Chủ Nhật, tháng 11 05, 2006

9. NGUYEN VAN TUONG (1824 - 1886) -- THO -- VAI NET VE CON NGUOI, TAM HON & TU TUONG / Tệp 9

Bài 27

KÍ SƠN THỨ THAM TÁN ÔNG,
TÁN LÍ TRẦN


Thanh hạ phong huân kham giải phụ
Liên hồ nguyên bất đáo đông hàn
Tuyên thành kỉ tích di bi tại
Kí đạo chư quân thí nhất khan.


TRẦN ĐẠI VINH
phiên âm

27

GỞI THAM TÁN ÔNG ÍCH KHIÊM VÀ
TÁN LÍ TRẦN Ở QUÂN THỨ SƠN TÂY

Gió mát, hè trong giải khổ phiền
Hồ sen chẳng vẹn tới đông thiên
Thành Tuyên công trạng còn bia đó
Xin nhắn chư quân thử đến xem.


TRẦN ĐẠI VINH
dịch thơ

27

GỞI THAM TÁN HỌ ÔNG (1)
VÀ TÁN LÍ HỌ TRẦN (2), QUÂN THỨ SƠN (3)

Mùa hè trong xanh, quạt [gió] ấm áp, vui vẻ,
hình núi kì quái (:chiến công kì thú
và tinh quái) [đã] giải cứu gò đụn (4)
[Muốn ngắm] Sen Hồ nguyên vẹn, đừng đến [nhé, vào tiết] mùa đông lạnh lẽo (hoặc: Sen Hồ vốn
chẳng [nên] đến [vào tiết trời] đông lạnh lẽo) (5)
[Ở] thành Tuyên [Quang], bia lưu chép dấu tích [chiến công] còn lại [mãi mãi] (6)
Nhắn gửi các bạn thử một lần [đến] xem! (7)

(1) Ông Ích Khiêm (ĐNTL.CB., tập 32, sđd., tr. 189, tr. 225...; ĐNLT., tập 4, tr. 278 - 279). ĐNNTC., tập 4, sđd., tr. 342, ghi rõ: “Trong thành có một quả núi bằng đất”. Phải chăng chữ “phụ” trong bản nguyên tác chữ Hán chính là gò núi này?

(2) Trần Thiện Chính (ĐNTL.CB., tập 32, sđd., tr. 156, tr. 231...; ĐNTL.., sđd., tập 4, tr. 218).

(3) Sơn Tây (ĐNTL.CB., tập 31, tr. 365 - 366, 383...).

(4) ĐNTL.CB., tập 32, sđd., tr. 27, 33..., đặc biệt, tr. 172, 189.

(5) Về hai chữ “nguyên bất”, Nguyễn Du có câu: “Hoài quy nguyên bất đãi thu phong”; PGs. Ts. Mai Quốc Liên dịch nghĩa: “[Thì] lòng muốn về vốn chẳng [cần] đợi gió thu [thổi]” (Nguyễn Du toàn tập, tập I, sđd., tr. 213 - 214). Tuy nhiên, câu này hẳn phải dịch đúng với chất thơ: với thủ pháp nghệ thuật nhân hóa, đảo trang, tác giả khuyên mùa đông lạnh lẽo đừng bao giờ đến nơi dựng bia chiến tích, để nơi ấy quanh năm nguyên vẹn hồ sen nở hoa, hạ xanh, gió mát...

Sen Hồ còn là một địa danh, nơi mà có lần Ông Ích Khiêm lập được chiến công. ĐNTL.CB., tập 32, sđd., tr. 172, ghi rõ:

“Tháng mười hai, có toán giặc chiếm giữ đồn lớn ở xã Sen Hồ (thuộc tỉnh Sơn Tây), đem bè lũ đến đánh [quân ta] kịch liệt. Bọn tham tán là ông Ích Khiêm, tán lí là Trần Thiện Chính mật phái quân cảm tử ngầm đem thuốc cháy bắn ra để đốt. Bọn giặc tan vỡ, chạy cả. Việc ấy tâu lên; thưởng cho có thứ bậc”.

Tưởng cũng cần nhắc thêm chi tiết:

“Phó đề đốc là Trần Mân, tham tán là Ông Ích Khiêm, tán lí là Nguyễn Văn Tường đánh, phá tan bọn giặc trốn nước Thanh ở đồn Thanh Dã tỉnh Thái Nguyên. Chuẩn cho được thăng thưởng có thứ bậc” (ĐNTL.CB., tập 32, sđd., tr. 189).

(6) Đây là chiến công thu phục lại thành Tuyên Quang của quân thứ Sơn Tây dưới sự chỉ huy trực tiếp của đề đốc Phạm Hữu Xuân, phó đề đốc là Vũ Tảo, thương biện tỉnh vụ Nguyễn Hữu Xuân, vào tháng ba âm lịch năm Quý hợi (02. 1863). (Xem: ĐNTL.CB., tập 30, sđd., tr. 12 – 13).

Tất nhiên quân thứ Sơn Tây được đặt dưới sự lãnh đạo của Nguyễn Bá Nghi, nhất là vai trò Ông Ích Khiêm, Trần Thiện Chính.

Chiến công này cùng chiến công ở Sen Hồ đã được khắc trên bia đá lưu niệm? Hay tác giả muốn so sánh hai chiến công lừng lẫy? Xin xem chú thích (1) bản dịch thơ.

(7) Về sau, Ông Ích Khiêm được trọng dụng ở Triều đình Huế, được phong tước nam, hàm thị lang Bộ Binh, có đóng góp công sức trực tiếp vào việc bảo vệ cửa biển hải phòng Thuận An (1883), trực tiếp thi hành án Hiệp Hòa với lệ “tam ban triều điển” cùng Trương Văn Đễ, Trần Xuân Soạn. Nhưng rất tiếc, vì ngộ nhận, do bị phe chủ “hòa” và bọn Rheinart, De Champeaux, Caspar tung tin bôi xấu sau cái chết của Kiến Phúc (do Hồng Hưu, Dục Đức chủ mưu), Ông Ích Khiêm đã tha hóa, làm càn và sống buông thả (phạm pháp vào tháng 05 Giáp thân, 1884 [ĐNLT., tập 3, sđd., tr. 281]). Sự tha hóa, phản bội của Ông Ích Khiêm phản ánh rõ sự rạn nứt, phân hóa của nhóm chủ chiến trước sự gây rối ren, lũng đoạn của Pháp và tả đạo (ĐNTL.CB., tập 36, sđd., tr. 163 - 164).

7.1. Các nhà viết sử sau này thường nói đến tài năng văn chương, quân sự, cùng tính cuồng phóng đến thành bệnh tâm hỏa của Ông Ích Khiêm, về giai thoại “khi quân”, mời các quan ăn thịt chó, vờ bảo người nhà quên pha nước để “chửi đời”, tất cả đều là “đồ chó”, “ham ăn, quên nước quên non”. Các nhà sử học cũng đoán rằng, hai câu đối:

Nhất giang lưỡng quốc ngôn nan Thuyết
Tứ nguyệt tam vương triệu bất Tường


là của Ông Ích Khiêm. Ngoài ra, cũng nhắc đến mối bất hòa cũ giữa Tôn Thất Thuyết và Ông Ích Khiêm, thời còn tiễu phỉ ở biên ải phía bắc (ĐNTL.CB., tập 33, sđd., tr. 198; ĐNLT., tập 4, sđd., tr. 279 - 282):

“Tổng đốc Bắc [Ninh] là Lê Thuyết [tức Tôn Thất Thuyết, sau cuộc Kinh Đô Quật Khởi, 1885, bị Đồng Khánh tước họ Tôn Thất, đổi lấy họ ngoại – nbs.] thấy Ích Khiêm đánh trận tổn hại nhiều và tự tiện đem quân về không theo tướng lệnh, bèn bắt khóa giam lại, tâu xin xử trí. Khiêm liền bị triệt về kinh chờ án. Nhân mắc bệnh tâm hỏa, được cho về” (trích ĐNLT., tập 4, sđd., tr. 280).

Riêng về vụ án dẫn đến cái chết trong ngục ở Bình Thuận của Ông Ích Khiêm, là do ngự sử Đào Hữu Ích đàn hặc. Ngay trong thời Hàm Nghi, ông đã được Triều đình cho truy phục hàm thị độc và cấp tuất (ĐNLT., tập 4, sđd., tr. 281; ĐNTL.CB., tập 36, sđd., tr. 163 - 164: bản án có ghi rõ).

7.2. Có lẽ ĐNTL.CB., ĐNLT. đều đã viết quá mức sự thật về ông cũng như về nhóm chủ chiến trong Triều đình Huế bấy giờ. Chúng tôi đã có ý kiến riêng về ông ở đoạn trên trong chú thích này. Xin được nhắc lại: nguyên nhân sâu xa là do bản tính của ông (tội “khi quân”, khinh vua – chưa kể tội “vi binh”, xem thường quân luật – là tội rất nặng, lẽ ra phải bị tử hình, nếu giai thoại truyền khẩu là đúng sự thật), kế đó là do sự gây rối ren, lũng đoạn của Pháp và phe chủ “hòa”, dẫn đến sự ngộ nhận trong nội bộ nhóm chủ chiến, sự tha hóa, phản bội của danh tướng Ông Ích Khiêm. Ông đã mắc kế li gián của giặc. Cũng như đã có lần, cũng với bản tính nóng nảy, Tôn Thất Thuyết gây mất đoàn kết với Nguyễn Văn Tường, tố cáo Nguyễn Văn Tường ăn của đút, cho tiêu thụ tiền sềnh, nhưng vua Tự Đức đã kịp thời thanh minh cho Nguyễn Văn Tường (ĐNTL.CB., tập 34, tr. 370). Tôn Thất Thuyết mắc mưu vu khống của Rheinart (ĐNTL.CB., tập 34, tr. 341)! Về sau, lúc đã trở thành đường quan (đại thần), có quyền lực, thắm thiết trong quan hệ đồng chí chủ chiến với Nguyễn Văn Tường, nhất là lúc chạm vào thực tiễn phức tạp do sự lũng đoạn của Pháp lẫn con buôn người Hoa, Tôn Thất Thuyết (và cả Phạm Thận Duật, thay nhau làm thượng thư Bộ Hộ) cũng đành chấp nhận biện pháp đánh thuế tiền sềnh đi đôi với việc dùng hình pháp nặng, như đã tử hình Lí Thành Long (con buôn người Hoa). Biện pháp ấy trước đó, thời Tự Đức còn sống, Hoàng Diệu, Lâm Hoành cũng đã đề nghị: khó ngăn cấm được sự lũng đoạn của Tàu, Pháp về tiền tệ vì dân nghèo đã dùng lỡ đa số nhân dân lại hám lợi nhỏ (tiền) mà quên hại lớn (kinh tế xã hội). Hơn nữa, tiền sềnh đã tràn lan từ trước (thời Phạm Phú Thứ làm thượng thư Bộ Hộ) [ĐNTL.CB., bộ sđd., tập 31, tr. 48; tập 32, tr. 104; tập 34, tr. 176 - 178, 279, 304, 355, đặc biệt là tr. 341 và 370; tập 35, tr. 23, 47; tập 36, tr. 183 - 184]. Ông Ích Khiêm cũng có cùng một tính nóng nảy, phát ngôn thiếu kìm chế, ở mức độ chẳng khác gì Tôn Thất Thuyết, nên dễ va chạm nhau. Cả hai do đó, cũng dễ sa vào mưu li gián của thực dân Pháp, như tên khâm sứ Rheinart thâm độc, De Champeaux gian hiểm, quyết “đập tan tành” Nguyễn Văn Tường và li gián cả nhóm chủ chiến Triều đình Huế, cũng như Hector, Silvestre thời Đồng Khánh đã dã tâm vạch kế hoạch tuyên truyền bôi nhọ, li gián những con người yêu nước mà đứng đầu là Nguyễn Văn Tường, Tôn Thất Thuyết (li gián ngay cả sau 05. 7. 1885).

Ở đây, về Ông Ích Khiêm nói riêng, về cả nhóm chủ chiến nói chung, chúng tôi chỉ rút tỉa, đãi lọc những sự kiện đã được sử sách đủ mọi nguồn ghi nhận, để đánh giá, nhìn nhận theo quan điểm khác, không phải là quan điểm của thực dân lộ mặt, thực dân đội lốt Thiên Chúa giáo, quan điểm của bọn ngụy, tay sai, kể cả quan điểm của những người yêu nước mù lòa về nhận thức, nhận thức chính trị với tư duy giản đơn (tác giả vè “Thất thủ Thuận An”, vè “Thất thủ kinh đô”, chẳng hạn), hoặc mị yêu nước để bôi nhọ người yêu nước chân chính. Họ đã bôi nhọ đủ cách thức, kể cả việc chế tạo ra tư liệu giả, bịa ra những sự kiện không có thật đến mức phi lí (*a)!

27

GỬI ÔNG ÍCH KHIÊM
VÀ TRẦN THIỆN CHÍNH
Ở QUÂN THỨ SƠN TÂY

Gió ấm, hạ xanh: gò cứu đụn (1)
Rét đông khôn đến: hồ nguyên sen (2)!
Thành Tuyên, kỉ tích bia lưu mãi
Nhắn gửi mọi người thử tới xem (2).


(bản biên soạn 27/1)

Hạ biếc quạt nồng thông được núi (1)
Sen Hồ vốn chẳng trọn hàn đông (1)
Thành Tuyên chép tích bia lưu đó
Nhắn gửi các anh thử đến trông.


(bản biên soạn 27/1)

(1) Xin xem lại chú thích (1) ở bản dịch nghĩa bài này. Hai câu trên cũng có thể dịch như ở bản 27/2 bởi chữ “giải” còn có nghĩa “hiểu rõ”, chữ “đáo” còn có nghĩa thứ hai là đến nơi đến chốn, đủ khắp (chu đáo), khớp với văn cảnh. Nếu dịch như bản 27/2, đại ý của bài thơ là: Nguyễn Văn Tường muốn động viên Ông Ích Khiêm, Trần Thiện Chính và cả bản thân ông rằng, chiến công ở Sen Hồ tuy rất đáng trân trọng, nhưng e chưa đủ để lưu lại trên bia đá biển đồng như chiến công tái chiếm lại thành Tuyên Quang; vì thế cần phải cố gắng lập chiến công tương đương hoặc lớn hơn cả chiến công tái chiếm thành Tuyên Quang ấy.

(2) Qua bài thơ đầy yêu mến của Nguyễn Văn Tường đối với Ông Ích Khiêm, Trần Thiện Chính, người đọc còn thấy được niềm cảm phục chân thành của chính Nguyễn Văn Tường dành cho hai người bạn chiến đấu của mình.

Mối quan hệ giữa Ông Ích Khiêm và Nguyễn Văn Tường luôn tốt đẹp, không phải chỉ trong thời gian tiễu phỉ ở phía Bắc, mà mãi cho đến1884 (theo suốt các tập ĐNTL.CB., từ tập 28 đến tập 36). Tất nhiên, ngoại trừ lúc Ông Ích Khiêm đã phản bội, tha hóa, vi phạm pháp luật của triều đình mà không một ai có thể cứu được!

Thiết tưởng cũng cần ghi rõ thêm: Trong các nhân vật chủ chiến nổi bật của Triều đình Huế, (trừ trường hợp Trương Văn Đễ (*b)), chỉ mỗi một mình Ông Ích Khiêm có tiểu truyện riêng trong Đại Nam liệt truyện (tập 4, sđd., tr. 279 - 282). Phải chăng đó là “ân huệ” cho kẻ đã li khai khỏi nhóm chủ chiến và đã phản bội những đồng chí của mình?

Tuy nhiên, ĐNLT. bị cất vào kho sử sau khi khắc in (sđd., tập 3, tr. 5 - 8), chỉ có ĐNTL.CB, đệ lục kỉ, tập 37 và tập 38, là được phổ biến rộng rãi khắp nước (lời tâu của QSQTN., sđd., tập 37, tr. 8), dưới ách “bảo hộ” vốn rất thâm độc của thực dân Pháp, trong xiềng xích bảo hoàng của Triều đình Nguyễn. Do đó, nhận thức của xã hội nói chung là sai lệch (cộng với tác hại do các hình thức tuyên truyền khác của tả đạo, thực dân như vè TTKĐ., nên lại càng rối nhiễu), bởi lẽ, mấy ai hiểu ra cách đánh giá ngược, mặc dù đã được ghi ở lời phàm lệ (sđd., tr. 16) (*c)!


Cước chú của bài thơ số 27, thuộc Phần thứ III (Thi tập Nguyễn Văn Tường):

(*a) Vè “Thất thủ kinh đô”, theo chúng tôi, cũng rơi vào quỹ đạo của luận điệu tuyên truyền do Pháp và Triều đình Đồng Khánh tung ra. Đây là một thủ đoạn rất tinh vi của thực dân Pháp; hoặc do dân gian mù lòa trong nhận thức, nhận thức chính trị với tư duy đơn giản kiểu rạch ròi, tuyến tính cứng nhắc trong các vở tuồng cổ, cải lương, chèo cổ, mà vô hình trung có lợi cho Pháp và bọn tay sai.

Ca ngợi Tôn Thất Thuyết lại bằng những câu:

“Chú nào con vợ chưa thành
Cho về sở định sở sanh việc nhà
Chú nào lưa mẹ còn cha
Cho về bảo dưỡng, vậy mà đừng đi”


Có nhà sử học, nhà văn cho rằng đấy là chủ nghĩa nhân đạo của Tôn Thất Thuyết!

Không đời nào có kiểu tuyển quân kháng chiến kì quặc với các tiêu chuẩn như thế. Thế thì chẳng còn người lính kháng chiến nào hết (chỉ chọn người đã mồ côi cha mẹ và đã có vợ con!). “Giặc đến nhà đàn bà cũng đánh” (tục ngữ), “mỗi người làm một trận” (Nguyễn Trãi), “đàn ông nào, đàn bà nào, thấy Tây cứ chém phứa, thấy Nhật cứ chặt nhào” (Hồ Chí Minh), chứ đâu phải tuyển quân kiểu đó! Tuyển quân kiểu đó, không phải kháng chiến, mà chỉ “băng mình tếch dặm sơn phòng náu nương” (VTTKĐ., câu 1036)!

Vè “Thất thủ kinh đô” chỉ minh họa theo luận điệu của thực dân Pháp và Triều đình Đồng Khánh: Tôn Thất Thuyết chỉ tìm kế thoát thân, chứ chẳng kháng chiến gì cả.

Vè “Thất thủ kinh đô” đã bắn vào tim Tôn Thất Thuyết viên đạn bọc đường: giết chết nhân cách Tôn Thất Thuyết bằng viên kẹo ca ngợi ngọt lịm mà bên trong là mũi đạn có thuốc súng công phá.

Còn với Nguyễn Văn Tường, vè “Thất thủ kinh đô” triệt hạ cả tư cách, phong độ lẫn lập trường chính trị. Tuy vậy, vẫn nói rõ: đến mức không thể hòa hoãn với Pháp được nữa, bởi Pháp cố tình gây hấn, dùng kế khích tướng, ép Triều đình một cách ngạo mạn, ông đã bày tỏ thái độ (tuy bị nhu nhược hóa!):

“Ai có tài ra chốn binh đao
Miễn yên nhà [yên] nước, lẽ nào dám can”

(VTTKĐ., câu 633 - 634)

Và ở đoạn kết, lúc kinh đô Huế đã thất thủ:

Đô thành, quan Quận giao hòa
Lựa chiều hơn thiệt nói mà với Tây
Tây phiên gẫm vẫn giận thay:
– “Đem lòng cự chiến còn đến đây
làm gì?
May mà Nam Việt bại suy
Tây mà bại, đạo phen ni cũng không
còn...”

(VTTKĐ., 1335 - 1340)

Quan một cho đến quan ba
Quan năm quan sáu vậy mà cũng nghe
Đòi triệu các quan tỉnh trở về
Sự tình y ước cho ra bề đục trong
Tin thì tin, dạ còn phòng
Nam triều tể tướng nó đem lòng
phục binh

(VTTKĐ., 1371 - 1376)

“Mời quan tể tướng xuống mau
Để kịp xuống tàu về nước Lang Sa”

(VTTKĐ., 1535 - 1536)

Dẫu có chút nào đúng với ĐNTL.CB., tập 36, các trang 63 - 64, 220 - 222, 247, tuy tinh thần chủ chiến đã bị xuyên tạc phần lớn, thì những đoạn khác vẫn có quá nhiều sai lạc nghiêm trọng (sai lạc cả những chi tiết nhỏ lẫn những mảng hiện thực lịch sử lớn).

Vè “Thất thủ kinh đô” không phân biệt được chủ chiến trong đấu tranh chính trị, ngoại giao và chủ chiến bằng vũ trang là một, “nhất dạng”, dẫn đến sự lệch lạc trong việc xây dựng hình tượng nhân vật theo tưởng tượng hư cấu chủ quan.

Vè “Thất thủ kinh đô” đã xuyên tạc, li gián cả hai người lãnh đạo cao nhất của nhóm chủ chiến, làm phong trào Cần vương hoang mang, tan rã, khiến người yêu nước không nhận ra thủ đoạn tuyên truyền của Pháp và triều Đồng khánh, rất dễ bị mắc lừa!

Vè “Thất thủ kinh đô” còn là cách biện minh cho Pháp, tả đạo, bọn tay sai và phe chủ “hòa”! (Xem các bài dụ của Từ Dũ – Nguyễn Nhược thị Bích viết thay – và của Đồng khánh về Tôn Thất Thuyết). Chả thế mà Le Bris đã dịch ra tiếng Pháp, đăng trên tạp chí Những người bạn cố đô Huế (BAVH.), số 1, năm 1942... (xem thêm tr. 235).

Chúng tôi chưa nói đến vè “Thất thủ Thuận An”, một sáng tác được cho là của dân gian vì đã lưu truyền trong dân gian, với những sai lạc, những xuyên tạc nghiêm trọng của nó: “đánh tráo nhân vật hư cấu”, Nguyễn Trọng Hợp thành Nguyễn Văn Tường, đồng thời biện minh cho tên thực dân tả đạo Caspar! Tên cơ hội, tay sai Nguyễn Trọng Hợp thì Đại Nam thực lục, chính biên, tập 36, 37 và Đại Nam liệt truyện, tập 4, sđd., đã ghi quá rõ hành trạng của y cũng như ý thức làm tay sai cho Pháp của y...

(*b) Có lẽ Trương Văn Đễ lại do Trương Quang Đản chạy “tội” (“tội” chủ chiến, thực thi nhiệm vụ cản hậu cho đoàn ngự giá sau khi kinh đô thất thủ!); và đặc biệt là nhờ uy vọng của cố đại thần Trương Đăng Quế, nên được phụ chép. Dẫu sao cũng chỉ được phụ chép mà thôi! – phụ chép vào dưới tiểu truyện của Trương Đăng Quế, ở mục hậu duệ –, vì Trương Đăng Đễ là con trai của cố mệnh lương thần họ Trương này. Xin xem lại chú thích số (11) cuối bài “Nguyễn Văn Tường với nhiệm vụ lịch sử sau Cuộc Kinh đô quật khởi 05.7.1885”.

(*c) Xem H. de Pirey, “Một thủ đô phù du: Tân Sở”, NNBCĐH. (1914), tập 1, sđd., tr. 224 - 234. Pirey trấn áp công luận bằng thủ đoạn XUYÊN TẠC CÔNG LUẬN, BỊA RA “Ý NGHĨ QUẦN CHÚNG” THEO Ý ĐỒ XÂM LƯỢC, mặc dù làm ra vẻ khách quan để tự bảo vệ lớp vỏ linh mục: “Tôi không dám bảo đảm những tin tức thu thập được là hoàn toàn xác thực [...] sau này kiểm tra lại hết và rũ bỏ những chi tiết nào nhận thấy là sai lệch” (sđd., tr. 225). Nhưng y lại dám bổ sung về Nguyễn Văn Tường: “... khi lịch sử phán quyết chung thẩm về con người này mà nước Pháp đày cho chết thì cũng nên xét tới những lời suy nghĩ về con người này của những người đã sống cùng và chịu khổ vì chính sách của ông” (sđd., tr. 234)!?! Đó là chính sách kháng chiến chống Pháp, Pirey xuyên tạc một cách tinh vi, thâm độc, và đầy thù hận đằng sau câu chữ! Buồn thay lòng dạ linh mục!


Bài 28

HỌA THƯƠNG BIỆN ĐẶNG LẠP
NGUYỆT KHỔ HÀN NGUYÊN VẬN


Hàn mưu tốt tuế dự thu sơ
Duyệt thử phi gia khí vị thư
Trà khả giải tinh tranh bộc lãn
Tửu kham phá muộn nại tôn hư
Tuyết sương lãnh trụy đa biên tái
Phong hỏa khôi tàn kỉ tệ lư
Vị báo đông phong tu biến tảo
Vô giao (giáo) nhai cốc hoặc trì ư.


VŨ ĐỨC SAO BIỂN
phiên âm

28

HỌA NGUYÊN VẦN BÀI THÁNG CHẠP RÉT
BUỐT CỦA ÔNG THƯƠNG BIỆN HỌ ĐẶNG

Cái lạnh định chấm dứt năm để chuẩn bị cho đầu thu
Thổi qua đám cỏ lau bay bay không khí chưa dịu
Trà có thể làm tỉnh người giành cơn lười của đầy tớ
Rượu giải sầu được, nhưng chịu để chén không
Tuyết sương lạnh lẽo rơi nhiều nơi biên ải
Lửa chiến tranh thiêu rụi mấy xóm nghèo
Bảo cho gió xuân nên đến sớm khắp nơi
Chớ có chậm trễ ở những nơi hẻo lánh.

VŨ ĐỨC SAO BIỂN
dịch nghĩa

28

HỌA NGUYÊN VẦN BÀI “THÁNG CHẠP RÉT BUỐT” CỦA THƯƠNG BIỆN HỌ ĐẶNG (1)

Cái lạnh định chấm dứt năm [cũ], chuẩn bị cho [tuổi] chớm thu
Xét nhìn [đám] cỏ lau bay bay này [thấy luồng] không khí [lạnh] chưa dịu bớt
Trà có thể giải tỏa cho tinh thần, [hăng hái] giành cái lười [của] người giúp việc (thầy tớ)
Rượu (khả dĩ) đảm nhận [được việc làm] tan [nỗi] phiền muộn, đành [chịu nhịn với] chén [rượu] không!
Tuyết sương lạnh lẽo rơi [tại] nhiều biên ải
Gió lửa xám xịt [cháy] tàn [ở] bao nhà nghèo khó
Là [dấu hiệu] báo gió hướng đông (gió xuân) nên sớm [đến] (sớm cần thiết cho khắp nơi)
[Xin] đừng khiến [cho] rẻo cao, hang núi ở trong [những] sự mê loạn, chậm trễ, u ám!

(1) Đặng Toán (Đặng Kim Toán), (ĐNTL.CB., tập 31, tr. 235, 287 và ĐNLT., tập 4, tr. 294).

28

“THÁNG CHẠP RÉT BUỐT”

Họa thơ Đặng Toán

Dứt năm, lạnh tính tự đầu thu (1)
Bay rét lau này, ngó chửa thư
Trà vốn tỉnh hồn, tranh tớ biếng
Rượu thường tan khổ, chịu bình (2) khô!
Băng sương trắng trĩu nhiều biên tuyết
Khói lửa xám tàn mấy mái tro
Là báo gió xuân nên sớm khắp
Chớ gieo rẻo vắng nỗi mê mù!


TRẦN XUÂN AN
chuyển lại thơ

(1) Dịch thoát câu thứ nhất:

Lạnh tính dứt năm, tuổi chớm thu
Này lau bay rét, ngó chưa thư
Tỉnh hồn, trà vốn tranh hầu biếng
Tan khổ, rượu thường chịu chén khô!
Trắng trĩu băng sương nhiều ải tuyết
Xám tàn khói lửa mấy nhà tro
Gió xuân báo sớm nên về khắp
Rẻo vắng, đừng gieo nỗi mịt mù!


(2) Nguyên văn là “chén” (“tôn”).



Bài 29

DU BỒ SƠN TỰ


Vãn vãn xuân phong tiệm nhập hàn
Lãng du hoãn bộ đáo Bồ San
Danh thần vị đỗ sanh nhương nhật
Thử địa duy dư Diệu Giác quan
Thiền tụng thâm tiêu khai bát tọa
Chung minh bán hưởng tịch thiên ban
Tâm tồn bất sát Tào gia thệ
Thùy tác thương sinh phổ tế đan.


TRẦN ĐẠI VINH
phiên âm

29

ĐẾN CHƠI CHÙA BỒ SƠN

Chiều xuống gió xuân chợt lạnh dần
Lãng du nhẹ bước đến Bồ Sơn
Danh thần, chưa thấy, ngày tao loạn
Đây chỉ còn lưa “Diệu Giác quan”
Tám cõi mở ra lời kệ tụng
Ngàn ban tịch lặng tiếng chuông vang
Lòng còn chẳng dứt “Tào gia thệ”
Đâu giúp linh đơn cứu thứ dân?


TRẦN ĐẠI VINH
dịch thơ

29

ĐẾN THĂM CHÙA BỒ SAN (1)

Chiều muộn, gió xuân dần thấm [vào người, nghe] buốt lạnh
Lang thang đi [thăm], chậm (nhẹ) bước, đến Bồ San
Người bề tôi lừng tên tuổi, chưa [được] thấy, [trong tháng] ngày [thời thế] gây ra giặc giã
Đất này chỉ còn cửa chùa Diệu Giác (2)
[Tiếng] tụng [kinh] Phật sâu trầm (nhỏ tiếng) mở [ra] tám cõi (3)
[Tiếng] chuông vang vọng lửng lơ, [khiến] lặng yên nghìn loài (4)
Tâm hồn [đang] còn, chưa giết [được] lời thề của nhà họ Tào (5)
Ai tạo nên [cõi] sống [dân] đen (nghèo khổ),
[hỡi] thuốc cứu giúp rộng khắp
(cho mọi nơi, mọi người, mọi thời)?

(1) Bồ Sơn, thuộc tỉnh Bắc Ninh (ĐNNTC., tập 4, tr. 118).

(2) Tên chùa, có nghĩa: sự giác ngộ linh diệu.

(3) Tám cõi (bát tọa): còn gọi là “bát tòa”, một từ Phật học.

(4) Nghìn loài (thiên ban): chữ “thiên ban” của nhà Phật, chỉ chung muôn vạn sinh linh trên trần gian này...

(5) “Tào gia thệ” (lời thề của nhà họ Tào). Chúng tôi chưa tra cứu được điển tích này. Câu trên, cũng có thể dịch chữ “sát” là “chết”; “tâm” là “cái tâm” (lương tâm, thiện tâm): “Tâm còn, chưa chết lời thề của họ Tào ư?”.

“Sát” còn có một âm nữa là “tát” (tan mất), [HVTĐ., sđd., tr. 325].

Xin tạm dẫn điển tích này để thử tham khảo (có lẽ không khớp với tứ thơ): Tào lệnh nữ (con dâu tốt của nhà họ Tào) quyết thờ chồng, không tái giá. Vì bị cha mẹ ép lấy chồng lại, Tào lệnh nữ tự cắt tai để từ chối! Chú ép, cô cắt cả mũi mình! Tào lệnh nữ là vợ Tào Văn Thúc – cháu nội Tào Tháo. Theo cách diễn đạt của Bửu Kế, đó là thái độ, ý thức chính trị hơn là lòng thủy chung vợ chồng, lúc triều Ngụy Tào đã bị tiêu vong (TĐTNTN., sđd., tr. 567).

Có lẽ, ẩn ý của tác giả nhằm chỉ đến lòng trung thành tới mức ngu trung với triều Lê trung hưng bù nhìn và chúa Trịnh nhiều đời hiếp chế (tương tự như Hán và Ngụy – Tào Tháo). Cho dù bi kịch hủy hoại thân thể của Tào lệnh nữ là hậu quả của chế độ gia trưởng phong kiến, vẫn thấy rõ lòng chung thủy trong quan hệ vợ chồng thật đáng quý, đáng nêu lên như một tấm gương sáng về liệt nữ, như ở mục “Nhân vật” của ĐNNTC.. Nhưng ở đây, cái lõi của điển tích lại là thái độ, ý thức chính trị ngu trung thật đáng trách. Tác giả muốn chấm dứt sự ngu trung ấy chứ không phải muốn làm vỡ tấm gương chung thủy trong tình nghĩa vợ chồng.

Hẳn tác giả thừa hiểu điển tích Tào lệnh nữ cũng giống như Phạm Thái – Trương Quỳnh Như. Phải chăng cái oái oăm vừa giận vừa thương rất hiện thực thời bấy giờ đã phản ánh vào tâm hồn Nguyễn Văn Tường, tạo nên một tâm trạng mâu thuẫn đầy thao thức, khắc khoải, cái thao thức, khắc khoải của một nhà nho chiến sĩ rất Việt Nam? Do đó, bài thơ trên của Nguyễn Văn Tường đã đạt được độ sâu, tầm cao về giá trị hiện thực và nhân đạo (“Thùy tác thương sinh? Phổ tế đan!”). Tuy nhiên, chúng tôi vẫn e rằng điển tích ấy không phù hợp lắm với tứ thơ, văn cảnh toàn bài. Xin dè dặt ở điểm này.

29

ĐẾN THĂM CHÙA BỒ SAN (1)

Chiều muộn gió xuân thấm lạnh dần
Lang thang nhẹ bước đến Bồ San (1)
Danh thần, chưa thấy, thời đầy giặc
Tình xứ (2) chỉ còn Diệu Giác quan
Lời kệ sâu thầm, bừng cõi Phật (3)
Chuông chùa lửng vọng, lặng trần gian (3)
Tâm còn, chẳng diệt thề Tào Ngụy
Ai tạo dân đen? Trải thuốc Nhân! (4)


(bản biên soạn)

(1) Bồ Sơn (Bồ San). Ở đây, để theo vần toàn bài của nguyên tác.

(2) Nguyên văn: “Thử địa” (đất này; đất như thế).

(3) Dịch thoát hai khái niệm Phật học: “bát tòa (tọa)” , “thiên ban”.

(4) Phải chăng, nên dịch sát nghĩa hai chữ “thương sinh” (kiếp / cõi dân đen)? Hay chỉ dịch thoát:

“Thuốc linh ai cứu chốn lầm than?”
“Thuốc linh? Ai tạo kiếp lầm than?”


Tạm dịch, chưa diễn đạt hết ý của ba chữ “phổ tế đan”. Xin xem bản dịch nghĩa bài này. Chữ nhân (nhân đạo: lẽ đạo yêu thương) tương đương với hai chữ “từ bi” của Phật giáo.

Các triết gia xếp Phật giáo và hệ thống tư tưởng của nhà Phật vào loại duy tâm chủ quan. Đó là một trường phái triếât học xem thế giới khách quan là phản ánh của thế giới nội tâm vốn do chủ quan con người tạo ra; ở tầm cụ thể với dạng tâm lí thường thấy, đại loại như câu Kiều: “Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”; ở tầm khái quát với sự chiêm nghiệm sâu xa theo quy luật nhân quả cùng cặp phạm trù “tất yếu – ngẫu nhiên”: khổ đau, hạnh phúc trên cõi đời đều do cái tâm con người (thể hiện thành tư tưởng, tình cảm, hành vi...) tạo nên; mặc dù vẫn thừa nhận khổ đau – sinh, lão, bệnh, tử; sát sanh ... – là hiện thực khách quan , độc lập với ý chí của con người; tạm hiểu giản đơn như thế. Phật giáo chủ trương cải thiện trần gian, gồm cả hiện thực với quy luật khách quan ấy, bằng sự nhận thức luật nhân quả và tu tâm, hành xử với trí huệ (trí tuệ sáng suốt), theo đạo từ bi, hỉ xả (nhân đạo, khoan hòa, buông bỏ những dục vọng...).



Bài 30

DỮ THỐNG ĐỐC ĐĂNG KÌ ĐÀI
HỮU CẢM


Viễn địa tân niên hệ lữ hoài
Tướng tương hoãn bộ cưỡng đăng đài
Sơn nghinh khuy kính tùy minh diệt
Vân ủng nhàn song bán yểm khai
Cố miện chinh [ … ] cao các mộng
Bồi hồi kính cúc cố viên tài
Thanh bình giao dã tri hà nhật
Cộng chước kì anh tửu nhất bôi.


TRẦN ĐẠI VINH
phiên âm

30

CÙNG THỐNG ĐỐC LÊN KÌ ĐÀI,
CẢM XÚC

Đất khách năm mới dễ cảm hoài
Cùng nhau nhẹ bước gượng lên đài
Gương soi, núi đón, tùy ẩn hiện
Song kín, mây đưa, lỏng mở cài
Ngoái lại [ … ? … ] mơ mộng hão
Bồi hồi vườn cũ cúc vồng lay
Thanh bình thôn xóm bao giờ nhỉ
Cùng rót Kỳ Anh, chén rượu đầy.


TRẦN ĐẠI VINH
dịch thơ

30

CÙNG THỐNG ĐỐC (1) LÊN ĐÀI CỘT CỜ,
[TỰ DƯNG] CÓ CẢM XÚC

Đất xa xôi, năm mới gắn liền với nỗi buâng khuâng, thương nhớ của người đi xa
Đỡ nhau nhẹ bước, gượng lên bệï đắp cao (đài)
Núi đón chào, tấm gương chớp [như liếc mắt] tùy theo [chỗ] sáng, [chỗ] tối
Mây ôm cửa sổ nhàn nhã, nửa đóng nửa mở
Nhìn ngoảnh [lại], [nhớ] giấc mộng [về] chiếc vồ nện đất xây chiềng làng (2) [trên] lầu (gác) cao
[Lòng cứ] dùng dằng, [thương] sự trồng tỉa luống cúc [ở] vườn cũ (3)
Thanh bình [cho] vùng ngoại ô, thôn quê, biết ngày nào [như thế nhỉ]?
Cùng rót mời cái tinh hoa (4) [của] tuổi sáu mươi một chén rượu.

(1) Hoàng Tá Viêm (ĐNTL.CB., tập 32, tr. 94...).

(2) Bản nguyên tác chữ Hán có hai chữ này không “đọc” được (chinh chùy?). Hẳn chữ này vốn là từ tiếng Việt (“chiềng làng, chiềng chạ”) được tác giả phiên âm ra tiếng Hán. Đây là một chữ Nôm ít được dùng, bởi ngay chữ “chiềng” cũng là từ tiếng Việt cổ. Có lẽ tác giả nhớ thời xây dựng biên ải. Chúng tôi tạm đoán, dựa vào văn cảnh toàn bài cùng bài thơ 66, “Mừng Trần Trọng Cung thọ bảy mươi”: “chiềng chuỳ”, đó là “cái vồ nện đất (để đắp đất) của chiềng làng”. Xin xem thêm chú thích (3), bản dịch nghĩa bài 66.

(3) Có lẽ nhà thơ thương nhớ đến thời dạy học ở quê nhà (lúc bị cấm thi) hay ở Mộ Đức, Quảng Ngãi (lúc được bổ làm huấn đạo, sau khi đỗ cử nhân): tài (trồng cây) trong từ “tài bồi” (bồi: vun xới); “thụ mộc” – “thụ nhân” (trồng người).
“Cố viên tài”: cây cối (“tài”) ở vườn cũ. Hiểu một cách linh hoạt: vườn ươm trồng nhân tài.

(4) Chúng tôi liên tưởng đến bài “Vịnh họa thủy tiên trong quân lữ” của Hoàng Tá Viêm và bài họa lại của ông. Theo ông, hoa thủy tiên là biểu tượng “đẹp người, tốt nết, cao tài” (dị anh: tài năng xuất chúng). Có điều, ở bài thơ này này, “kì anh” cùng những phẩm chất quý báu của nó, không phải là hoa, mà là rượu – rượu kì anh, trác tuyệt! – của tuổi sáu mươi (“kì”).

30

CÙNG THỐNG ĐỐC HOÀNG TÁ VIÊM
LÊN ĐÀI CỜ, CẢM XÚC

Năm mới đất xa lính cảm hoài
Đỡ nhau nhẹ bước gượng lên đài
Gương loe núi đón, tùy ngời tắt
Song rỗi mây ôm, nửa mở cài
Ngoái thuở vồ chiềng, nâng gác mộng
Thương thời cúc luống, ươm vườn tài
Thanh bình thôn xóm ngày nào nhỉ
Cùng rót “Kì Anh” (1) một chén say!


(bản biên soạn)

(1) “Kì Anh”, ở đây dùng như tên rượu với nghĩa: tinh hoa tuổi sáu mươi, cái tinh hoa kết lại sau sáu mươi năm học tập, rèn luyện, chiến đấu, cống hiến...


Bài 31

HỌA THỐNG ĐỐC HOÀNG ĐẠI NHÂN
PHÚ BÌNH ĐẠO TRUNG NGUYÊN VẬN


Dã sắc sơn nhan nhất dạng hồng
Du nhiên vân dịch biến thiên dung
Vị tương giáp tẩy lưu hà thủy
Dục trợ quân thanh khiếu lãnh tùng
Đường tí phân nhương do thoán bắc
Hồ cầu nhu trệ vị chi đông
Thùy giao xuất hiệp vô dư cữu
Hoặc sử yêu ma cảm thiết hùng.


TRẦN ĐẠI VINH
phiên âm

31

HỌA NGUYÊN VẦN
BÀI “GIỮA ĐƯỜNG PHÚ BÌNH”
CỦA THỐNG ĐỐC HOÀNG ĐẠI NHÂN

Đồng núi sắc màu một dáng hồng
Mây ùn mưa tỏa khắp tầng không
Sao đem giáp rửa dòng sông chảy
Muốn giúp quân tinh gió ngọn tùng
Bọ ngựa phân vân còn trốn bắc
Áo cừu đẫm ướt chửa qua đông
Ai cho rút kiếm ta không lỗi
Khiến bé mọn kia xưng trộm hùng.


TRẦN ĐẠI VINH
dịch thơ

31

HỌA NGUYÊN VẦN BÀI “GIỮA ĐƯỜNG
PHÚ BÌNH” (1) CỦA THỐNG ĐỐC
HOÀNG ĐẠI NHÂN (2)

Sắc màu đồng ruộng, nét mặt núi non [cùng] một dáng hồng
Bỗng dưng mây di chuyển [đến, làm] biến đổi dung mạo [của bầu] trời
Sao đem áo giáp giặt tẩy [trong] nước sông [đang] chảy
Muốn giúp quân lính [thêm] thanh thế [như] những cây tùng [trên] đỉnh núi [đứng] hát [nghiêm trang]
Cánh tay [loài] bọ ngựa lộn xộn, quấy rối còn giấu (trốn) [ở phía] bắc
Tấm áo da chồn cáo mềm xàu, ướt đẫm chưa qua [được trong] mùa đông
Ai cho [chúng] rút [kiếm ra] khỏi vỏ (hoặc: sổ cũi), không phải lỗi chúng ta
Sự bất định khiến [lũ] yêu ma (lũ nhỏ mọn) dám trộm [tiếng],
[xưng] hùng!

(1) Phú Bình, Thái Nguyên (ĐNTL.CB., tập 31, sđd., tr. 361, 368).

(2) Hoàng Tá Viêm. Về chữ “đại nhân” (nghĩa đen: người lớn lao), xin xem chú thích về chữ “công” trong “Nguyễn công” – chú thích (1) bản dịch thơ, bài số 7.

31

“GIỮA ĐƯỜNG PHÚ BÌNH”

Họa thơ Hoàng Tá Viêm

Sắc ruộng màu non: một dáng hồng
Mây ùn mưa tỏa, ảo tầng không
Sao đem giáp rửa, trôi dòng nước
Muốn giúp quân nghiêm, trỗi đỉnh tùng
Tay bọ cướp tràn còn trốn bắc
Áo chồn ướt đẫm chửa qua đông
Ai cho rút kiếm ta không lỗi
Rối lệnh, trộm liều, quái mạo hùng! (1)


(bản biên soạn)

(1) Rối lệnh, quái gan, xưng trộm hùng!






Bài 32

NGẪU THÀNH,
TRÌNH THỊ SƯ NGUYỄN


Sơn đa hồ thử, hải đa kình
Không sử ngư tiều bạc mộ kinh
Điền hải khủng thương ngư miết quật
Tắc sơn nan tận điểu dương trình
Quần ngôn doanh phát mưu hà định
Sổ nẫm lao nhương hoạn vị bình
Nhược vấn toàn bàn quy kết xứ
Phủ như tập triệu chiến Hàn Bành.


TRẦN ĐẠI VINH
phiên âm

32

CHỢT LÀM,
TRÌNH QUAN THỊ SƯ HỌ NGUYỄN

Núi nhiều cáo chuột, biển nhiều kình
Luống khiến ngư tiều chiều xuống kinh
Lấp biển, sợ chôn hang trạnh cá
Vùi non, khó chặn nẻo dê chim
Lời gièm nổi dậy mưu sao định
Năm tháng lao đao hận chẳng lành
Thử hỏi toàn bàn nơi tụ họp
Dụ như Cung Triệu: đánh Hàn Bành.


TRẦN ĐẠI VINH
dịch thơ

BẤT CHỢT LÀM XONG, BÀY TỎ
[CÙNG] QUAN THỊ SƯ HỌ NGUYỄN (1)

Núi nhiều cáo chuột, biển lắm cá kình [hung dữ]
Khi không [lại] khiến [cho] người hái củi, dân đánh cá kinh hãi [trong mỗi] buổi chiều [lúc nắng trời đã] nhợt nhạt
Lấp biển, sợ chôn hang rùa, cá
Chặn núi, khó tiệt nẻo [đi lối về của] dê, chim
Lời nói [của] đám đông, bới móc, dựng lên đầy khắp, [như vậy] mưu lược làm sao định [ra được]
Nhiều năm mệt nhọc trừ dẹp, tai họa [giặc phỉ vẫn] chưa bình định [xong]
Thử hỏi toàn bàn [họp về] nơi quy tập [lại bọn phỉ ấy]
[Nên] vỗ yên (phủ dụ) [bọn chúng] như y theo cách xưa vời gọi, [do] sợ hãi Hàn, Bành (2) sao? (3)

(1) Nguyễn Uy (Oai) (ĐNTL.CB., tập 32, tr. 248).
(2) Theo TQSL., sđd., tr. 66 - 67: Hàn Tín đã thu phục được Bành Việt, tướng của Hạng Tịch. Hàn Tín, Bành Việt, hai danh tướng của Hán vương, đã từng chiếm đánh nước Triệu trong nửa ngày. “Chiến” còn có nghĩa: sợ.
(3) Hẳn đây là một câu hỏi nêu ra nhằm tranh luận với quan điểm thiên về vỗ yên (cấp đất, cấp tiền cho bọn phỉ – Thái Bình Thiên Quốc biến tướng –, cho chúng ở lại nước ta để sinh sống). Trong thực tế, chúng lại trá hàng rồi mưu phản, như vụ đánh úp thành Lạng Sơn, lúc quân binh của thành do Ông Ích Khiêm rút đi gần hết (để tiễu phỉ ở vùng khác)..., (xem ĐNTL.CB., sđd., tập 32, tr. 61 - 62). Cũng trong thực tế, giặc Cờ Đen Lưu Vĩnh Phúc, mặc dù có gây họa nhiều cho dân ta (cướp bóc, tàn sát), nhưng cũng được Hoàng Tá Viêm, Tôn Thất Thuyết vỗ yên và sử dụng đánh Pháp thành công, nhất là các trường hợp như quân ta khó lòng trực tiếp ra tay vì bị hòa ước bó buộc hoặc ngại làm vỡ không khí nghị hòa (giết Françis Garnier, 1873; Henry Rivière, 1882). Vì hai mặt tích cực và tiêu cực, xét về tác dụng trong việc vỗ yên, sử dụng “giặc Cờ”, nên bấy giờ vấn đề được bàn cãi gay gắt trong các cuộc họp của tướng sĩ (ĐNTL.CB., tập 31, sđd., tr. 317, 362; tập 32, sđd., tr. 99...).

32

BẤT CHỢT LÀM XONG,
BÀY TỎ CÙNG QUAN THỊ SƯ
NGUYỄN UY (NGUYỄN OAI)

Núi nhiều cáo chuột, biển đầy kình
Bạc mặt chiều hôm, chài, Thượng kinh
Chẹn biển, e chết hang cá nở (1)
Ngăn non, khó tiệt nẻo diều sinh (1)
Xấu gièm, lắm tiếng, mưu sao định
Khổ dẹp, nhiều năm, nạn chửa bình
Thử hỏi toàn bàn nơi tụ giặc?
Vỗ mời như Triệu, đánh Hàn binh (2)?!


(bản biên soạn)

(1) Dịch thoát. Nguyên văn có nghĩa: “hang rùa cá”, “nẻo dê chim”. Diều: diều hâu (biểu tượng của sự hiếu chiến, sống bằng xác người).

(2) Tạm lược chữ “Bành” (Bành Việt) ; như thế vẫn đủ nghĩa, lại giữ được nhạc điệu của câu thơ. Hoặc tạm dịch:

“Vỗ mời như cổ, đua Hàn Bành?”

bởi chữ “chiến” còn có nghĩa là “đua nhau hơn thua”, trong một phe. Xem chú thích (2) bản dịch nghĩa bài này.



Bài 33

DẠ VĂN CA CỔ
TRÌNH THỊ SƯ NGUYỄN


Đăng hạ phi thư tiệm giác hàn
Hồi tư sự thế dạ man man
Như kim ban mấn nhân tương lão
Hà xứ tân thanh khách diệc nhàn
Điêu đẩu chinh phu mê chướng vụ
Ngọc hoa thương nữ ỷ lan can
Trung khúc nhược giải bàng nhân ý
Xả khước tì bà xướng nhập quan.


TRẦN ĐẠI VINH
phiên âm

33

ĐÊM NGHE ĐÁNH TRỐNG CA,
TRÌNH QUAN THỊ SƯ HỌ NGUYỄN

Giở sách dưới đèn thấy lạnh lùng
Chuyện đời gẫm lại, đêm mung lung
Tóc phai nay độ ưu tư – lão
Trỗi nhạc nơi nào, nhàn hạ – ngông!
Lính tráng chinh phu mờ chướng khí
Xinh tươi ca nữ dựa lan can
Lời ca nếu giải lòng ngoài cuộc
Bỏ khúc “Tì bà” hát “Vượt ngàn”.


TRẦN ĐẠI VINH
dịch thơ

ĐÊM NGHE ĐÁNH TRỐNG HÁT XƯỚNG,
TỎ BÀY VỚI QUAN THỊ SƯ NGUYỄN (1)

Dưới đèn giở sách, dần dần cảm thấy lạnh
Ngẫm lại [quãng thời gian] sự đời biến loạn (giặc giã), đêm xa thẳm, mênh mông
Như thể (chừng như) bây giờ, tóc [đã] hoa râm, người chưa nhưng cũng sắp già
Nơi nào tiếng [hát] tươi mới, khách khứa cũng [hưởng] nhàn!
Đồ đong gạo [đong lương cho lính] điêu trá (hay nậm rượu độc ác) (2) [cùng] người lính trận mê mờ trong sương độc, bệnh sốt rét
Cô gái bán [phấn] buôn [hương] (3) [với (hoặc xinh đẹp
như)] đóa hoa [được làm bằng] ngọc,
tựa vào bao lơn
Khúc hát ngay thẳng giá như cởi bỏ được ý nghĩ [của] người bàng quan [với dân, với nước]
(hoặc: người bên cạnh; người ngoài cuộc) (4)
Xin tha thứ [cho chúng và] hãy [cùng nhau] từ bỏ cái
đàn tì bà (4), hát lên [khúc hát] “Vào cửa ải” (5).

(1) Nguyễn Uy (Oai), (ĐNTL.CB., tập 32, tr. 248).

(2) Theo mặt chữ của nguyên tác chép tay, “điêu đẩu” có hai nghĩa (hai loại đồ dùng nấu ăn của lính, đêm dùng để đánh cầm canh; đồ đong gạo điêu trá), [Thiều Chửu, HVTĐ., sđd., tr. 50].

(3) Nguyên văn: “thương nữ” (người con gái làm nghề thương mãi [buôn gạo, bán rượu...]). “Ngọc hoa” còn có nghĩa là gái đĩ xinh đẹp.

(4) Vương Tường (Chiêu Quân), đời vua Hán Nguyên Đế (Trung Hoa), bị cống nộp cho “rợ” Thuyền Vu; khi ra cửa ải Vân Quan, Chiêu Quân ngồi trên lưng ngựa gảy đàn tì bà rất ai oán (TĐTNTN., sđd., tr. 604 - 605).

(5) Hơi dè dặt, chúng tôi liên tưởng đến bài Tì bà hành (của Bạch Cư Dị) do Phan Huy Vịnh (thượng thư Bộ Hình, cùng thời) dịch.

33

ĐÊM NGHE ĐÁNH TRỐNG
HÁT XƯỚNG,
TỎ BÀY VỚI THỊ SƯ NGUYỄN UY
(NGUYỄN OAI)

Giở sách dưới đèn lạnh thấm sang
Nhiễu nhương, suy ngẫm, đêm mang mang
Như nay tóc nhuốm, người chừng lão
Đâu chốn nhạc tươi, khách mãi nhàn
Vạc kẻng chinh phu mê chướng khí
Ngọc hoa thương nữ dựa lan can
Lời ngay nếu cứu lòng hờ hững
Buông bỏ Tì bà, hát Vượt ngàn! (2)


(bản biên soạn)

(1) Nếu hiểu “điêu + đẩu” là cái thưng, cái đấu xảo trá (để đối chỉnh với danh từ ghép đẳng lập “ngọc + hoa” vốn có nghĩa bóng là gái đĩ, xin tạm dịch toàn câu (sát nghĩa):

“Thưng đểu chinh phu mờ sốt rét
Hoa ngời thương nữ loá lan can”.


(2) Đây là một bài thơ nghĩ chuyện đời thời biến loạn! Toàn bài thơ nói về quan niệm sống; tiếng trống, giọng ca, người lính, kĩ nữ chỉ là cái cớ trực tiếp. Đừng khiêm tốn thì phải nói là: bài thơ thể hiện triết lí sống, lẽ sống tích cực, đầy trách nhiệm trong hoàn cảnh Đất nước bị ngoại xâm và nội loạn (*). Không thể không liên tưởng đến bài “Bạc Tần Hoài” của Đỗ Mục, đời Đường (Trung Hoa):

Yên lung hàn thuỷ nguyệt lung sa
Dạ bạc Tần Hoài cận tửu gia
Thương nữ bất tri vong quốc hận
Cách giang do xướng “Hậu đình hoa”!

Nước lồng khói toả, cát trăng pha
Thuyền đỗ sông Hoài cạnh tửu gia
Con hát biết chi hờn mất nước
Cách sông còn hát “Hậu đình hoa”!


KHƯƠNG HỮU DỤNG
dịch thơ
("Thơ Đường", tập 1,
sđd., tr. 263).

“Hậu đình hoa” là “một khúc tình ca của Trần Hậu Chuá” (chú thích, sđd.)!

Một quan niệm về mối quan hệ giữa văn chương với hoàn cảnh Đất nước rất cổ nhưng lại rất mới.


Cước chú của bài thơ số 33, thuộc Phần thứ III (Thi tập Nguyễn Văn Tường):

(*) Xem bản tấu của Nguyễn Văn Tường đệ trình vua Tự Đức về việc bố trí quan chức (tướng sĩ...) và về đức liêm khiết (ĐNTL.CB., tập 32, sđd., tr. 31 - 32).



Bài 34

KIÙ PHỎNG
NGUYÊN CAO NIẾT NGUYỄN


Tu mi tài bán bạch
Kiếm bút khởi toàn phao
Giám biệt thùy Tiêu nhãn
Hùng phi thị Tín hào
Bất tham Tần hóa bảo
Vị tiễn Hán bồng cao
Nhiễu nhiễu phương đa cố
Vô vi vật hiệu Tào.


TRẦN ĐẠI VINH
phiên âm

34

GỞI THĂM NGUYÊN ÁN SÁT
CAO BẰNG HỌ NGUYỄN

Tóc mày vừa bạc nửa
Kiếm bút há vứt đi
Ai mắt Tiêu Hà xét?
Hàn Tín hào sảng kia!
Chẳng ham đồ Tần quý
Cỏ Hán phải cắt lì
Nhiễu nhương nhiều biến cố
Chớ Tào Tham vô vi.


TRẦN ĐẠI VINH
dịch thơ

34

GỬI THĂM NGUYÊN ÁN SÁT CAO BẰNG
HỌ NGUYỄN (1)

Mày râu vừa mới bạc một nửa
Kiếm, bút chẳng lẽ (há) vứt hết cả [đi]?
Ai [có đôi] mắt Tiêu (2) soi xét?
Ấy [là cái] tài xuất chúng [của] Tín (3) (: phát dương chí khí mạnh mẽ) [ư]?
Không tham [trước] đồ vật, tiền tệ (hay ấn tín [phong cho]) [của nhà] Tần (4)
Cùng cắt cho đều cỏ bồng (thường dùng làm mũi tên
cho cung nỏ), cỏ cao (để chữa bệnh) [của nhà] Hán
Nhiễu nhương [ở] phương [trời] lắm biến cố (4)
[Hãy] vô vi (5) [bạn nhé!], chớ bắt chước Tào (6)!

(1) Nguyễn [Quang] Quýnh ở ĐNTL.CB., tập 28, sđd., tr. 73; ĐNTL.CB., tập 31, sđd., tr. 86; QTHKL., sđd., (số thứ tự 728), tr.178; chứ không phải là Nguyễn Quýnh anh em của Nguyễn Thuật (tập 37, sđd., tr. 142).

(2) Tiêu Hà: mưu thần của Lưu Bang (Hán Cao Tổ).

(3) Hàn Tín: tướng giỏi của Lưu Bang. Lúc còn nghèo khổ, chịu ăn cơm hẩm của người đàn bà làm nghề giặt rửa, chịu lòn trôn người khác giữa chợ một cách nhục nhã để nuôi chí lớn. Về sau, thành danh tướng của nhà Hán. Nhưng danh đã thành mà thân không chịu thoái về, nên bị Lưu Bang (vợ là Lữ Hậu) giết, bởi sợ Hàn Tín cướp ngôi. Tấm gương ẩn nhẫn nuôi chí và bài học về bi kịch công thần!

(4) Khuôn dấu (ấn tín) và hàng hóa, mũi tên của cung nỏ và thuốc thang, đó là bốn biểu tượng của quyền lực (kể cả quyền lực của bọn làm tay sai cho ngoại bang), của giàu có (dù nô lệ), của ý chí và sức mạnh chiến đấu, của sự cứu chữa mọi vết thương, căn bệnh. Chiến tranh mặc dù chính nghĩa vẫn gây ra nhiều hi sinh, đau đớn. Do đó, phải có tài năng, thuốc thang của y tế, của nhân đạo.

Gửi thư bằng thơ cho bạn, Nguyễn Văn Tường đã củng cố cho nhau một thái độ chính trị, một chọn lựa trước vận mệnh của nhân dân và Tổ quốc đang bị thách thức bởi thực dân Pháp và kẻ thù nhẵn mặt – bọn vua chúa Tàu.

(5) “Vô vi: bất nhi bất vi” (Lão Tử). Hãy làm tất cả vì đời nhưng xem như chẳng làm gì, thậm chí đừng lưu danh (vô danh), đừng kể công lao (vô công)... “Vô vi”, ngược với “hữu vi”, là một chủ trương chính trị dùng đạo đức, học thuật để giáo hóa con người, không dùng bạo lực và hình pháp.

(6) Tào Tháo, cũng xem như là kẻ đã cướp ngôi nhà Hán, lập nên nhà Ngụy, mặc dù đến đời con Tào Tháo là Tào Phi mới chính thức xưng là Ngụy đế. Tào Tháo còn là một hình tượng văn học bị bóp méo theo quan điểm phù Hán, hoài Hán của tác giả tiểu thuyết Tam Quốc diễn nghĩa (La Quán Trung), mặc dù trong thực tế lịch sử Tào Tháo là một thi sĩ, một nhà chính trị không tệ hại như thế. Ở đây, Nguyễn Văn Tường muốn phê phán sự cưỡng ép vua Hán, chuẩn bị cho Tào Phi cướp ngôi hẳn, về sau.

Tuy nhiên, thấy rõ là suốt bài thơ, Nguyễn Văn Tường đều dùng các điển tích Bắc sử (sử Trung Hoa) thời cuối Tần đầu Tiền Hán (khoảng năm 202 - 215 [?] trước công nguyên Thiên Chúa giáo). Vì vậy, Tào được đề cập đến hẳn là Tào Tham. “Tiêu quy, Tào tùy”: Tiêu Hà quy định nên phép tắc nhà Hán trước, Tào Tham kế nhiệm, tuân theo sau (TĐHV., tập hạ, sđd., tr. 277). Cả Tiêu Hà lẫn Tào Tham đều nối nhau làm tướng quốc (TQSL., sđd., tr. 69).

Dù với điển tích là Tào Tháo hoặc Tào Tham, thì ý tưởng “công thành thân thoái” hoặc “vô vi” (đại ẩn tại triều trung...) [xem chú thích (5) trước chú thích này] vẫn là ý tưởng kết đọng cuối bài thơ; hoặc giả, với ý không nên nối tiếp đường lối hiện hành do Trần Tiễn Thành lũng đoạn...

Phải chăng, “vô vi bất nhi bất vi” là một cách thoát khỏi sự bế tắc của tư tưởng chủ chiến trước sự thắng thế của khuynh hướng chủ “hòa”? Nghĩa là vẫn hành động theo chủ trương chủ chiến một cách bí mật! [Xem bài 38, “Bệnh trung kí phỏng đồng chí”]...

Ở đây, xin ghi cả Tào Tháo lẫn Tào Tham cho rộng đường tra cứu thêm và rộng đường suy ngẫm về tứ thơ. Xin xem câu kết bản dịch thơ bài này của Trần Đại Vinh.

34

GỬI THĂM NGUYÊN ÁN SÁT
CAO BẰNG NGUYỄN QUÝNH

Mày râu vừa bạc nửa
Kiếm bút há quăng đi!
Ai mắt Tiêu soi lẽ
Kìa tài Tín, chói uy!
Dấu, hàng Tần, chẳng hám
Tên, thuốc Hán, đều chi (1)
Rối nhiễu nơi tao loạn
Học gì Tào vô vi!


(bản biên soạn)

Chùm thơ hai bài 35. 36

QUÂN TRUNG THUẬT HOÀI


35: BÀI A

Nhất biệt tinh chu ngũ
Tương tư cửu khúc trường
Tái phong lai kính trúc
Dạ nguyệt thướng cao lương
Sầu bất li cô tái
Mộng thường đáo cố hương
Phong hầu thùy tự ngộ
Định viễn mấn thành sương.


TRẦN ĐẠI VINH
phiên âm

35. 36

TRONG QUÂN TỎ LÒNG

35: BÀI A

Một đi năm năm tròn
Nhớ đau chín khúc ruột
Gió ải lay xanh trúc
Trăng đêm bước cầu son (1)
Sầu chẳng rời ải vắng
Mộng thường lại cố hương (1)
Phong hầu ai lạc lối
Định Viễn tóc pha sương (2).


TRẦN ĐẠI VINH
dịch thơ

(1) Tác giả nhớ về Huế, Quảng Trị ([?] – nbs.). Đó là hai hình ảnh của hoài niệm, hồi tưởng, tiểu đối và đối chỉnh với hai hình ảnh của hiện tại mà tác giả đang sống, chiến đấu tiễu phỉ (ở hai câu trên của hai câu này).

(2) Định Viễn (sử Trung Hoa): mĩ hiệu của Ban Siêu, có nghĩa là bình định được vùng đất biên viễn. Đó là một người được phong đến tước hầu; trải qua ba mươi năm chinh chiến ở biên giới, khi trở về đầu đã bạc trắng.

35. 36

TẠI NƠI BẢN DOANH CỦA CÁC TƯỚNG SĨ,
BÀY TỎ NỖI LÒNG

35: BÀI A

Một [lần] ra đi [vậy mà đã] tròn năm chu kì của vì sao (5 năm)!
Nhớ nhau, [xót đau như] chín khúc ruột quằn
Gió [biên] ải đến [với những cành] trúc [ven] lối [đi] (1)
Trăng đêm [khuya như bước] lên cầu cao
[Nỗi] sầu không [chịu] rời [biên] ải cô quạnh
[Giấc] mộng thường về lại quê cũ
[Nhận] phong chức quan, hàm tước, ai [đã trót] nhầm lỡ
[Sự] quyết định [từ] phương xa (2), [khiến] mái tóc hóa sương [trắng]! (3)

(1) “Kính trúc” cũng có thể dịch là “trúc thẳng”. “Kính trúc” đối với “cao lương”, rất chỉnh, về từ loại, và cấu tạo ngữ (ngữ danh từ = tính từ + danh từ). [Xem: HVTĐ, sđd., tr. 192].

(2) Lệnh từ kinh đô ban ra Bắc (điều động Nguyễn Văn Tường vào Huế nhận lệnh sung vào phái bộ Lê Tuấn, 1873 - 1874); hoặc: xong việc nơi biên ải (nhưng lúc này vẫn chưa diệt xong giặc Cờ, F. Garnier và Puginier lại tăng cường mua chuộc, quấy phá!).

(3) Xin lưu ý câu kết của bài thơ. Đó là một câu rất tâm trạng của tác giả.

35. 36

TẠI NƠI BẢN DOANH CỦA CÁC
TƯỚNG SĨ, BÀY TỎ NỖI LÒNG

35: BÀI A

Một đi, năm Tết trọn
Quằn chín khúc u buồn
Gió núi lay đường trúc
Trăng khuya lên đỉnh rường
Sầu không rời ải vắng
Mộng mãi về quê thương
Quan tước, ai nhầm chọn
Định Viễn tóc hóa sương!


(bản biên soạn 1/35)

35: BÀI A

TẠI NƠI BẢN DOANH CỦA CÁC
TƯỚNG SĨ, BÀY TỎ NỖI LÒNG

Một giã nhà, năm năm trọn!
Nhớ nhau, chín khúc buồn thương
Gió rừng lay tâm thẳng trúc
Trăng muộn lên cầu cao rường
Sầu úa chẳng rời hoang ải
Mộng hùng (1) thường về cố hương
Nẻo quan, tự ai nhầm chọn
Yên ải, tóc hóa thành sương!

(bản biên soạn 2/35)

(1) Giấc mộng hào hùng (theo nghĩa tiếng Việt).

Chùm thơ hai bài 35. 36

QUÂN TRUNG THUẬT HOÀI


36: BÀI B

Độc túc lũng đầu phùng lậu vĩnh
Khước vô bôi tửu phá sầu trường
Thâm lâm tự thị đa kinh cức
Đại địa hà tằng phạp đống lương
Sổ nẫm dĩ qua chư tạp ải
Nhất sinh khả tiếu kỉ bồng tang
Gian nan thùy đạo chinh phu ý
Ca lạo hoàn thi tuyết hựu dương.


NGUYỄN TÔN NHAN
phiên âm và dịch nghĩa

35. 36

BÀY TỎ NỖI NIỀM ẤP Ủ TRONG LÒNG
[Ở] NƠI TƯỚNG SĨ BÀN KẾ (1)

36: BÀI B

Một mình trú lại [vào ban đêm ở] đầu gò đất giữa đồng
(2), gặp giờ khắc [kéo dài ngỡ như đêm] mãi mãi
Hóa ra, không [có] chén rượu [để] phá [tan] nỗi lòng buồn bã
Rừng sâu, tự [cho là] phải [với] nhiều gai góc (: gian khổ, giặc phỉ)
Đất rộng (: lớn), sao từng trải qua [vẫn] thiếu rường cột (: người hiền tài)
Nhiều năm, đã đi qua lắm cửa ải, nơi thu thuế cửa khẩu
Một đời có thể cười, với bao cung tên (: chí làm trai) (3)
Gian khó, ai nói [về lẽ đạo cứu nước, giúp dân như] ý nghĩ [của] người [vào] trận mạc
Hát ca, lấy lời để động viên, an ủi (4) [rồi] trở về [với] thơ, [cứ] tuyết lại dương liễu (5)!

(1) “Quân trung”: giữa việc binh; giữa nơi đóng quân.

(2) “Lũng”, còn có nghĩa là cái mộ (mồ mả).

(3) “Bồng tang” (tang bồng), lược từ thành ngữ “tang hồ, bồng thỉ” (cung gỗ dâu, tên cỏ bồng). Tục xưa, sinh được con trai, người ta làm lễ với “tang hồ, bồng thỉ”, bắn sáu phát (bốn hướng, đất và trời), với ước vọng tỏ chí làm trai cho con.

(4) “Ca lạo” cũng có thể đọc là “ca lao” (hát về gian khổ = ngợi ca gian khổ trong sứ mệnh đánh giặc cứu nước).

(5) “Tuyết”, tượng trưng cho sự lạnh lẽo (đoan trang, nghiêm túc) và trắng trong (trinh trắng). “Dương” (cây dương liễu, liễu rủ), tượng trưng cho lông mày thanh tú, xanh mượt, chỉ người con gái đẹp. (Xem TĐHV., sđd., tập hạ, tr. 324; tập thượng, tr. 227). Tuy nhiên, “tuyết” và “dương [liễu]” chắc hẳn chỉ là biểu trưng cho sự trong sạch lẫm liệt trong tư cách và là sức sống chịu đựng được khô khốc giữa những trường sa, trường sa trắng xóa, trắng bỏng gió lửa, trắng buốt mưa bão của quê nhà Quảng Trị, nơi sinh trưởng của nhà thơ chiến sĩ Nguyễn Văn Tường.

Cũng có thể tác giả nhắc đến điển tích “xuân dương, bạch tuyết”, ý nói: bài hát dân dã, thơ ca mộc mạc.


35. 36

BÀY TỎ NỖI NIỀM ẤP Ủ TRONG
LÒNG Ở NƠI TƯỚNG SĨ BÀN KẾ (1)

36: BÀI B

Khuya lẻ, đầu gò, nhằm khắc thẳm (1)
Hóa không chén rượu vỡ buồn thương
Rừng sâu rằng phải nhiều gai góc!
Đất rộng sao từng thiếu cột rường?
Lắm hạ đã qua bao ải thuế
Một đời cười được mấy biên cương?
Gian nan ai tỏ lòng người lính
Hát khổ, lại thơ tuyết với dương
.

TRẦN XUÂN AN
chuyển lại thơ

(1) Có thể dịch:

“Khuya lẻ, đầu gò, canh thẳm sương”

Nhưng tác giả buông thanh trắc cuối câu thứ nhất, nhằm diễn đạt sự buồn bực, trăn trở, không dễ đi vào giấc ngủ của mình. Lúc này, thời điểm với hiện thực được phản ánh trong bài thơ, là lúc tác giả đang lỡ độ đường.




Bài 37

THẤT ĐỘ XƯƠNG GIANG


Ngũ niên thất độ thọ Xương Giang
Lai vãng na kham trở thả trường
Tế hiểm phi vô chu tiếp lợi
Chấp đà vị định lỗ phàm mang
Thao thao thế sự khan như thủy
Kiển kiển (1) thần tâm kết tự sương
Bắc cố Triều đình tiêu hãn thậm
Lô Thao hà thượng nhẫn cao tường.


NGUYỄN TÔN NHAN
phiên âm và dịch nghĩa

(1) Tắc (tái)? Xin lưu ý: “thao thao” đối rất chỉnh với “kiển kiển” (từ lấp láy toàn phần).

37

BẢY LẦN VƯỢT SÔNG XƯƠNG

Năm năm bảy lượt vượt qua, rót rượu mừng thọ với sông Xương
Đi qua, đi lại sao đành cam chịu [trước] sự hiểm trở, [khiến quân] phải nghỉ chân lâu (chậm trễ)
Cứu khỏi sự hiểm nghèo, [mọi người] đều bị lỗi [là] không thuyền chèo tiện lợi (2) [chiến đấu tốt, chuyển quân nhanh]
Cầm bánh lái chưa định được [phương hướng, luồng nước, sách lược], [khiến] khiên (: mộc),
buồm bận rộn [không ngớt]
Cái cuồn cuộn [của] việc đời, trông như nước [cuốn]
Sự ngập ngừng, ách tắc, khó nói [khiến] lòng dạ kẻ bề tôi kết đọng lại như sương [trên râu tóc]
Trông ngóng (3) Bắc, Triều đình [bàn tính] thâu đêm suốt sáng (3)
[Quân] trên [sông] Lô, [sông] Thao (4), nỡ đùa bỡn, lượn lờ ư?

(1) Sông Xương (Xương Giang) thuộc tỉnh Bắc Ninh.

(2) Xem ĐNTL.CB., tập 32, sđd., tr. 331 - 332.

(3) Kẻ bề tôi chắc không dám dùng chữ “cố” đối với Triều đình; đây chỉ là trường hợp đảo ngữ, do đó, tạm dịch như trên. Nhưng biết đâu... Mặc dù là kẻ bề tôi (thời phong kiến chuyên chế), rất mực giữ trọn chữ trung, vẫn có lúc uất giận nào đó... (?). Theo lô-gích ngữ pháp, câu thơ này là một câu đơn, có mô hình b+V+C+[V]+tr hoặc: b+V+C+tr.

(4) Sông Lô, sông Thao (nhánh, khúc của sông Hồng) khởi nguồn từ tỉnh Vân Nam (ở Trung Quốc), nơi Jean Dupuis đã lập kho cung cấp súng đạn, các phương tiện chiến tranh hiện đại cho quân Thanh, quân Hồi nổi loạn và cả cho quân giặc Cờ với âm mưu quấy rối, thu lợi nhuận (xem NĐNĐDVPVTH., sđd., tr. 86 - 90, mặc dù Y. Tsuboi trình bày phiến diện...; xem ĐNTL.CB., tập 32, sđd., tr. 252 - 253, 281...).

37

BẢY LẦN QUA SÔNG XƯƠNG

Năm năm bảy chén chúc sông Xương
Qua, lại, sao cam hiểm chặn đường
Cứu nạn, nào không tàu máy tốt
Lái thuyền, chưa định, buồm khiên cuồng!
(1)
Việc đời cuộn chảy, trông như nước
Tim lính nghẹn ngừng, đọng tợ sương (2)
Ngóng Bắc, triều đình thâu tối sớm
Lô, Thao, trên sóng, nỡ hề tuồng!


TRẦN XUÂN AN
chuyển lại thơ

(1) Xin xem thêm bản dịch nghĩa bài này và phần chú thích. Tạm dịch như trên, hoặc:

Cứu nguy, lỗi chẳng thuyền chèo tốt
Cầm lái, ổn đâu, buồm mộc cuồng!


(2) Trái tim đọng sương (hình ảnh tượng trưng gồm hai hình ảnh, hoán dụ và ẩn dụ [tim, sương], cấu tạo thành một), hoặc: nỗi âu lo, trăn trở khiến tóc hóa sương (Nghẹn thắt lòng tôi, kết tựa sương).

Việc đời cuồn cuộn, trông như nước
Tâm chí nghẹn ngào, đọng tựa sương.





Bài 38

BỆNH TRUNG KÍ PHỎNG ĐỒNG CHÍ


Ngã sinh bất thị cộng sinh thần
Cảnh ngộ thiên đồng thử nhược (khổ [?]) tân
Đa bệnh tương lân sa mạc khách
Quả tình tự tiếu đẩu sao nhân
Ngư duyên tham nhĩ ưng vong thủy
Nhạn cố li hàn vị báo xuân
Kí đạo như kim tầm thị xứ
Dã hoa sơn thái vị toàn bần.


NGUYỄN TÔN NHAN
phiên âm và dịch nghĩa

38

TRONG LÚC BỆNH, GỬI LỜI THĂM HỎI
[BẠN BÈ] CÙNG CHÍ HƯỚNG

[Chúng] ta sinh ra không phải cùng giờ sinh (1)
Hoàn cảnh [mỗi người] gặp phải (: cảnh ngộ)
[lại] nghiêng về [chỗ] giống [nhau], [là] cùng nỗi cay [đắng] ấy
Lắm bệnh (2), cùng thương [nhau], [như những] người [đi trong] sa mạc [vốn rất gắn bó với nhau...]
Ít (3) tình cảm [cá nhân, gia đình], tự cười [mình], [là những] kẻ nghèo nàn, hèn mọn (4) (: kẻ vác rá vo gạo và cái đấu đong gạo – chạy gạo)
Cá bởi tham mồi nhử, nên quên nước
Chim nhạn (5) cố ý rời bỏ sự lạnh lẽo [của tiết trời, của thời cuộc], cùng báo [tin mùa] xuân [đến]
Nhắn gửi lời, hiện tại (6) (: [người] cùng hiện thời), [hãy] tìm đúng chốn [phải tìm]
Hoa hoang dại, cỏ núi rừng, chưa [phải] hoàn toàn nghèo nàn (7).

(1) “Cộng sinh thần”, không thể dịch là “tinh thần cùng sống chung” được. Bất kì với hình thái xã hội nào, loài người vẫn phải “cộng sinh”, hoặc bầy đàn, hoặc công xã, hoặc gia đình... Hai chữ “xã hội”, cho dù xã hội nào, thuộc thời đoạn lịch sử gì, cũng hàm nghĩa “cộng sinh”. Xem mục từ “thần”, TĐHV., sđd., tập hạ, tr. 383; xem lại văn cảnh.

(2) “Bệnh” cũng là bi phẫn, buồn lo, chưa hẳn là ốm đau.

(3) “Quả” (ít), cũng là tiếng tự khiêm xưng, trong từ “quả nhân”. Xem chú thích (16), bản dịch nghĩa, bài thơ số 62.

(4) Thử so sánh để thấy tác giả tự trào một cách khiêm tốn: “Đẩu tiêu nhân” đối cả từ loại với “sa mạc khách”. “Mạc” là bãi cát, “sa mạc” là bãi cát, vùng cát toàn cát. “Tiêu” là “đêm”. “Đêm” mấy khi không “sao”! Có đêm mùa đông, mưa, vắng “sao”, nhưng kì thực đêm luôn luôn bao gồm sao như bãi cát, miền cát luôn luôn bao gồm cát. “Sa mạc” và “đẩu tiêu” là hai cặp từ ghép chính phụ, không phải thuộc loại từ ghép đẳng lập. Nhưng ở đây là: Mải lo nghĩ việc nước, quên tình nhà, nên thành kẻ nghèo; không phải là ra đi trong đêm đen thời cuộc, nhìn sao bắc đẩu, nam đẩu mà tìm đường. Cấu tạo ngữ: “đẩu sao nhân” cũng như trên.

(5) “Nhạn” (chim én), loại chim thiên di, biểu trưng cho việc nắng ấm mùa xuân về, cũng là chim đưa thư, như bồ câu.

(6) “Như kim”, vốn được quen dùng với nghĩa là “hiện tại”, nhưng dịch sát nghĩa là “cùng hiện thời”. Ngữ, nhưng được dùng như từ.

(7) Hiện nay, chỉ tìm được tập thơ này của Nguyễn Văn Tường (sáng tác từ 1869 đến 1877), gia đình hậu duệ lưu giữ được. Như vậy, có lẽ tư tưởng kháng chiến vũ trang từ hồi còn làm phủ doãn Thừa Thiên (ĐNTL.CB., tập 30, sđd., tr. 171 - 173), về sau này, vẫn còn nung nấu trong lòng ông khôn nguôi. Xin xem thêm bài “Kí phỏng nguyên Cao niết Nguyễn”, số 34. Và xin xem thêm ĐNTL.CB, tập 31, sđd., tr. 86 - 89 và tr. 103 - 104, về kế hoạch lập vùng căn cứ địa kháng chiến, khai phục đường mòn và khai thông thêm thượng đạo mới (sau này là đường mòn Hồ Chí Minh, quốc lộ 1B Hồ Chí Minh xuyên Trường Sơn).

Hai câu kết của bài thơ cũng là tư tưởng của nhóm chủ trương kháng chiến vũ trang Thân Văn Nhiếp, Nguyễn Quýnh và tất nhiên, gồm vai trò của người vừa vạch kế hoạch vừa dấn thân bằng hành động Nguyễn Văn Tường. Xin xem hai bản tấu của Thân Văn Nhiếp và kiến nghị của Nguyễn Quýnh, Nguyễn Văn Tường, ĐNTL.CB., tập 31, sđd., tr. 83 - 84, 86 - 89, 103 - 104, 202 - 204, 244 - 245.

38

TRONG LÚC BỆNH,
GỬI THĂM ĐỒNG CHÍ

Sinh ta, giờ khắc không trùng nhau
Cảnh gặp gần y, cay nỗi đau!
Lắm hận cùng thương: người xứ cát
Ít tình? Tự giễu: kẻ cơm rau
Cá quen tham thịt, quên nguồn nước
Én cố rời đông, báo sắc đào
Nhắn gửi hiện giờ tìm đúng chốn
Củ rừng hoa dại, toàn nghèo đâu!


TRẦN XUÂN AN
chuyển lại thơ




Bài 39


VĂN SƯ THỨ HƯƠNG MANG


Hương Mang kỉ lí khứ Tuyên thành?
Giá thọ thê vân liệt đại doanh
Cương Nỗ giang trình chấn đa kích
Đại Đồng sơn thế cực hu (u) oanh
Hiểm hi vị đỗ thiên môn kính
Thanh tức tiên truyền ngũ đạo binh
Chỉ xích Yên hà giai cố địa
Hương Mang kỉ lí khứ Tuyên thành?


NGUYỄN TÔN NHAN
phiên âm và dịch nghĩa

39

NGHE TIN QUÂN ĐÓNG Ở HƯƠNG MANG (1)

Hương Mang cách xa thành Tuyên (2) mấy dặm?
Cây cối [như] giàn giá, mây trời [làm] giường, giăng bày nên trại quân lớn
[Ở] Cương Nỗ (3), đường [nước] sông [chảy nhanh, mạnh như] dội sấm sét, bắn tung lắm [chỗ]
[Tại] Đại Đồng (4) thế núi uốn lượn, rất [đỗi] quanh co
[Những] cái hang, cái lỗ hiểm hóc chưa trám lấp [được], con đường [hẻm núi (5) nhỏ, mà lại mở ra] ngàn cửa [rừng]
[Các] tiếng ủy lạo (an ủi, vỗ về, động viên) đã truyền trước [đến] quân năm đạo (6)
Sông Yên (7) [mỗi] thước, tấc (8) đều là đất cũ [của nước mình] (9)
Hương Mang cách xa thành Tuyên (2) mấy dặm?

(1), (2) Hương Mang hẳn là tên một rặng núi ở tỉnh Tuyên Quang (ĐNTL.CB., tập 34, sđd., tr. 273). ĐNNTC., tập 4, sđd., chương về tỉnh Tuyên Quang không đề cập đến địa danh này (sđd., tr. 333 - 363).

(3) Cương Nỗ có một ngã ba sông (ĐNNTC., sđd., tr. 351) và bến đò (sđd., tr. 356)...

(4) Đại Đồng (ĐNNTC., sđd., tr. 342, 356, 357). Đó là nơi buôn bán tấp nập, có thể gọi là đô hội (sđd., tr. 356).

(5) Phải chăng tác giả viết về Tiểu Hiệp (sđd., tr. 348)?

(6) Đạo: một đơn vị lớn của quân đội ngày xưa. Có thể hiểu là một cánh quân, một mũi tiến công.

(7) Sông Yên Long, thuộc Tuyên Quang (ĐNNTC., tập 4, sđd., tr. 350).

(8) Thước, tấc ta (40cm, 4cm).

(9) Xem ĐNNTC., tập 4, sđd., tr. 334 - 335, về sự lấn chiếm, trao trả các vùng đất ở biên giới nước ta và Trung Hoa (xung đột biên giới vốn là một vấn đề lớn từ xa xưa). Tác giả có vẻ luyến tiếc những động đất, dặm đất bị chiếm đoạt đó. Xem bài thơ số 30, “Cùng thống đốc Hoàng lên đài cờ, cảm xúc”:

“Cố miện “chiềng chùy” (?) cao các mộng”!

39

NGHE TIN
QUÂN ĐÓNG Ở HƯƠNG MANG

Hương Mang xa mấy thành Tuyên Quang?
Mây chõng, cây giàn, trại lính giăng
Cương Nỗ luồng sông, nhiều sấm dội
Đại Đồng thế núi, lắm lườn ngang
Lỗ nguy chưa lấp: nghìn truông cửa!
Lời sáng đã truyền năm cánh quân
Gang tấc sông Yên đều đất cũ
Hương Mang xa mấy thành Tuyên Quang?


TRẦN XUÂN AN
chuyển lại thơ

Không có nhận xét nào: