNG, CẢM XÚC

Mưa gió đìu hiu giọt cát đầy
Riêng ngồi, đèn lạnh, hồn hao gầy
Núi vang, hang vọng, tin truyền tức
Gà gáy, ruồi reo, thực lẫn say
Năm cạn, đâu nên lòng sầu héo
Khuya sâu, ai liệu sách bừng khai (1)?
Thần phương đông giúp tô trời đất
Sáng mở tốt lành, tươi sắc thay!


(bản biên soạn)

(1) Nguyên văn: Đạo Học, Đạo Nho (đạo học trò). Có thể hiểu theo trình độ xã hội hiện đại là Đạo Giáo dục. Xin xem thêm câu này ở bản dịch nghĩa.

Bài 26

ĐỒ TIẾP THANH QUAN


Y thùy cấu đắc miếu lang ưu
Tam tứ niên lai tâm sự du
Xa mã thử hành chiêu vật độ
Thử hồ hà nhật tức khuy thu (du)
Thao trù nhược định vô tha trở
Vi (vị) đức đương chung khởi ngoại cầu
Mộc dĩ viên phần hưu quái hận
Việt đồng Tần thị cánh (canh) hà vưu.


TRẦN ĐẠI VINH
phiên âm

26

GIỮA ĐƯỜNG
ĐÓN TIẾP QUAN NƯỚC THANH

Miếu đường dựng tốt cùng ai chăng?
Ba, bốn năm nay lòng ngổn ngang
Xe ngựa lần này soi tỏ vật
Chuột chồn bao thuở hết moi hàng?
Lo toan đã định không gì cản
Vì đức tới cùng há “ngoại” tham!
Đốt vượn nguy cây, thôi ghét hận
Sao cùng oán mãi? Việt như Tần!


TRẦN ĐẠI VINH
dịch thơ

26

GIỮA ĐƯỜNG
ĐÓN TIẾP QUAN NƯỚC THANH

Ai kia làm việc được tốt triều đình (1)?
Ba, bốn năm qua tâm sự [người thương thuyết] rối bời (ngổn ngang)
Xe ngựa chuyến đi này, [phải] soi rọi, bày rõ [các] vật giúp (đồ tài trợ)
Chuột chồn ngày nào [sẽ bị] dập tắt [những cuộc] liếc rình chở trộm (cướp bóc)?
Liệu tính kế sách quân binh, nếu [đã] ổn [thì] không ai ngăn trở [nổi]
Tạo nên đức nghiệp [để] cùng chung gánh vác, [quân nhà
Thanh các bạn] há [là] giặc ngoại xâm tham lam!
(hoặc: Vì đức đến cùng, há cầu bên ngoài?)
Cây cối vốn có đốt vượn [đã bấu vào] (2), thôi đừng hận [vì] sự đơm đặt (nói xấu)
Nước Việt cũng như nước Tần (3), nên (hoặc: thấy lại thêm)
oán hận sao?

(1) Xem hai chú thích (2), (2) ở hai bản dịch nghĩa, bài 1 và bài 4. Quân nhà Thanh sang nước ta để cùng tiêu diệt bọn giặc Cờ (tàn quân Thái Bình Thiên Quốc). Do vấn đề tế nhị là xung đột dân tộc (Mãn với Hán), triều Nguyễn phải bao cấp cho quân Thanh để quân Thanh tiêu diệt giặc Cờ. Trong nhân dân Việt Nam có luồng dư luận không thiện cảm và nghi ngại về quân Thanh (mượn cớ để xâm lược nước ta). Tướng Phùng Tử Tài của nhà Thanh có lần đòi rút quân về trong khi giặc Cờ chưa dẹp hết... (xem ĐNTL.CB., tập 31, tr. 383 - 384...). Chữ “cấu” trong trong nguyên bản còn có nghĩa “gây chuyện”.

(2) Trong thực tế lịch sử, không phải ở thời điểm này, mà sau khi Hà Nội thất thủ lần thứ hai (1882), quân Thanh đáp ứng lời cầu viện, lại kéo quân sang. Ở lần sau (1882 - 1885), tổng đốc Lưỡng Quảng Trương Thụ Thanh đã bộc lộ âm mưu xâm lược trong tờ mật sớ tâu với vua Thanh: “Nước Nam với nước Tàu tiếp giáp với nhau mà thế lực nước Nam thật là suy hèn, không có thể tự chủ được nữa, vậy ta nên mượn tiếng sang đánh giặc mà đóng giữ ở các tỉnh thượng du. Đợi khi có biến thì ta chiếm lấy những tỉnh ở về phía bắc sông Hồng Hà” [Trần Trọng kim lược dịch; xem TTK., VNSL., sđd., tr. 529 (bản 1964), tr. 558 (bản 1999)]. Lần này, có cả Từ Diên Húc!

Lúc bấy giờ, Nguyễn Văn Tường và Triều đình nhà Nguyễn hẳn thừa biết, nhưng vẫn tiến hành chính sách ngoại giao đối trọng, để Pháp – Tàu bắn nhau, Việt Nam sẽ thừa cơ giữ vững độc lập, giành lại Nam Kì [xem KYHNKH., ĐHSP. TP. HCM., sđd., bài của Gs. Nguyễn Văn Kiệm, tr. 8 - 9]. Nỗi đau lịch sử của hai nước láng giềng cứ lặp đi lặp lại mãi! [Xem tư liệu trực tiếp: ĐNTL. CB., tập 36, sđd., tr. 91, về chính sách ngoại giao đối trọng: trung lập giữa Pháp và Hoa].

Nhưng đấy là chuyện mười mấy năm sau. Nguyễn Văn Tường sáng tác bài thơ này trong thời điểm trước đó, 1868 - 1873.

(3) Đốt cây có bàn tay vượn bấu vào bị xem là xấu, dễ mọt (?). Có lẽ tác giả vận dụng điển cố “vượn Sở”: vượn của nước Sở. Điển ấy từ câu: “Sở quốc vong viên, họa diên lâm mộc” (nước Sở mất vượn, họa đến các cây trong rừng [vì phải chặt cây để bắt vượn!]). Nghĩa bóng: mộât mối họa tự dưng lây đến nhiều người, nhiều trường hợp khác (TĐTNTN., sđd., tr.758). Ở đây, do một đốt cây bị tay vượn bấu vào, mà phải đốn cả cây, cả khu rừng, vì đó là dấu vết có vượn lẫn trốn trên cây ấy, trong rừng ấy (vượn rất khỏe; cây lớn, sum suê che khuất). Tất nhiên cũng phải hiểu nghĩa bóng.

(4) Ý tác giả Nguyễn Văn Tường: Việt Nam muốn thống nhất đất nước, không muốn bị cát cứ (như nhà Tần thống nhất Trung Hoa). Người ta cũng thường dùng thành ngữ “Tần phì Việt sấu” (người Tần béo, người Việt gầy), hoăïc chỉ nói gọn là “Tần Việt”, để chỉ sự xa cách về không gian (hai nước này thuộc thời Xuân Thu bên Trung Hoa), sự khác biệt nhau về dân tộc. Nếu với nghĩa thứ hai, Nguyễn văn Tường muốn chỉ rõ sự đồng nhất về tính người (nhân loại tính), ấy là khát vọng về độc lập, tự do, hạnh phúc và hòa bình. Tính nhân loại ở đây là tính đồng nhất, mặc cho sự khác biệt về dân tộc, địa bàn sinh tụ đến mức nào. [Xem TĐHV., tập hạ, sđd., tr. 250].

26

GIỮA ĐƯỜNG,
ĐÓN TIẾP QUAN NƯỚC THANH

Ai kia xong việc, vững triều ngay?
Lòng ngổn ngang ba, bốn Tết nay
Xe ngựa, đây lần soi vật giúp
Chuột chồn, nào dịp tắt gian gây?
Phác đồ, định hẳn, không người cản
Tạo đức, gánh cùng, há bạn dây (1)?
Đốt vượn hoạ cây, thôi buộc hận
Việt như Tần, chớ oán thêm hoài!

(bản biên soạn)

(1) Dây dướng, dây dưa, dây [vào]...

Không có nhận xét nào: